Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dấu ấn văn hóa dân gian trong bộ phim "Đèn âm hồn"

Cẩm Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù gia nhập đường đua phim Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 khá muộn, “Đèn âm hồn” vẫn gây chú ý khi có sự khác biệt với dòng phim tâm lý gia đình - hài quen thuộc đang khiến khán giả nhàm chán.

Bộ phim điện ảnh "Đèn âm hồn" đánh dấu cột mốc mới của YouTuber Hoàng Nam trong vai trò đạo diễn, đồng thời khơi gợi tò mò khi đưa “Chuyện người con gái Nam Xương” vào thế giới kinh dị, tạo nên một tác phẩm vừa rùng rợn vừa đậm đà bản sắc Việt.

Lấy cảm hứng từ áng văn chương kinh điển

Nguyên tác “Chuyện người con gái Nam Xương” khắc họa bi kịch oan khuất của Vũ Nương, một người vợ hiền thục nhưng bị chồng nghi ngờ thất tiết, để rồi phải chọn cái chết đầy xót xa như một cách minh oan.

Poster phim “Đèn âm hồn”.
Poster phim “Đèn âm hồn”.

Đặc biệt, hình ảnh Vũ Nương xuất hiện trên dòng Hoàng Giang đã trở thành biểu tượng cho ước mơ về công lý của người phụ nữ thời phong kiến. Chính sự hòa quyện giữa yếu tố hiện thực và huyền bí, cùng thông điệp nhân văn sâu sắc đã biến tác phẩm này trở thành một trong những viên ngọc quý của văn học trung đại Việt Nam.

Trong “Đèn âm hồn”, đạo diễn Hoàng Nam đã thổi một làn gió mới vào câu chuyện đầy bi kịch ấy, biến hành trình của người phụ nữ chịu nhiều oan khuất thành một bức tranh đan xen giữa nỗi đau trần thế và những bí ẩn nơi cõi âm.

Theo đó, nhân vật Thương là một thiếu phụ trẻ, sống cùng con trai là Lĩnh trong ngôi nhà nhỏ. Ngày ngày, nàng vừa nuôi con, thờ mẹ, vừa ngóng trông người chồng Lưu Đinh trở về từ chiến trận. Nỗi nhớ thương chồng được nàng che giấu bằng sự tần tảo, nhẫn nhịn và niềm tin về một ngày đoàn tụ.

Vào một buổi chiều, khi được mẹ dắt ra mộ thắp hương cho bà nội, Lĩnh nhặt được một cây đèn và mang về nhà. Đêm đến, để bù đắp nỗi nhớ cha cho con, Thương thắp đèn chỉ vào bóng của mình trên tường nhà và bảo đó là cha của Lĩnh. Đứa trẻ ngây ngô vui sướng ra mặt, quấn quýt giữ chiếc đèn như báu vật.

Lĩnh ngây ngô vui sướng ra mặt, tin rằng chiếc bóng trên tường là cha của mình. Ảnh: Trailer bộ phim
Lĩnh ngây ngô vui sướng ra mặt, tin rằng chiếc bóng trên tường là cha của mình. Ảnh: Trailer bộ phim

Tuy nhiên, hành động tưởng chừng vô hại này lại mở ra chuỗi sự kiện kỳ bí, khi Thương và Lĩnh lần lượt trở bệnh. Theo lời cô đồng Liễu – người chuyên hành nghề trừ tà trong làng, chiếc đèn bí ẩn này là đèn âm hồn, có khả năng kết nối hai thế giới âm – dương và triệu hồi những linh hồn đã khuất. Không ai hay biết rằng, Lĩnh đã vô tình mở cánh cửa đưa một vong hồn oán hận trở về, mang đến tai họa cho cả ngôi làng.

Trong khi người mẹ dần cảm nhận được những biến cố kỳ lạ vây quanh Lĩnh, thì cô đồng Liễu cùng thầy cúng Hường cũng bắt đầu nhận ra sự trỗi dậy của một thế lực siêu nhiên đáng sợ, đẩy họ vào một cuộc đối đầu đầy căng thẳng giữa hai cõi.

Cao trào đẩy lên khi Đinh trở về và nghi ngờ vợ phản bội, khiến Thương dứt áo ra đi tìm đến cái chết, để lại nỗi ân hận khôn nguôi cho Lưu Đinh, buộc anh phải dấn thân vào cõi âm tìm cách cứu vợ mình trở về.

Dấu ấn văn hóa dân gian Bắc Bộ

Một trong những điểm mạnh nhất của bộ phim “Đèn âm hồn” chính là chất văn hóa dân gian Bắc Bộ được khắc họa rõ nét. Khán giả dễ dàng nhận ra những hình ảnh quen thuộc của làng quê Việt Nam qua từng khung hình. Từ mái nhà tranh đơn sơ, con đường làng uốn lượn quanh những cánh đồng xanh mướt, chiếc áo tứ thân bay bay trong gió, khung cảnh nhộn nhịp của những buổi chợ quê hay tập quán thờ cúng tổ tiên…, tất cả cùng nhau vẽ nên một không gian hoài cổ đầy chân thực.

Đạo diễn Hoàng Nam chia sẻ: “Sau hơn 10 năm chu du, khám phá và tiếp xúc với những câu chuyện tâm linh, giờ đây tôi muốn tạo ra một bộ phim không chỉ đơn thuần về tâm linh mà còn mang đậm dấu ấn văn hóa Việt. "Đèn âm hồn" là một hành trình khám phá về bản thân, về tình mẫu tử và những giá trị truyền thống của dân tộc”.

Đáng chú ý, sự kết hợp giữa bối cảnh hoài cổ và yếu tố siêu thực đã tạo nên sức hút riêng cho “Đèn âm hồn”. Những địa danh như thác Bản Giốc, rừng trúc Cao Bằng hay Mắt Thần Núi… được khai thác khéo léo, tạo nên bầu không khí vừa u tịch, vừa thơ mộng, đồng thời tăng thêm phần rùng rợn cho bộ phim.

Hiệu ứng âm thanh và âm nhạc cũng là điểm sáng khi sử dụng những tiếng mõ, chuông, trống… trong các nghi thức cúng bái, kết hợp cùng giai điệu dân gian, khiến khán giả cảm nhận rõ sự thiêng liêng của thế giới tâm linh Việt.

Khán giả dễ dàng nhận ra sự thiếu tự nhiên của con bướm bay lên mộ. Ảnh: Trailer bộ phim
Khán giả dễ dàng nhận ra sự thiếu tự nhiên của con bướm bay lên mộ. Ảnh: Trailer bộ phim

Dẫu vậy, “Đèn âm hồn” vẫn tồn tại những hạn chế đáng tiếc. Kỹ xảo hình ảnh (VFX) - một yếu tố quan trọng trong dòng phim kinh dị, lại trở thành “hạt sạn” lớn của “Đèn âm hồn”. Ngay từ những cảnh phim đầu tiên, khán giả dễ dàng nhận ra sự thiếu tự nhiên của con bướm bay lên mộ hay lúc nữ chính bị thế lực quỷ dị săn đuổi trong rừng, hình ảnh bộ xương không tạo được hiệu quả "jumpscare" (hù dọa đột ngột) như mong đợi.

Sự vụng về trong xử lý kỹ xảo không chỉ khiến những cảnh quay kinh dị mất đi sự ám ảnh cần thiết mà còn làm giảm chất lượng tổng thể của bộ phim. Dù ê-kíp sản xuất chia sẻ rằng, khâu hiệu ứng hình ảnh là một trong những công đoạn tiêu tốn nhiều kinh phí nhất với hơn 600 cảnh quay được chỉnh sửa đồ họa nhưng kết quả cuối cùng vẫn chưa thực sự làm hài lòng người xem.

Về diễn xuất, nam chính Phú Thịnh bị đánh giá là còn “đơ”, đặc biệt trong những cảnh nội tâm phức tạp. Đơn cử, khoảnh khắc Đinh trở về sau bao ngày xa cách và gặp lại vợ con, thay vì khiến khán giả cảm động lại vô tình trở thành tình huống “dở khóc dở cười” khi bị đánh giá là gượng gạo và thiếu chân thật. Nhiều video ghi lại phản ứng bật cười của khán giả trong phân đoạn này được chia sẻ rộng rãi trên TikTok, thu hút hàng triệu lượt xem và những ý kiến đồng tình.

Bản thân đạo diễn Hoàng Nam cũng chia sẻ: "Phim đầu tay được mọi người yêu thương nhưng tôi biết còn nhiều thiếu sót. Tôi sẽ lấy tình yêu thương đó làm động lực để hoàn thiện mình, mang đến những sản phẩm tốt hơn trong tương lai".

Nhìn chung, “Đèn âm hồn” không phải là một bộ phim hoàn hảo nhưng là một bước đi đáng trân trọng trong nỗ lực kết hợp văn học, lịch sử và yếu tố văn hóa dân gian Việt Nam trên màn ảnh rộng. 

Dù còn nhiều điều cần cải thiện, đây vẫn là một tác phẩm đáng xem, đặc biệt khi nền điện ảnh Việt Nam đang cần thêm những thử nghiệm mới mẻ và những tiếng nói đa dạng.

Thực tế, "Đèn âm hồn" vẫn thu hút được khán giả tới rạp xem và đạt doanh thu phòng vé khá cao. Tính riêng cuối tuần qua, “Đèn âm hồn” đứng ở vị trí số 3 doanh thu phòng vé với hơn 21 tỷ đồng, gồm hơn 4.500 suất chiếu, trên 239.000 vé phát hành. Con số này đưa tổng doanh thu của phim đến nay đạt 100 tỷ đồng và đưa Hoàng Nam gia nhập "Câu lạc bộ đạo diễn phim Việt trăm tỷ". Box Office Vietnam đánh giá, “Đèn âm hồn” là một trong những tác phẩm đầu tay đạt doanh thu ấn tượng.