Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dấu ấn 50 năm “chiến thắng trở về”

Hữu Tuấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Những ngày cuối tháng 3, là khoảng thời gian đáng nhớ của các chiến sĩ bị bắt tù đày tại Trại giam tù binh Phú Quốc (Kiên Giang). Mặc dù chiến tranh đã qua đi, nhưng những nổi niềm của những người lính, người chiến sĩ cách mạng vẫn còn sống mãi với thời gian.

Nổi niềm những lần vượt ngục

Những ngày gần đây nhiều địa phương các tỉnh, thành đã kỷ niệm 50 năm chiến thắng trở về, ngày trao trả tù binh, tại bờ Bắc sông Thạch Hãn, tỉnh Quảng Trị, một dấu mốc đánh dấu những chiến thắng trên mặt trận chính trị, ngoại giao của quân và dân ta.

Ông Nguyễn Văn Mỹ (bí danh Ba Toản) kể về những lần vượt ngục khi bị bắt giam tại đây. Ảnh Hữu Tuấn
Ông Nguyễn Văn Mỹ (bí danh Ba Toản) kể về những lần vượt ngục khi bị bắt giam tại đây. Ảnh Hữu Tuấn

Sau chiến tranh, những vết thương hằn trên cơ thể của những người lính, những người chiến sĩ cách mạng vẫn còn đó, nhưng những đòn tra tấn dã man của Mỹ - Ngụy không thể nào nguôi ngoai trong lòng những người đang còn sống lại.

Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế và Đô thị, ông Mai Văn Bé (sinh 1949) - Trưởng Ban liên lạc tù chính trị - tù binh tỉnh Kiên Giang cho biết: Mục tiêu trước tiên, quan trọng nhất của người tù binh trong cuộc chiến đấu tại Trại giam tù binh cộng sản Việt Nam - Phú Quốc là bảo vệ cho bằng được sinh mạng chính trị, lý tưởng của mình, không khuất phục trước đòn roi ác liệt của quân thù. “Để khi trở về với cách mạng có thể tiếp tục chiến đấu cho sự nghiệp cao đẹp mà mình hằng theo đuổi”.

Ông Phú Xí Khiếu kể lại những lần vượt ngục của các chiến sĩ tại Trại giam tù binh cộng sản Việt Nam - Phú Quốc. Ảnh Hữu Tuấn
Ông Phú Xí Khiếu kể lại những lần vượt ngục của các chiến sĩ tại Trại giam tù binh cộng sản Việt Nam - Phú Quốc. Ảnh Hữu Tuấn

Mục tiêu thứ hai đấu tranh của tù binh là đòi quyền sống của con người theo Công ước Genever về tù binh, chống đánh đập, bắn giết và đòi cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của tù binh, đòi cấp phát đầy đủ lương thực thực phẩm, đòi thuốc men chữa bệnh và đòi để cho anh em được tổ chức sinh hoạt văn nghệ, học văn hóa. Bị giam giữ trong ngục tù, mất tự do, tù binh luôn tìm mọi cách để vượt ngục trở về với đồng đội. Vì vậy, mục tiêu đấu tranh thứ ba của tù binh là tìm mọi cách để trở về với cuộc sống tự do để tiếp tục sự nghiệp chiến đấu chống đế quốc Mỹ và tay sai bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân, ông Mai văn Bé nhấn mạnh.

Chia sẻ những kỷ niệm những lần tổ chức vượt ngục, ông Nguyễn Văn Mỹ (SN 1940, tên chiến đấu là Nguyễn Ngọc Toản hay còn gọi là Ba Toản)- người chỉ huy nhóm tù binh phân khu B2 chui rào vượt ngục đêm 22-5-1968 cho biết: Ông xuất thân là một chiến sĩ đặc công, tháng 2/1968 ông bị địch bắt tại Sài Gòn – Gia Định, địch đày ông ra giam tại Trại giam tù binh cộng sản Việt Nam tại phân khu B2. Ngày 22/6/1968 ông đã cùng đồng đội vượt rào ra ngoài.

Kể về lần vượt ngọc ông Mỹ kể, vào đêm 22/6/1968, nhóm của ông lúc đầu có 3 người, vượt ngục bằng cách cắt rào, chui và vượt rào. Nhưng khi sắp hành động thì xuất hiện thêm 2 nhóm mới: Một nhóm 3 người và nhóm 5 người cũng đi theo. Anh em thường lợi dụng những đêm trời mưa to, bọn lính gác ngồi trên cao bị mưa hắt vào phải lo che chắn, sao lãng việc canh gác, hoặc khi trời mua, mát trời, chúng tranh thủ ngủ gật để cắt rào vượt ngục. Sau 9 ngày đêm băng rừng, lội suối ông đã cùng đồng đội tìm về cơ sở cách mạng tại Phú Quốc.

Ông Khiếu xem lại những chứng tích chiến tranh hồi ức 50 năm chiến thắng trở về. Ảnh Hữu Tuấn
Ông Khiếu xem lại những chứng tích chiến tranh hồi ức 50 năm chiến thắng trở về. Ảnh Hữu Tuấn

Để vượt qua 6 lớp vượt qua 6 lớp rào cao vây quanh trại và nhiều lớp rào thấp khác có gài pháo sáng và mìn nên rất khó thoát. Qua tính toán, anh em lựa chọn chui rào ra ban đêm để dễ ẩn nấp. Hình thức chui rào vượt ngục lúc đầu khá thành công nhưng càng về sau địch càng cảnh giác nên thường bị tổn thất. “Gồng mình trước những đòn tra tấn của địch gần như không còn con đường sống, nhiều anh em, đồng chí may mắn thoát chết, trong đó có tôi. Kẻ địch càng tra tấn tàn bạo thì càng làm bừng lên khí phách kiên trung, bất khuất của người cộng sản, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân. Tôi và đồng đội vẫn kiên cường đấu tranh chống lại kẻ thù, tìm mọi cách, mọi hình thức có thể để sớm về với cách mạng, với Đảng, vững chắc niềm tin nhất định đánh thắng kẻ thù xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc”, ông Mỹ cho hay.

Dấu ấn ngày trao trả

Ông Mai Văn Bé - Trưởng Ban liên lạc tù chính trị - tù binh tỉnh Kiên Giang nhớ như in ngày mình được địch trao trả năm 1973 cũng là lúc gia đình đã làm đám giỗ lần thứ 5 cho ông. Năm 1968, tôi bị thương trong đợt tổng tiến công mùa xuân Mậu Thân 1968, đơn vị báo tin với gia đình là tôi mất tích. Gia đình lập bàn thờ và làm đến lễ giỗ lần thứ 5 thì hay tin tôi còn sống. Ai cũng mừng rơi nước mắt.

Trại giam tù binh cộng sản Việt Nam - Phú Quốc một trong những điểm đến của nhiều du khách trong và ngoài nước. Ảnh Hữu Tuấn
Trại giam tù binh cộng sản Việt Nam - Phú Quốc một trong những điểm đến của nhiều du khách trong và ngoài nước. Ảnh Hữu Tuấn

Hiệp định Paris được ký kết và thực hiện, địch buộc phải trao trả tù binh, trong đó có tù binh Trại giam tù binh cộng sản Phú Quốc. Theo Ban Liên lạc toàn quốc chiến sĩ, cách mạng Việt Nam bị địch bắt tù đày, đến ngày 24/3/1973, số tù binh còn bị giam giữ trên đảo khoảng 200 người. Suốt cả tháng trời trước đó, tiếng máy bay C130 không lúc nào ngớt trên bầu trời Phú Quốc. Sáng, ngày 24/3/1973, bọn giám thị vẫn phát thực phẩm và nước sinh hoạt trong ngày cho tù binh. Đến trưa, trại giam lệnh gọi số tù binh khu C8 ra sân tập hợp. Trại C8 còn khoảng 100 tù binh. Địch đưa tất cả lên xe ra sân bay.

Quãng đường từ trại giam ra sân bay chừng 7km. Dọc hai bên đường là những dãy trại giam dày đặc dây thép gai và những mái nhà tôn trắng lóa dưới ánh mặt trời. Không một bóng người dân. Chỉ thấy đám lính quân cảnh và bọn trật tự viên đứng tụ tập nhìn theo xe chở tù binh.

Máy bay bay hơn hai tiếng rưỡi đồng hồ tới sân bay Phú Bài. Khi máy bay hạ cánh, các tù binh nhìn thấy quân cảnh với những chiếc xe GMC chờ sẵn, họ mới thực sự tin là địch đưa đi trao trả. Các tù binh cuối cùng bị địch đưa lên xe, có quân cảnh kèm theo ra tỉnh Quảng Trị. Đến Thành cổ Quảng Trị, các tù binh dừng lại. Khoảng 17 giờ 30 chiều, địch đưa các tù binh tới bờ Nam sông Thạch Hãn.

Từ xa, các tù binh đã nhìn thấy những lá cờ giải phóng bay phấp phới bên bờ Bắc. Nhiều người ứa nước mắt. Ở tất cả các địa điểm trao trả, các tù binh được đón tiếp thân tình, chu đáo và đều có khẩu hiệu “hoan hô những người chiến thắng trở về”. Đoàn tù binh ở trại C8 được trao trả chiều ngày 24/3/1973. Họ là những người tù binh cuối cùng của Trại giam tù binh cộng sản Việt Nam - Phú Quốc trở về với đồng đội, với nhân dân.

Ông Phù Xí Khiếu (SN 1948) tù binh được giam tại Trại giam tù binh cộng sản Việt Nam - Phú Quốc kể lại rằng, trước khi bị địch bắt vào giam tại nhà Cần Thơ, sau đó chuyển ông ra Phú Quốc để giam. Khi nghe tin được trao trả tù binh niềm vui của các chiến sĩ trong nhà tù vỡ òa niềm hành phúc. Nhất khi máy bay chở ra sân bay Phú Bài rồi lên xe để ra Quảng Trị niềm xúc động không tả nổi, khi được về với đồng đội và nhân dân.