“Đầu năm kéo về Nghệ An/Thỉnh ông quan Hoàng thập xin ban lộc tài”, ngoài đền thờ ông Hoàng Mười, một ở Vinh, thì ngay nam cầu Bến Thủy còn có đền Củi, cũng thời ông Hoàng Mười.
Đền ông Hoàng Mười nằm cách trung tâm TP Vinh khoảng 2km theo đường chim bay. Được xây dựng năm 1634 (thời hậu Lê), đền thờ các vị phúc thần như Song đồng Ngọc Nữ, thờ ông Nguyễn Duy Lạc (một võ tướng thời Lê, quê ở làng Xuân Am, xã Hưng Thịnh), thờ hệ thống đạo Mẫu tứ phủ Liễu Hạnh. Vị thần chính của ngôi đền này là ông Hoàng Mười.
Đền nằm ở vị trí cảnh quan đẹp với phong cảnh non xanh nước biếc thật hữu tình. Trước mặt đền (hướng Nam) là dòng Lam giang như một dải lụa xanh trải rộng, thuyền bè tấp nập ngược xuôi sông Cồn Mộc quanh co, uốn khúc ôm ấp quanh đền, đôi bờ là những đồng lúa bát ngát, xanh tươi.
Phía sau, bên kia sông Cồn Mộc là núi Kỳ Lân, núi Dũng Quyết và Phượng Hoàng Trung Đô với những dấu tích lịch sử, những rừng thông, bạch đàn bạt ngàn tươi tốt. Ngoài cảnh đẹp kỳ thú, từ lâu, đền đã nổi tiếng linh thiêng vì ở đây ngoài thờ Quan Hoàng Mười theo tín ngưỡng Đạo Mẫu, còn phối thờ các vị Song Đồng Ngọc Nữ Vị Quốc Công Thái Bảo Phúc Quận Công, Phụ Quốc Thượng Tướng quân Nguyễn Duy Lạc.
Theo nhân gian kể lại, ông Hoàng Mười là nhân vật huyền thoại, được giáng trần để giúp đời. Người dân xứ Nghệ cũng lưu truyền các truyền thuyết về lai lịch, thân thế, sự nghiệp của ông Hoàng Mười với những nhân vật có thật trong lịch sử Việt Nam. Có người cho rằng Ông Hoàng Mười là con của Vua Cha Bát Hải Động Đình, vốn là thiên quan trên Đế Đình, thần tiên trong chốn Đào Nguyên. Theo lệnh thiên đình, ông giáng trần để giúp dân, giúp nước.
Theo một truyền thuyết khác, ông giáng xuống trần và trở thành Uy Minh Vương Ly Nhật Quang, con trai Vua Lý Thái Tổ, cai quản châu Nghệ An. Nhưng sự tích được lưu truyền nhiều nhất có lẽ là câu chuyện ông Mười giáng sinh thành Nguyễn Xí, một tướng giỏi dưới thời Vua Lê Thái Tổ, có công giúp vua dẹp giặc Minh, sau được giao trấn giữ đất Nghệ An, Hà Tĩnh (cũng chính là nơi quê nhà). Những giai thoại kỳ bí này đã phủ lên ngôi đền một bức màn tâm linh huyền ảo và linh thiêng.
Đền được xây dựng trên diện tích hơn 1ha ở làng Xuân Am, xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên, đền còn có tên khác là Mỏ Hạc Linh từ. Năm 2002, đền ông Hoàng Mười ở Hưng Nguyên được Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An xếp hạng di tích lịch sử văn hóa. Trải qua nhiều lần tu bổ, đến nay, đền có 3 tòa chính: Thượng điện, Trung điện và Hạ điện.
“Đường về xứ Nghệ nghĩa tình,
Sông Lam núi Quyết địa linh bao đời,Tam Kỳ Mỏ Hạc là nơi,Đền thờ lăng mộ đời đời khói nhang…”
“Mỏ Hạc Linh Từ” là tên chữ của đền, có nghĩa là ngôi đền linh thiêng tọa trên vùng đất có hình “con hạc” mà đền lại nằm ở vị trí phía “mỏ”. Năm 1995, thể theo nguyện vọng của Nhân dân, đền đã được tôn tạo, phục hồi trên cơ sở khung nhà cũ gồm nhà hạ điện, thượng điện, tả vu, hữu vu, đài Cửa Trùng, điện Cô Chín và khu mộ ông Hoàng Mười. Hàng năm, tại đền người dân địa phương có lễ hội rước sắc vào dịp 14/3 và lễ giỗ ông Hoàng Mười vào dịp 10/10 Âm lịch.