Đảo quốc nhỏ giữa các đối tác lớn

Nguyên Sa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Trung Quốc, thỏa thuận về liên minh an ninh giữa Trung Quốc và quần đảo Solomon đã được ký kết, trong khi phía Solomon lại ám chỉ là trong tháng tới mới tiến hành việc ký kết.

Dù vậy, bốn nước Mỹ, Nhật Bản, Australia và New Zealand đã ngay lập tức biểu lộ mối quan ngại sâu sắc. Đảo quốc nhỏ này ở Thái Bình Dương trở nên quan trọng đối với các đối tác lớn ở trong cũng như ngoài khu vực.

Australia hồi năm 2017 đã ký kết với quần đảo Solomon thỏa thuận về liên minh an ninh. Rồi năm ngoái, Australia cùng với Mỹ và Anh thoả thuận thành lập liên minh an ninh (AUKUS) mà nhờ đấy Australia được chuyển giao công nghệ chế tạo tàu ngầm hạt nhân.

Mới đây, bộ ba này nhất trí với nhau trong khuôn khổ AUKUS về hợp tác chế tạo tên lửa siêu thanh. Dù vậy, thỏa thuận hợp tác nói trên giữa Trung Quốc và quần đảo Solomon vẫn khiến cả Mỹ lẫn Australia và Nhật Bản lẫn New Zealand không thể không lo ngại sâu sắc vì nó giúp Trung Quốc bám trụ vững chắc, lâu dài về chính trị, quân sự và an ninh ở nơi xa xôi với Trung Quốc nhưng lại gần như là sân sau của Australia và New Zealand cũng như có được một bàn đạp ở khu vực lớn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Đối với quần đảo Solomon, có thêm Trung Quốc làm đối tác và đối trọng trong xử lý quan hệ với các nước khác ở trong cũng như ngoài khu vực, đặc biệt với Mỹ và Australia, là nước cờ cao về chiến lược. Chỉ có điều là chơi con bài đối trọng và giữ được cân bằng trong quan hệ quốc tế không đơn giản và dễ thành công. Cho dù có quả quyết dứt khoát như thế nào thì Solomon cũng vẫn không thể xoá nhoà quan ngại lớn nhất của Mỹ, Australia, Nhật Bản và New Zealand là liên minh an ninh kia tạo điều kiện thực tế cho Trung Quốc có được căn cứ quân sự ở quần đảo này.

Một khi thoả thuận hợp tác song phương giữa hai quốc gia trở thành hoặc bị nhìn nhận là chuyện địa chính trị và địa chiến lược khu vực thì đảo quốc này trở thành một tâm điểm của cuộc chơi giữa các đối tác lớn ở trong cũng như ngoài khu vực.