Đạo nghĩa thầy - trò thời nào cũng cao quý

Trần Oanh (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhân dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, NGND Nguyễn Kim Hoãn - nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội đã dành thời gian trò chuyện với Kinh tế & Đô thị xung quanh chủ đề tôn sư trọng đạo.

 NGND Nguyễn Kim Hoãn - nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội
Ông nhấn mạnh, đạo nghĩa thầy trò luôn là mối quan hệ trong sáng, thủy chung, ân tình và thời nào cũng cao quý, đáng trân trọng.
Món quà thể hiện tấm lòng
Ông có thể cho biết, thời kỳ còn là giáo viên đứng lớp, ông thường nhận được những món quà gì từ học trò, phụ huynh trong Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11?
- Năm nào cũng vậy, cứ gần đến ngày 20/1, tôi và các thầy cô giáo luôn có tâm trạng vui vẻ, xốn xang. Những kỷ niệm đẹp, tình cảm với học trò cũ, trường cũ, cơ quan cũ lại thức dậy trong tôi... Tôi sẽ chẳng thể nào quên được, những năm đất nước chiến tranh, cuộc sống của các gia đình gặp nhiều khó khăn, phải đi sơ tán nhưng đến Ngày Hiến chương Nhà giáo Việt Nam vẫn dành cho thầy cô thứ tình cảm và quà tặng hết sức chân thật và giản dị.
Vì tháng 11 là mùa cam Vinh nên kèm theo lời chúc sức khỏe, dạy tốt, phụ huynh thường tặng thầy cô cân cam. Chúng tôi đã nói vui với nhau 20/11 là "ngày hiến cam" nhà giáo. Những món quà thời đó thật giản dị nhưng thể hiện tình cảm chân thành của trò dành cho thầy cô, vô cùng ấm cúng, đáng trân trọng.
Chắc hẳn có nhiều kỷ niệm sâu sắc với học trò ngày 20/11 vẫn được thầy lưu giữ đến nay?
- Tình cảm thầy trò thời kỳ nào cũng luôn cao quý, đáng trân trọng. Tôi thực dạy 13 năm, trong đó có 11 năm là giáo viên Toán ở trường Đống Đa - khu vực có nhiều gia đình lao động, hoàn cảnh của học sinh khó khăn nên món quà dịp 20/11 mang ý nghĩa về mặt tình cảm nhiều hơn. Nhất là những em học sinh cá biệt, khi được tôi quan tâm, uốn nắn, giáo dục, ngày 20/11 luôn được các em nhớ tới, cho dù đang ở nơi xa.
Tôi còn nhớ có năm 20/11, tôi nhận được thư của một học trò ở chiến trường đi B gửi về, trong đó có câu nói khiến tôi hết sức xúc động và tự hào: “Thưa thầy, bây giờ chúng em đi bằng đầu, chứ không phải bằng chân”. Chỉ mấy từ đó thôi khiến tôi rất xúc động, cậu học trò ngỗ ngược đã trưởng thành, có ý chí vươn lên, quyết tâm ra chiến trường chi viện cho miền Nam.
Và ngay trong thời điểm này, dù nghỉ công tác nhiều năm nhưng tôi vẫn nhận được nhiều tình cảm chân thành từ các thế hệ học trò. Hội Cựu học sinh trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam - nơi tôi làm hiệu trưởng 10 năm hàng năm cứ tới dịp 20/11 lại dành cho các thầy cô giáo, cựu giáo chức của trường những lời chúc, món quà có ý nghĩa tinh thần, đó là điều tôi vô cùng trân quý.
Đặc biệt, Ban Tri ân của trường Hà Nội - Amsterdam còn thành lập nhóm “Bác sĩ Amser chăm sóc sức khỏe thầy cô”, gồm những cựu học sinh đang làm quản lý tại các bệnh viện lớn. Bất cứ khi nào, thầy cô gặp vấn đề về sức khỏe, học trò cũ đều tư vấn tận tình, khám chữa bệnh chu đáo.
Giờ đây, ai cũng nhận thấy, quà phụ huynh, học sinh dành cho thầy cô Ngày Nhà giáo Việt Nam đã thay đổi bằng những món quà vật chất có giá trị. Phải chăng tình cảm dành cho người thầy ngày nay đã được đo đếm bằng giá trị vật chất, thưa thầy?
- Tôi nghĩ, tùy thuộc vào điều kiện kinh tế, hoàn cảnh gia đình để các phụ huynh mua những món quà phù hợp. Nếu phụ huynh khá giả, việc mua quà có giá trị để cảm ơn, chăm sóc thầy cô có sức khỏe, niềm vui để dạy con mình và các học sinh trong lớp, đó là điều tốt. Ngày xưa, ông thầy ở làng quê dạy học trò dăm ba chữ vỡ lòng nhưng đến Tết được phụ huynh đội gạo nếp, cơm mới, mang con ngỗng đến biếu, được coi là hành động đẹp.
Bây giờ, phụ huynh tặng cho thầy cô tấm khăn, mỹ phẩm, cái áo... mà mọi người lại lên án quà tặng mang nặng giá trị vật chất thì không đúng. Nếu món quà vật chất thể hiện tấm lòng thực sự của phụ huynh là rất đáng trân trọng.
 Giờ học của cô và trò trường THCS Nguyễn Tri Phương, quận Ba Đình. Ảnh: Phạm Hùng
Nhưng chúng ta cũng không phủ nhận việc có phụ huynh tặng thầy cô món quà có giá trị với ý vụ lợi. Họ muốn dùng quà để mua điểm, muốn thầy cô có đánh giá tốt đẹp cho con mình. Như thế, món quà 20/11 dành cho thầy cô đã bị biến tướng và không hay.
Mong xã hội có ý thức về vị thế người thầy
Đã có hơn 50 năm tắm mình trong dòng chảy giáo dục của Thủ đô, theo thầy, đạo nghĩa thầy trò có thay đổi khi đất nước ngày càng phát triển?
- Tình cảm thầy trò vẫn luôn là thứ tình cảm cao quý, đáng trân trọng như những việc làm của các em học sinh trường Hà Nội - Amsterdam dành cho các cựu giáo chức, thầy cô giáo nghỉ hưu, mà tôi đã nói ở trên. Nhưng bên cạnh đó có những tình cảm mang màu sắc thực dụng. Nhưng tôi cũng muốn nói đến việc nhiều phụ huynh, học sinh ý thức chưa đúng về vị thế của người thầy.
Thầy cô giáo là người trực tiếp truyền đạt kiến thức, dạy cho học sinh thành người. Nhưng thầy cô cũng là con người, đây đó có thể có một vài trường hợp chưa giữ gìn được tư cách, hoặc có hành xử chưa đúng với chuẩn mực của người thầy. Trong trường hợp đó, báo chí có thể lên án hành động đáng chê trách và đề nghị nhà trường có cách xử lý. Đó chỉ là "con sâu làm rầu nồi canh", báo chí không nên khoét sâu tạo dư luận xấu và gây ra bức xúc trong xã hội.
Giờ đây, khi thầy cô có điều gì chưa tốt, ứng xử chưa phù hợp, phụ huynh lập tức quay clip tung lên mạng xã hội sẽ không thể giữ được hình ảnh và sự uy nghiêm của người thầy, ảnh hưởng đến giáo dục học trò. Nhất là khi hiện nay đã xuất hiện tâm lý an phận trong giáo viên cứ làm công việc của mình, không yêu cầu nghiêm khắc với học trò để tránh tai tiếng xấu. Tôi rất lo, nếu xu hướng này phát triển, sẽ dẫn đến những hệ lụy cho ngành.
Nhưng chúng ta cũng phải thừa nhận, ngày nay hình ảnh của người thầy không được học sinh tôn trọng như trước?
- Điều này là đúng. Khi đất nước chưa phát triển, chỉ có thầy thuốc, thầy giáo gần như là biểu tượng của tri thức địa phương. Kiến thức đến được với học trò là do thầy giáo, sách giáo khoa, vài cuốn tiểu thuyết. Học trò cũng luôn kính trọng người thầy, thế nên mới có câu: "Nhất tự vi sư, bán tự vi sư".
Nhưng giờ xã hội phát triển, các mối quan hệ trong xã hội đã khác. Thực tế, có những mối quan hệ thầy - trò trở nên lệch lạc, xuống cấp, bị xã hội lên án.
Như tôi đã nói: Dạy trò mà không nghiêm, đó là lỗi của thầy. “Nghiêm” trong nghĩa nghiêm khắc với học trò và nghiêm túc với bản thân mình và nghiêm cẩn với công việc mình làm. Nếu người thầy thực hiện nghiêm theo 3 nghĩa này thì học trò không thể coi thường. Nhưng hiện nay, trình độ của các thầy cô không đồng đều, thậm chí chưa đáp ứng được yêu cầu công việc.
Hoặc, thầy chỉ có trình độ ở mức trung bình không thể thuyết phục được học sinh nhưng lại lấy uy quyền để áp đặt, trừng phạt thì không được học trò tôn trọng. Còn những thầy cô giáo giỏi, có kỹ năng sư phạm, khi giảng dạy luôn thu hút học trò và được các em tôn trọng.
Vì thế, khi còn làm lãnh đạo ngành GD&ĐT Thủ đô, tôi đã trăn trở, nếu người thầy chỉ được đào tạo trong trường sư phạm 4 năm, sau đó ra trường dạy học suốt đời thì không ổn. Nhất là khi hiện nay, xã hội phát triển, kiến thức từng môn học thay đổi từng giờ.
Nhiều thầy cô có ý thức về việc này, không cần đợi đến khi nhà trường, phòng, sở tổ chức lớp bồi dưỡng mà tự học qua sách vở, trên các trang mạng xã hội. Nhưng cũng có những thầy cô do hoàn cảnh, không có điều kiện quan tâm, cứ dạy theo lối mòn. 
Xin cảm ơn thầy!

"Tôi còn nhớ có năm 20/11, tôi nhận được thư của một học trò ở chiến trường đi B gửi về, trong đó có câu nói khiến tôi hết sức xúc động và tự hào: “Thưa thầy, bây giờ chúng em đi bằng đầu, chứ không phải bằng chân”. Chỉ mấy từ đó thôi khiến tôi rất xúc động, cậu học trò ngỗ ngược đã trưởng thành, có ý chí vươn lên, quyết tâm ra chiến trường chi viện cho miền Nam." - Nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội - NGND Nguyễn Kim Hoãn

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần