Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Đâu là “chất kích thích” cho đà tăng kỷ lục của giá vàng?

Kinhtedothi - Tính từ đầu năm đến nay, giá vàng đã leo dốc hơn 25%, ghi nhận đợt tăng mạnh nhất trong vòng một thập kỷ qua. Nguyên nhân là do căng thẳng thương mại, kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất và lực mua mạnh của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu.

Giá vàng phá kỷ lục

Giá vàng thế giới vừa thiết lập mức cao chưa từng có trong lịch sử, vượt ngưỡng 3.350 USD/ounce trong bối cảnh thị trường tài chính toàn cầu chao đảo vì căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang.

Chốt phiên giao dịch ngày 16/4, giá vàng tương lai giao dịch trên thị trường tại Mỹ đã tăng vọt hơn 3% và lập kỷ lục mới lên 3.350 USD/ounce. Từ đầu năm đến nay, giá vàng đã tăng hơn 25%, đánh dấu một trong những đợt tăng mạnh nhất trong vòng 10 năm gần đây.

Giá vàng lập kỷ lục mới lên hơn 3.300 USD/ounce trong phiên ngày 16/4. Ảnh: Omannews.gov

Động lực chính thúc đẩy đà tăng của giá kim loại quý là leo thang của căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Việc Tổng thống Donald Trump tuyên bố áp đặt gói thuế "có đi có lại" vào đầu tháng này khiến giới đầu tư toàn cầu lo ngại về nguy cơ bùng phát một cuộc chiến thương mại toàn diện, tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Thêm vào đó, tuyên bố của “ông lớn” sản xuất chip Nvidia rằng họ có thể thiệt hại tới 5 tỷ USD vì chính phủ Mỹ yêu cầu hạn chế xuất khẩu chip trí tuệ nhân tạo H20 của họ sang Trung Quốc đã khiến thị trường tài chính rúng động.

Trước đó, hôm 15/4 (giờ Mỹ), Tổng thống Mỹ Donald Trump yêu cầu điều tra về các khoáng sản cần thiết mà Mỹ nhập khẩu và có thể khiến các sản phẩm này bị áp thuế.

Đây được đánh giá là sự leo thang mới nhất trong căng thẳng thương mại toàn cầu. Chính quyền Tổng thống Trump cũng cho biết, một số sản phẩm từ Trung Quốc có thể phải chịu thuế lên tới 245%.

Các nhà đầu tư ngay lập tức đổ xô vào vàng như một tài sản trú ẩn an toàn trong bối cảnh thị trường chứng khoán sụt giảm và triển vọng kinh tế toàn cầu u ám.

Bên cạnh đó, đồng USD liên tục giảm giá trong những ngày gần đây, khi chỉ số USD (phản ánh sức manh của đồng USD so với 6 đồng tiền chủ chốt khác) chạm đáy 3 năm vào tuần trước. Đồng USD yếu khiến vàng trở nên rẻ hơn đối với người mua ngoài Mỹ, từ đó thúc đẩy lực cầu.

"Vàng vẫn được hỗ trợ đáng kể do đồng USD suy yếu, bất ổn quanh chính sách thuế quan của Mỹ cũng như nỗi lo suy thoái toàn cầu," nhà nghiên cứu cấp cao Lukman Otunuga tại FXTM nhận định.

Đà tăng sẽ kéo dài?

Ngoài yếu tố địa chính trị, đà tăng của vàng còn được hỗ trợ mạnh bởi lực mua kỷ lục từ các ngân hàng trung ương trên toàn cầu. Theo Hội đồng Vàng Thế giới (World Gold Council), các ngân hàng trung ương đã trở thành nhân tố dẫn dắt chính trong xu hướng tăng của vàng trong những năm gần đây và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Cùng với đó, các quỹ ETF vàng ghi nhận dòng vốn ròng chảy vào đều đặn trong quý 1/2025, với mức tăng cao nhất kể từ quý 1/2022.

Tâm lý phòng ngừa rủi ro của giới đầu tư càng củng cố vai trò của vàng như một kênh bảo toàn tài sản trước biến động.

Ngân hàng UBS của Mỹ nhận định: “Việc phân bổ tài sản vào vàng ngày càng trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết trong bối cảnh bất ổn leo thang về thuế quan, tăng trưởng chậm lại, lạm phát cao, rủi ro địa chính trị và nhu cầu đa dạng hóa khỏi tài sản và đồng USD của Mỹ”.

Giới chuyên gia chia rẽ về triển vọng của giá vàng

Triển vọng giá vàng trong tương lai đang trở thành tâm điểm tranh luận của giới phân tích. Ngân hàng Bank of America dự báo giá vàng trên sàn COMEX có thể chạm mốc 3.500 USD/ounce trong vòng 2 năm tới.

Các chuyên gia phân tích tại Goldman Sachs mới đây dự báo rằng, giá vàng có thể đạt 3.700 USD/ounce vào cuối năm 2025 và tăng lên mức 3.900 USD/ounce nếu kinh tế suy thoái. Thậm chí, chuyên gia Mike McGlone tại Bloomberg Intelligence dự báo giá vàng có thể cán mốc 4.000 USD/ounce trong tương lai.

Tuy nhiên, không phải tất cả các chuyên gia đều lạc quan với thị trường vàng. Công ty nghiên cứu Morningstar đưa ra quan điểm đối lập khi dự báo giá vàng có thể giảm tới 40% trong vài năm tới.

Công ty Morningstar giải thích thêm rằng nguồn cung vàng đang gia tăng mạnh do các quốc gia đẩy mạnh khai thác và tái chế vàng, trong khi nhu cầu có thể suy yếu nếu các ngân hàng trung ương trên thế giới hạn chế dự trữ kim loại quý. "Quan ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm tốc chỉ có tính chất ngắn hạn và không đủ để duy trì giá vàng ở mức quá cao như hiện nay" - báo cáo của Morningstar nêu rõ.

Kịch bản nào cho vàng trong nửa cuối 2025?

Trong ngắn hạn, giới đầu tư đang dõi theo thời điểm kết thúc 90 ngày tạm hoãn thuế quan của Mỹ để đánh giá khả năng tiếp tục leo thang căng thẳng. Nếu Mỹ và Trung Quốc không đạt được thỏa thuận, nhu cầu lựa chọn vàng làm nơi trú ẩn an toàn sẽ càng gia tăng, điều này có thể đẩy giá vàng tiếp tục tăng cao.

“Sự biến động trên cả thị trường cổ phiếu và trái phiếu có thể sẽ thúc đẩy các nhà đầu tư tăng tỷ trọng vàng trong danh mục đầu tư của mình,” chuyên gia Trevor Yates từ Global X đánh giá.

Cũng có nhận định tương tự, chuyên gia phân tích thị trường cấp cao Nikos Tzabouras tại Tradu.com cho hay: “Hiện tại, các yếu tố địa chính trị và kinh tế đều đang ủng hộ thị trường vàng và nhiều khả năng giá kim loại quý sẽ thiết lập các kỷ lục mới. Thị trường có thể điều chỉnh nhưng kim loại quý này vẫn có tiềm năng tiếp tục phá đỉnh trong bối cảnh hỗn loạn thương mại tiếp diễn”.

Theo giới phân tích, trong bối cảnh thị trường còn nhiều biến động khó lường, các nhà đầu tư vẫn sẽ tiếp tục đặt cược vào vàng như một hàng rào bảo vệ tài sản, ít nhất là trong phần còn lại của năm 2025. “Chúng tôi vẫn giữ quan điểm lạc quan về vàng, tuy nhiên, một đợt điều chỉnh giảm về mức 3.050 USD/ounce là điều có thể xảy ra sau đà tăng mạnh gần đây” - các chuyên gia phân tích tại ngân hàng ANZ lưu ý thêm.

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Vì sao đồng ruble sinh lời mạnh nhất năm 2025?

Vì sao đồng ruble sinh lời mạnh nhất năm 2025?

18 Apr, 04:46 PM

Kinhtedothi - Các nhà phân tích cho rằng yếu tố địa chính trị và các quyết định kịp thời về chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Nga đã giúp đồng ruble Nga trở thành đồng tiền có hiệu suất tốt nhất toàn cầu trong năm 2025, vượt qua cả các tài sản trú ẩn truyền thống như vàng và đồng USD.

Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ