Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đất “Chín Rồng” đang vươn lên mạnh mẽ

Tiến Dũng - Hữu Tuấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau đại dịch Covid-19 Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) đứng trước muôn vàn khó khăn, thách thức. Sản phẩm nông nghiệp bế tắc đầu ra, ngành du lịch vắng khách, xuất khẩu gặp khó.… Tuy nhiên, sự tăng trưởng thần kỳ của các “nền” kinh tế cho thấy Đất “Chín Rồng” đang vươn lên mạnh mẽ.

Tăng trưởng GRDP đạt 7,84%

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê , tăng trưởng GRDP bình quân toàn khu vực ĐBSCL đạt 7,84%, trong đó Hậu Giang dẫn đầu với 14.03%, tiếp đến Cần Thơ 12,64%, Vĩnh Long 11,28; GDP bình quân đầu người 65,43 triệu đồng. Tổng thu ngân sách toàn vùng được 122.802 tỷ đồng, trong đó Long An tiếp tục đứng thứ nhất khi thu được trên 21 ngàn tỷ đồng, Trà Vinh 14,567 ngàn tỷ đồng, Hậu Giang gần 13 ngàn tỷ đồng, Kiên Giang 11,579 tỷ đồng, TP Cần Thơ 11,420 tỷ đồng…

Ngành hàng cá tra đang đứng đầu về sản lượng xuất khẩu của DdooBSCL. Ảnh Hữu Tuấn
Ngành hàng cá tra đang đứng đầu về sản lượng xuất khẩu của DdooBSCL. Ảnh Hữu Tuấn

UBND tỉnh Long An cho biết năm 2022, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn lần đầu tiên vượt mốc 20.000 tỷ đồng.Cụ thể đạt gần 22.000 tỷ đồng, tăng 28,1% so với dự toán Trung ương, tăng 26,7% so dự toán Hội đồng Nhân dân tỉnh giao và tăng 17,7% so với cùng kỳ.

Có được kết quả trên là do các chương trình, chính sách phục hồi kinh tế đã phát huy hiệu quả, kinh tế địa phương phục hồi và phát triển mạnh mẽ; hoạt động thu hút đầu tư đạt kết quả tích cực …

Bên cạnh đó, Long An tiếp tục phát huy vai trò kinh tế tư nhân theo hướng là động lực quan trọng của nền kinh tế; tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển kinh tế tư nhân; hỗ trợ kinh tế tư nhân đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động; đẩy mạnh đổi mới máy móc, trang thiết bị, quy trình sản xuất theo hướng hiện đại để tăng tính cạnh tranh.

Hậu Giang trở thành một hiện tượng mới của vùng đất "Chín Rồng" khi doanh thu GRDP tăng vượt bậc. Ảnh PV
Hậu Giang trở thành một hiện tượng mới của vùng đất "Chín Rồng" khi doanh thu GRDP tăng vượt bậc. Ảnh PV

Tỉnh Hậu Giang được coi là một hiện tượng của “Nền kinh tế mới nổi” của vùng đất “Chín Rồng”. Năm 2022 tỉnh này hoàn thành toàn diện 18/18 chỉ tiêu kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh, có 13/18 chỉ tiêu vượt kế hoạch, trong đó một số chỉ tiêu rất trọng yếu như: tăng trưởng kinh tế; chuyển dịch cơ cấu kinh tế; tổng vốn đầu tư toàn xã hội; tổng số doanh nghiệp hoạt động; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn; GRDP bình quân đầu người.

Đặc biệt, phát triển kinh tế tiếp tục là điểm sáng, tăng trưởng cao nhất từ trước đến nay (13,94%), đứng đầu vùng ĐBSCL và vươn lên thứ 4 cả nước (tăng trên 30 bậc so với năm 2021).

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế làm "kim chỉ nam" phát triển

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng, giảm tỷ trọng khu vực I, tăng mạnh khu vực II (tăng 6,14%), đưa tỷ trọng khu vực kinh tế công nghiệp lần đầu tiên cao hơn khu vực kinh tế nông nghiệp (30,23% so với 23,71%).

Tổng thu ngân sách trên địa bàn tiếp tục đà tăng ấn tượng với gần Hậu Giang gần 13 ngàn tỷ đồng, đức thứ 3 khu vực ĐBSCL.

Chia sẻ về sự tăng trưởng “thần kỳ trên” Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang ông Đồng Văn Thanh nói: Năm 2022 có ý nghĩa quan trọng trong triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV.

Ngành hàng lúa gạo một trong những sản phẩm chủ lực của mảnh đất Chín Rồng. Ảnh Hữu Tuấn
Ngành hàng lúa gạo một trong những sản phẩm chủ lực của mảnh đất Chín Rồng. Ảnh Hữu Tuấn

Tỉnh đã bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, quán triệt và nghiêm túc thực hiện sâu sắc các chủ trương, định hướng của Trung ương. Ngay từ đầu năm 2022, bằng nhiều giải pháp, tỉnh đã nỗ lực vượt qua các khó khăn thách thức, tận dụng cơ hội, tiềm năng, với tinh thần đổi mới, đột phá, quyết tâm và khát vọng, trên cơ sở nghị quyết Đảng bộ tỉnh và chương trình hành động toàn khóa, toàn hệ thống chính trị trong tỉnh tập trung triển khai, hiện thực hóa các nghị quyết, chương trình, đề án phát triển tỉnh. Và, bằng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực, quyết tâm cao của cấp ủy, chính quyền các cấp cùng sự đồng thuận của nhân dân và doanh nghiệp nên tỉnh Hậu Giang đã hoàn thành xuất sắc nhiều nhiệm vụ quan trọng.

Trong khi đó “Đất Sen Hồng” – Đồng Tháp cũng chứng kiến mức tăng trưởng GRDP cao nhất trong 10 năm năm qua. Theo báo cáo của UBND tỉnh, năm 2022, tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) tăng trưởng 9,11%, cao nhất trong 10 năm trở lại đây (2012 - 2022), quy mô kinh tế lần đầu tiên đạt mốc 100.172 tỷ đồng, GRDP bình quân đầu người đạt 62,6 triệu đồng (tương đương 2.675 USD). Tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong năm 2022 xếp thứ 5 trong nhóm các tỉnh tăng trưởng cao của vùng ĐBSCL.

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp – Ông Lê Quốc Phong cho biết: Ngay từ đầu năm 2022, tỉnh Đồng Tháp đã chủ động trong việc xây dựng kế hoạch phục hồi phát triển kinh tế và vào cuộc một cách mạnh mẽ, quyết liệt. Định kỳ hàng tuần họp giao ban để thông tin tiến độ, trực tiếp gặp gỡ người dân, doanh nghiệp để giải quyết kịp thời khó khăn. Đồng thời, địa phương thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Trung ương ban hành để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân.

Trong nông nghiệp, Đồng Tháp đã nhân rộng thêm 19 mô hình sản xuất tiên tiến, triển khai tập trung đối với nông sản chủ lực, sản phẩm đặc thù của tỉnh, của địa phương. Hỗ trợ người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có lợi ích kinh tế cao, đổi mới tổ chức sản xuất, áp dụng truy xuất nguồn gốc. Số xã đạt chuẩn nông thôn mới toàn tỉnh hiện có 103/115 xã và 10 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Khách quốc tế luôn xem mảnh đất "Chín Rồng" điểm đến lý tưởng trong chuyến hành trình khám phá phương nam. Ảnh Hữu Tuấn
Khách quốc tế luôn xem mảnh đất "Chín Rồng" điểm đến lý tưởng trong chuyến hành trình khám phá phương nam. Ảnh Hữu Tuấn

Giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 53.429 tỷ đồng. Hoạt động xuất khẩu của tỉnh tiếp tục tăng trưởng ổn định với tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu ước đạt 2 tỷ USD.

Tỉnh Kiên Giang – Vùng đất tận cùng trên biển Tây của tổ quốc cũng đã phục hồi và phát triển mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19. Tăng trưởng GRDP đạt 7,7%, thu ngân sách 11,579 tỷ đồng; GDP bình quân đầu người 66,24 triệu đồng (đứng thứ 5 trong khu vực)… Đáng chú ý, TP Phú Quốc vẫn là “Lá cờ đầu” của tỉnh trong phát triển Kinh tế của tỉnh.

Theo báo cáo, UBND TP Phú Quốc, năm 2022, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 23.125 tỷ đồng. Giá trị sản xuất Nông- Lâm nghiệp- Thủy sản 4.258 tỷ đồng, công nghiệp- xây dựng đạt 19.321 tỷ đồng. Tổng thu ngân sách Nhà nước 6.000 tỷ đồng, chiếm hơn 51% ngân sách của tỉnh Kiên Giang. Trong khi đó, tổng thu ngân sách của cả tỉnh chỉ đạt 11.579 tỷ đồng. Tính đến thời điểm hiện nay, có tổng số 338 dự án đầu tư còn hiệu lực, với diện tích quy hoạch 10.956 ha. Có 52/338 dự án được đưa vào hoạt động. Giải ngân vốn đầu tư với số tiền khoảng 14.874 tỷ đồng.

Năm 2022 du lịch ĐBSCL đã trở lại mạnh mẽ, trở thành một trong những điểm đến lý tưởng của du khách trong và ngoài nước. Ảnh Hữu Tuấn
Năm 2022 du lịch ĐBSCL đã trở lại mạnh mẽ, trở thành một trong những điểm đến lý tưởng của du khách trong và ngoài nước. Ảnh Hữu Tuấn

Với việc phát triển thần kỳ, vượt bậc, ĐBSCL đã và đang trở thành một hiện tượng trong việc tăng trưởng và phát triển kinh tế. Đặc biệt, Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị như một kim chỉ nam để đưa mảnh đất "Chín rồng" bay cao, bay xa trong thời gian tới. Trong đó, có những chính sách liên kết, hợp tác phát triển vùng với TP Hồ Chí Minh và các tỉnh thành cũng góp phần tăng trưởng kinh tế vùng Đồng bằng phì nhiêu, màu mỡ bậc nhất của cả nước. Trở thành một trong những vùng thu hút vốn đầu tư lớn của cả nước.