Dấu ấn đa ngành, đa lĩnh vực hội tụ nơi T&T Group

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hợp tác với nhiều tập đoàn, DN lớn trong và ngoài nước để triển khai dự án trong lĩnh vực năng lượng, bất động sản, logistics… T&T Group đã và đang ghi dấu ấn trở thành tập đoàn kinh tế tư nhân đầy tiềm lực, xứng tầm quốc tế.

Đầu tư năng lượng, hướng tới phát thải ròng bằng 0

T&T Group hiện nay đã và đang hợp tác với nhiều Tập đoàn, DN uy tín trong lĩnh vực năng lượng của thế giới để triển khai, phát triển các dự án năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, từng bước góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Tổng Giám đốc T&T Group (bên trái) Mai Xuân Sơn và Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT (bên phải) Huỳnh Quang Liêm trao Thỏa thuận hợp tác chiến lược tổng thể, toàn diện. Ảnh: Hoàng Anh
Tổng Giám đốc T&T Group (bên trái) Mai Xuân Sơn và Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT (bên phải) Huỳnh Quang Liêm trao Thỏa thuận hợp tác chiến lược tổng thể, toàn diện. Ảnh: Hoàng Anh

Ngày 15/1, T&T Group và tổ hợp nhà đầu tư Hàn Quốc chính thức khởi công dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị (giai đoạn 1) 1.500MW, với tổng vốn đầu tư 2,3 tỷ USD. Đây là dự án điện khí lớn nhất tại tỉnh Quảng Trị hiện nay.

Dự án thực hiện tại khu phức hợp năng lượng thuộc Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị (xã Hải An và xã Hải Ba, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị). Với quy mô diện tích đất sử dụng hơn 120ha, dự án sẽ xây dựng Trung tâm Kho cảng LNG Hải Lăng, giai đoạn 1 tiếp nhận tàu chở LNG từ 170.000 đến 226.000m3, công suất tiếp nhận 1,5 triệu tấn LNG/năm và Trung tâm Điện lực Hải Lăng, giai đoạn 1 có công suất phát điện 1.500MW. Theo kế hoạch, dự án sẽ được đưa vào vận hành thương mại vào năm 2026 - 2027.

Với việc áp dụng công nghệ tua bin khí thế hệ mới có hiệu suất phát điện cao, dự án sau khi vận hành có thể bù đắp công suất thiếu hụt tức thời cho hệ thống, đặc biệt đặt trong bối cảnh tỷ trọng nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió tại khu vực miền Trung đang chiếm tỷ trọng lớn và bị biến động theo thời tiết.

Cùng với việc sử dụng nhiên liệu LNG sạch, dự án sẽ góp phần giảm thiểu những tác động ảnh hưởng đến môi trường, giảm phát thải khí nhà kính.

Dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng, giai đoạn 1 - 1.500MW có tổng vốn đầu tư khoảng 2,3 tỷ USD. Ảnh: Hoàng Anh
Dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng, giai đoạn 1 - 1.500MW có tổng vốn đầu tư khoảng 2,3 tỷ USD. Ảnh: Hoàng Anh

"Đây sẽ là dự án mang tầm quốc tế với giá trị phát triển bền vững, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia; đồng thời đóng góp vào nguồn năng lượng sạch cả nước, góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 theo đúng cam kết của Chính phủ tại Hội nghị COP26 cũng như thúc đẩy kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và quốc tế, trong đó có điện khí LNG" - Chủ tịch Ủy ban chiến lược T&T Group Đỗ Quang Hiển nhấn mạnh.

Đánh giá về vai trò, tầm vóc của dự án, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng khẳng định: Việc thực hiện dự án sẽ từng bước góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa tỉnh Quảng Trị trở thành Trung tâm năng lượng khu vực miền Trung vào năm 2030. Với sự góp mặt của tổ hợp nhà thầu Việt Nam - Hàn Quốc tại lễ khởi công tháng 1 vừa qua, đây sẽ là dự án của liên kết - hội tụ và phát triển.

Ngày 21/2, T&T Group và Tập đoàn EREX - công ty hàng đầu trong lĩnh vực năng lượng điện sinh khối của Nhật Bản đã ký biên bản ghi nhớ về việc triển khai hợp tác trong lĩnh vực năng lượng sinh khối tại Việt Nam. Dự kiến, đến năm 2035, hai bên sẽ xem xét hợp tác phát triển các nhà máy điện sinh khối có tổng công suất 1.500MW; chuyển đổi các dự án điện than đốt kèm sinh khối với tổng công suất 3.000MW.

Bên cạnh đó, T&T Group đã quyết định mở rộng đầu tư qua biên giới bằng việc bắt tay hợp tác với Phongsubthavy - Tập đoàn năng lượng hàng đầu của Lào để phát triển các dự án năng lượng tái tạo tại quốc gia này. Theo đó, hai bên sẽ hợp tác phát triển các dự án năng lượng tái tạo tại Lào với tổng công suất khoảng 2.500MW hướng tới bán điện về Việt Nam.

Đáng chú ý, T&T Group và Ørsted (Đan Mạch) - Tập đoàn điện gió ngoài khơi lớn nhất thế giới đang đồng triển khai phát triển danh mục các dự án điện gió ngoài khơi với tổng công suất hơn 20GW được phân kỳ thành nhiều giai đoạn tại các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, Hải Phòng và Thái Bình.

Ngoài ra, hai tập đoàn và các đơn vị cung ứng hàng đầu thế giới đã và đang xây dựng kế hoạch dài hạn để phát triển các dự án điện gió ngoài khơi phù hợp với các mục tiêu của Quy hoạch điện VIII đến năm 2030, tầm nhìn 2045, cũng như hình thành chuỗi cung ứng cạnh tranh, không chỉ đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước mà cả thị trường châu Á và thế giới.

Hợp tác với các tập đoàn năng lượng hàng đầu thế giới, T&T Group hướng mục tiêu trở thành nhà phát triển năng lượng hàng đầu Việt Nam trong tương lai. Ảnh: Nguyên Dương
Hợp tác với các tập đoàn năng lượng hàng đầu thế giới, T&T Group hướng mục tiêu trở thành nhà phát triển năng lượng hàng đầu Việt Nam trong tương lai. Ảnh: Nguyên Dương

Bất động sản, logistics

Tháng 2/2022, T&T Group đã khởi động dự án Khu đô thị sinh thái, du lịch, nghỉ dưỡng và sân golf Tam Nông (Phú Thọ) với quy mô gần 500ha, tổng mức đầu tư khoảng 35.000 tỷ đồng.

Dự án được quy hoạch với 5 phân khu chức năng: Khu sân golf Tam Nông 1 đặt tại xã Lam Sơn với diện tích gần 93ha; khu sân golf Tam Nông 2 đặt tại xã Lam Sơn và xã Quang Húc, với diện tích gần 75ha; khu đô thị Quang Húc đặt tại xã Quang Húc với diện tích trên 37ha; Khu đô thị Tam Nông đặt tại xã Thọ Văn với diện tích trên 21ha; và cuối cùng là Khu đô thị sinh thái, du lịch, nghỉ dưỡng Tam Nông với diện tích 272ha đặt tại xã Lam Sơn, xã Quang Húc, xã Thọ Văn.

Trước đó, tháng 1/2022, T&T Group cũng đã khởi công dự án Khu trung tâm dịch vụ, thương mại và nhà ở T&T Sa Đéc tại phường 1, TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp với điểm nhấn là khách sạn 25 tầng, sẽ là tòa nhà cao nhất TP Sa Đéc. Đặc biệt, cuối tháng 12/2021, T&T Group và Tập đoàn YCH (Singapore) đã khởi công Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc với tổng vốn đầu tư gần 3.900 tỷ đồng.

Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc là “siêu cảng” đầu tiên của mạng lưới logistics thông minh tại khu vực ASEAN, có chức năng tích hợp của Trung tâm phân phối (Distribution Center - DC) và Cảng cạn (Inland Container Depot - ICD) để phục vụ cho hoạt động cung cấp các dịch vụ logistics theo nhu cầu của thị trường.

Dự kiến, giai đoạn 1 của dự án sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động vào cuối năm 2022, góp phần quan trọng trong việc trung chuyển hàng hóa nội địa, hàng hóa xuất nhập khẩu, kết nối các khu công nghiệp bằng đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường hàng không trong hành lang kinh tế Việt Nam - Trung Quốc - ASEAN.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần