Hà Nội:

Đào tạo nhân lực chất lượng cao xây dựng cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN

Trần Oanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Để có chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng thị trường trong nước, xây dựng Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN, Thành phố Hà Nội đang thực hiện nhiều giải pháp, trong đó có đầu tư phát triển giáo dục nghề nghiệp (GDNN), trường chất lượng cao, trường trọng điểm.

Đến năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 75 – 80%

Thành phố Hà Nội có mối quan hệ tốt đẹp với các quốc gia trong khu vực ASEAN cũng như tăng cường hợp tác trên tất cả các lĩnh vực, trong đó đào tạo nghề, cung cấp lao động chất lượng cao cho khu vực ASEAN.

Thành phố Hà Nội phấn đấu đến năm 2025 tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 75 – 80%.
Thành phố Hà Nội phấn đấu đến năm 2025 tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 75 – 80%.

UBND Thành phố Hà Nội đặt ra mục tiêu phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 – 2025. Trong đó, các yếu tố của thị trường lao động được phát triển đồng bộ và hiện đại; chất lượng nguồn nhân lực và hiệu quả tổ chức, vận hành thị trường lao động được nâng cao. Thị trường lao động đóng vai trò chủ động trong huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng hiện đại. Cũng như đảm bảo kết nối thị trường lao động của Hà Nội với các tỉnh, thành phố trong vùng Thủ đô và các địa phương khác trên cả nước, trong khu vực và thế giới.

Hà Nội phấn đấu đến năm 2025 tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 75 – 80%, trong đó lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 55,59%. Để nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo và chất lượng nguồn nhân lực, trong những năm qua, Hà Nội luôn quan tâm, đầu tư phát triển GDNN, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động ở trong nước, khu vực ASEAN và thế giới.

Hà Nội đầu tư 4 trường cao đẳng thành trường chất lượng cao, trường nghề trọng điểm. Ảnh: Thanh Xuân. 
Hà Nội đầu tư 4 trường cao đẳng thành trường chất lượng cao, trường nghề trọng điểm. Ảnh: Thanh Xuân. 

Từ nay đến năm 2025, Hà Nội tiếp tục rà soát, sắp xếp, nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ sở GDNN. Và triển khai thực hiện đầu tư trường chất lượng cao, trường nghề trọng điểm với 4 trường cao đẳng công lập thuộc Thành phố, để trở thành trường chất lượng cao theo Quyết định số 761/QĐ-TTg ngày 23/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ. Hà Nội cũng sẽ đầu tư trang thiết bị đào tạo các ngành, nghề trọng điểm theo các cấp độ quốc tế, khu vực ASEAN và quốc gia đối với 16 trường đã được Bộ LĐTB&XH phê duyệt, lựa chọn.

Để có nguồn nhân lực chất lượng cao, Hà Nội sẽ thực hiện các giải pháp, trong đó phát triển đội ngũ nhà giáo, nghệ nhân, chuyên gia, người dạy nghề và cán bộ quản lý trong GDNN. Trọng tâm là phát triển đội ngũ nhà giáo thuộc các ngành nghề trọng điểm có năng lực chuyên môn, kỹ năng nghề đạt chuẩn khu vực và quốc tế. 

Cần những giải pháp đột phá nâng tầm kỹ năng lao động

Với mong muốn nhà trường đạt chuẩn khu vực, một số ngành nghề đạt chuẩn quốc tế, nhiều cơ sở GDNN trên địa bàn Hà Nội đang thực hiện những giải pháp như: Đổi mới chương trình đào tạo trong đó nâng tỷ lệ thực hành, giảm lý thuyết; đào tạo nghề theo chương trình chuyển giao quốc tế; hợp tác sâu rộng với các doanh nghiệp trong xây dựng chương trình, đưa sinh viên đến doanh nghiệp học và thực hành nghề…

Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội ký kết hợp tác với Công ty Explico Pte.Ltd (Singapore) và CI Moneta Co., Ltd (Việt Nam) trong giáo dục - đào tạo để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Ảnh: Thanh Xuân.
Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội ký kết hợp tác với Công ty Explico Pte.Ltd (Singapore) và CI Moneta Co., Ltd (Việt Nam) trong giáo dục - đào tạo để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Ảnh: Thanh Xuân.

Các cơ sở GDNN tích cực tổ chức thi tay nghề, tham gia kỳ thi kỹ năng nghề cấp thành phố, quốc gia, đặc biệt là khu vực ASEAN… Kỳ thi kỹ năng nghề ASEAN là cơ hội để các trường được học hỏi phong cách làm việc của ban giám khảo, cách ra đề thi sát với thực tiễn và nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp, cách xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị và môi trường học tập gần với doanh nghiệp. Giáo viên học được kinh nghiệm của đồng nghiệp phương pháp sư phạm, trình bày bài giảng. Sinh viên được học hỏi về thái độ đối với ngành nghề, tác phong làm việc... Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nghề của nhà trường và đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp.

Sinh viên trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội học nghề Cơ khí. 
Sinh viên trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội học nghề Cơ khí. 

Cùng với việc hợp tác với các trường trong khu vực ASEAN, các cơ sở GDNN trên địa bàn Hà Nội còn ký kết với các tổ chức quốc tế, trường nghề ở CHLB Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia… về đào tạo nghề, tạo việc làm cho sinh viên. Hiệu trưởng trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội Phạm Thị Hường cho biết: Mới đây, nhà trường ký Biên bản ghi nhớ với Công ty Explico Pte.Ltd (Singapore) và CI Moneta Co., Ltd (Việt Nam) trong giáo dục - đào tạo, bao gồm chia sẻ các phương pháp, hoạt động triển khai và nguồn tài nguyên vì lợi ích chung của học sinh, giáo viên hai bên. Mở đầu cho sự hợp tác này, Công ty Explico Pte.Ltd sẽ cung cấp phần mềm trí tuệ nhân tạo (AI) trong việc giảng dạy và đánh giá chất lượng đạo tạo của trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội.

“Với sự hợp tác của đối tác sẽ giúp nhà trường đào tạo sinh viên có kỹ năng tay nghề và trình độ tiếng Anh đồng đều, đạt chuẩn. Sinh viên sau khi ra trường hoàn toàn có thể làm việc ở các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam và những công ty trong khu vực ASEAN…” – bà Phạm Thị Hường cho hay.

Nhiều năm qua, nhờ sự đầu tư của Nhà nước, Thành phố Hà Nội và nỗ lực của các trường nghề, chất lượng đào tạo của các trường được nâng lên và tiệm cận nhu cầu doanh nghiệp. Các trường nghề mong muốn Bộ LĐTB&XH, UBND Thành phố Hà Nội tiếp tục đầu tư trang thiết bị, kết nối hợp tác với các nước cùng những giải pháp đột phá nhằm phát triển nguồn nhân lực, nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam đáp ứng cho thị trường trong nước, khu vực ASEAN và quốc tế. Và, cũng là để thúc đẩy xây dựng Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN của Thành phố Hà Nội hài hòa, đoàn kết, đùm bọc, chia sẻ, hướng tới người dân. 

 

4 trường cao đẳng được Thành phố Hà Nội đầu tư thành trường chất lượng cao, nghề trọng điểm là: Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội, trường Cao đẳng Công nghiệp Hà Nội, trường Cao đẳng nghề Việt Nam – Hàn Quốc Thành phố Hà Nội, trường Cao đẳng nghệ thuật Hà Nội.