Đầu năm về làng Sình xem đấu vật

Anh Tuấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 31/1 (mồng 10 tháng Giêng), Hội vật làng Sình (xã Phú Mậu, TP Huế, Thừa Thiên Huế) được tổ chức, thu hút sự hàng ngàn người dân và du khách về tham dự.

Người dân làng Sình tổ chức hội vật như một hình thức giải trí đơn thuần trong dịp Tết đến, Xuân về.
Người dân làng Sình tổ chức hội vật như một hình thức giải trí đơn thuần trong dịp Tết đến, Xuân về.

Cách trung tâm TP Huế khoảng 9km, xuôi theo dòng sông Hương, làng Lại Ân có tên Nôm là Sình được biết đến như là một làng văn vật của đất cố đô. Làng vốn nổi tiếng gần xa với nghề làm tranh dân gian và hội vật được tổ chức vào ngày mồng Mười tháng Giêng Âm lịch hàng năm. Đây là một trong những làng được hình thành khá sớm của xứ Thuận Hóa.

Đây là hoạt động văn hóa truyền thống giàu tinh thần thượng võ, khích lệ việc rèn luyện sức khỏe, lòng dũng cảm, sự tự tin, mưu trí của lớp trẻ.
Đây là hoạt động văn hóa truyền thống giàu tinh thần thượng võ, khích lệ việc rèn luyện sức khỏe, lòng dũng cảm, sự tự tin, mưu trí của lớp trẻ.

Theo tìm hiểu, đây là địa điểm để xây dựng những trại đóng tàu thuyền, trường huấn luyện thuỷ quân, bộ binh tinh nhuệ để chống giặc ngoại xâm, bảo vệ giang sơn Tổ quốc và đã chọn lọc những môn vật võ từ mọi miền đất nước để làm nét riêng cho làng Sình, nên đã trở thành ngày hội vật truyền thống hằng năm, đúng với câu thơ lục bát để nhắc nhở con cháu quê hương mình rằng: “Dù ai đi đó đi đây/Đến ngày hội vật nhớ quay về Sình".

Đối với người dân địa phương, hội vật còn mang ý nghĩa tâm linh là cầu mong một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi.
Đối với người dân địa phương, hội vật còn mang ý nghĩa tâm linh là cầu mong một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi.

Hội vật làng Sình rất chú trọng tinh thần thượng võ, vì thế các đô vật không được ra các đòn đánh nguy hiểm đến tính mạng như bẻ, vặn, khoá trái khớp, tấn công bằng đầu, bấm các huyệt, nắm tóc, tấn công vào hạ bộ, yết hầu, mắt...

Hội vật làng Sình thu hút rất đông khán giả đến xem.
Hội vật làng Sình thu hút rất đông khán giả đến xem.

Một nét độc đáo ở lễ hội làng Sình là tinh thần đồng đội ở các địa phương. Một đô vật của làng nào bị thua sẽ có đô vật khác lên tiếp sức. Nếu để thua một trận các đô vật phải chờ đến năm sau mới “phục hận” được, vì thế, các đô vật thường rèn luyện suốt năm, tu dưỡng đạo đức để chờ đầu xuân tham dự, tranh tài.