Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đặt an toàn giao thông cho học sinh lên hàng đầu

Ngọc Hải - Ngọc Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, tình hình trật tự, an toàn giao thông (ATGT) liên quan đến lứa tuổi học sinh vẫn diễn ra phức tạp. Do đó, việc đảm bảo ATGT cho học sinh là một trong những ưu tiên hàng đầu, cần sự chung tay, sát sao của gia đình, nhà trường và toàn xã hội.

Các bên cùng phối hợp

Hiện nay, tình hình trật tự, ATGT liên quan đến lứa tuổi học sinh đang diễn ra phức tạp, còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn và để lại những hậu quả nặng nề.

Học sinh điều khiển xe máy tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông. Ảnh minh họa
Học sinh điều khiển xe máy tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông. Ảnh minh họa

Theo thống kê của Bộ Công an, từ 15/12/2022 - 14/10/2023, trên toàn quốc đã xảy ra gần 900 vụ tai nạn giao thông liên quan đến học sinh (độ tuổi từ 6 - 18 tuổi), làm chết 490 người, bị thương 827 người.

Trước thực tế đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 21/12/2023 tăng cường công tác bảo đảm trật tự, ATGT cho lứa tuổi học sinh trong tình hình mới.

Thủ tướng yêu cầu các cơ sở giáo dục phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng tại địa phương đầu tư lắp đặt hệ thống camera giám sát tại các khu vực gần cổng trường học. Camera sẽ ghi nhận các hình ảnh vi phạm giao thông của học sinh, làm căn cứ xử lý và bình xét thi đua đối với từng lớp học, giáo viên và học sinh.

Cùng với đó, nội dung bảo đảm trật tự, ATGT đối với học sinh sẽ là một trong những tiêu chí đánh giá thi đua hằng năm đối với các cơ quan quản lý giáo dục, các trường, cán bộ và giáo viên. Đối với học sinh, trong từng học kỳ, năm học sẽ có đánh giá và xếp loại hạnh kiểm theo tiêu chí đảm bảo ATGT.

Các phương tiện kinh doanh đưa đón học sinh cũng cần sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ về hành trình, điểm dừng đón, trả; danh sách xe, lái xe; hình ảnh xe và màu sơn. Kiên quyết không để các phương tiện không đủ điều kiện an toàn tham gia đưa đón học sinh.

Chị Bùi Thị Giang (phường Ngọc Lâm, quận Long Biên) chia sẻ: “Hiện nay, 2 con tôi đang đi học bằng xe đưa đón của nhà trường, tuy nhiên vẫn còn lo lắng về an toàn của con. Nhà trường thuê các đơn vị xe uy tín, thực hiện đúng quy trình an toàn thì chúng tôi sẽ an tâm cho các con sử dụng lâu dài”.

Đây cũng là giải pháp để khuyến khích học sinh đi lại bằng phương tiện vận tải công cộng và xe ô tô buýt chuyên dụng.

Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về trật tự, ATGT trong trường học, mỗi học kỳ phải có ít nhất một buổi. Tuy nhiên các hình thức tuyên truyền hiện nay chưa được đa dạng và gần gũi với lứa tuổi học sinh. Nếu có thể triển khai trải nghiệm thực tế bằng kính ảo hoặc các hình ảnh trực quan thì thông điệp để lại sẽ ấn tượng, sâu sắc hơn.

Trao đổi với phóng viên Báo Kinh tế và Đô thị, ông Tạ Đức Giang - Phó chánh Văn phòng Ban ATGT Thành phố Hà Nội cho rằng: “Để giảm thiểu tình trạng TNGT ở lứa tuổi thanh thiếu niên, gia đình cần kiên quyết hơn, không giao xe cho con em mình khi chưa đủ điều kiện sử dụng. Khi trẻ vi phạm, gia đình phải đồng hành, cùng các em chịu trách nhiệm cho hành vi ấy, chứ không phải bao che, dung túng hay nhắc nhở qua loa rồi bỏ đó”.

Ông Tạ Đức Giang cho rằng, không chỉ tổ chức cho các nhà trường, học sinh, giáo viên ký cam kết thi đua chấp hành pháp luật về giao thông mà chính các bậc phụ huynh cũng cần tham gia vào quá trình này.

Chú trọng đến hạ tầng

Để ngăn chặn, giảm thiểu tai nạn giao thông liên quan đến lứa tuổi học sinh, gia đình, nhà trường và xã hội cần quyết liệt hơn nữa với các giải pháp căn cơ, đồng bộ. Từ đó xây dựng văn hoá tự giác chấp hành pháp luật về giao thông trong học sinh.

Trong Chỉ thị số 31/CT-TTg, Thủ tướng cũng yêu cầu rà soát tổ chức giao thông tại các khu vực trường học. Các điểm bất hợp lý, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT cần được tổ chức lại. Đặc biệt là các trường hợp ngay sát quốc lộ, tuyến đường nhiều phương tiện đi lại vào khung giờ học sinh đến trường, tan học.

Đồng thời, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông tại các khu vực trường học theo đúng quy chuẩn, phù hợp với tổ chức giao thông.

Trước đó không lâu, UBND thành phố Hà Nội đã bắt đầu thí điểm tuyến đường an toàn cho học sinh. Theo đó, Sở GTVT hạn chế tốc độ các phương tiện qua khu vực cổng trường học thí điểm không vượt quá 30km/h.

Tốc độ di chuyển của phương tiện qua các cổng trường học nói chung, trừ trường hợp bị ùn tắc thì thường là tốc độ cao, gây nguy hiểm cho các bạn học sinh. Với tốc độ dưới 30km/h, sẽ giảm tối đa thương vong và vụ va chạm có thể xảy ra.

Em Nguyễn Hoàng Hải (Trường THCS Xuân Đỉnh) chia sẻ: "Ở trước cổng trường, mọi người đi lại rất đông, tốc độ khá cao. Em đã chứng kiến các vụ va chạm giao thông ở đó. Vì vậy, thí điểm giảm tốc độ sẽ giúp cho học sinh chúng em tham gia giao thông an toàn hơn”.

Bên cạnh đó, khu vực cổng trường học chưa hình thành được hệ thống các tuyến đường riêng dành cho người đi bộ. Lối đi thường hay bị chiếm dụng để kinh doanh hoặc đỗ xe gây lộn xộn, mất trật tự ATGT.

Trong thí điểm các giải pháp đảm bảo ATGT trước cổng trường, Sở GTVT Hà Nội đã mở rộng vỉa hè, tạo lối đi bộ thông thoáng cho học sinh. Đồng thời thiết kế lối đi bộ nổi và đảo giao thông kết hợp điểm trú chân cho người đi bộ sang đường tại khu vực cổng trường học.

Thu hẹp lòng đường, sắp xếp vị trí đỗ xe cho phụ huynh học sinh cũng là một giải pháp tạo sự ngăn nắp, trật tự cho khu vực cổng trường học. Một nội dung khác trong chương trình thí điểm là bố trí các cụm gờ giảm tốc trước khu vực trường học để hạn chế tốc độ các phương tiện đi qua.

Không chỉ bổ sung trang thiết bị trên đường mà ngay cả trên không gian mạng cũng cần sự quan tâm, chú ý của các lực lượng liên quan. Với sự bùng nổ của internet như hiện nay, cần thường xuyên rà soát trên mạng xã hội để phát hiện các trường hợp vi phạm liên quan đến đua xe, lạng lách, đánh võng. Các hành vi cổ xúy cho đua xe, ảnh hưởng tiêu cực đến thanh, thiếu niên cần bị xử lý nghiêm khắc và kịp thời.