Đào tạo lái tàu đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội theo hai giai đoạn

Ngọc Hải thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để chuẩn bị đưa vào vận hành, khai thác đoạn tuyến trên cao, đường sắt đô thị (ĐSĐT) Nhổn - Ga Hà Nội, sẽ cần 40 lái tàu. Liên quan đến vấn đề này, phóng viên Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với Chủ tịch HĐTV, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội Vũ Hồng Trường.

 
Xin ông cho biết vài nét về việc chuẩn bị công tác nhân sự phục vụ vận hành tuyến ĐSĐT Nhổn - Ga Hà Nội?
- Theo kế hoạch, đoạn tuyến trên cao Nhổn - Cầu Giấy, ĐSĐT Nhổn - Ga Hà Nội sẽ được đưa vào khai thác từ tháng 4/2021. Hiện nay, chúng tôi đang chuẩn bị nhân sự cho tuyến này, đặc biệt là lái tàu để vận hành trước đoạn trên cao. Trong đó, riêng lái tàu phải đào tạo từ 12 - 16 tháng, qua hai giai đoạn, nên nếu không tuyển dụng ngay từ bây giờ sẽ không kịp. Các vị trí khác sẽ được tuyển dụng sau.
Ông có thể trao đổi rõ hơn về quá trình đào tạo lái tàu?
- Đoạn tuyến trên cao, ĐSĐT Nhổn - Ga Hà Nội sẽ cần 36 lái tàu. Để bảo đảm dự phòng, chúng tôi đang tuyển dụng 40 người, với yêu cầu là phải có sức khỏe tốt, thị lực tốt. Đặc biệt, phải biết lái tàu, có kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm quản lý vận hành tàu, có kỹ năng phán đoán và xử lý khẩn cấp đối với các sự cố…
Các lái tàu sẽ được đào tạo giai đoạn 1 tại Việt Nam, sau đó, nhà thầu Dự án ĐSĐT Nhổn - Ga Hà Nội sẽ tiếp nhận một phần, đưa sang đào tạo tại Pháp. Cụ thể sẽ có 6 lái tàu được sang Pháp “du học” trong giai đoạn hai. Khi trở về, những người này chính là hạt nhân để đào tạo nâng đội ngũ lái tàu tại Việt Nam.
Giai đoạn 1, các lái tàu được đào tạo ở cơ sở nào, thưa ông?
- Theo quy định, việc đào tạo lái tàu là một gói thầu và sẽ được đưa ra đấu thầu. Tuy nhiên, trên thực tế là hiện mới chỉ có trường Cao đẳng Đường sắt, thuộc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, Bộ GTVT, có nội dung đào tạo lái tàu ĐSĐT. Vì vậy, kết quả lựa chọn cơ sở đào tạo sẽ được công bố sau.
Xin cảm ơn ông!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần