Trả lời:
Việc đặt máy quay trộm khách trong nhà nghỉ, khách sạn là hành vi trái đạo đức, bị xã hội lên án. Việc này xâm phạm quyền bí mật đời tư của cá nhân được quy định trong Bộ luật Dân sự. Đối tượng có hành vi đặt máy quay, gây thiệt hại về danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người bị xâm hại theo quy định tại Điều 592 Bộ luật Dân sự 2015.
Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm bao gồm: Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại; Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút; Thiệt hại khác do luật quy định. Hành vi quay lén người khác trong nhà nghỉ, khách sạn đã vi phạm khoản 3 Điều 66 Nghị định 174/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện.
Cụ thể, người nào thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ hành vi sẽ bị phạt tiền 10 - 20 triệu đồng. Trong trường hợp cơ quan bảo vệ pháp luật có căn cứ xác định, người quay lén hình ảnh người khác trong nhà nghỉ, khách sạn và sử dụng hình ảnh, thông tin cá nhân có được do quay lén vào mục đích làm nhục, xúc phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự, gây dư luận xấu, làm giảm uy tín của cá nhân thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người khác, theo điều 155 Bộ luật Hình sự.
Trường hợp người quay lén khách trong nhà nghỉ, khách sạn có hình ảnh nhạy cảm như khỏa thân, quan hệ tình dục, sau đó đối tượng quay lén có hành vi sao chép, lưu hành, vận chuyển, mua bán, tàng trữ nhằm phổ biến các hình ảnh quay lén này thì người vi phạm có thể bị truy cứu về tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy, được quy định tại điều 326 Bộ luật Hình sự.
Luật sư Bùi Quang Thu - Đoàn Luật sư TP Hà Nội