Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Đưa dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh thành đặc sản hút khách du lịch

Kinhtedothi – Năm 2014, dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi danh di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, trở thành niềm tự hào của Nhân dân hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh nói riêng, Nhân dân Việt Nam nói chung. Tuy nhiên, dưới tác động của xu hướng hội nhập, toàn cầu hóa, các bài hát dân ca ví, giặm truyền thống đang đứng trước nguy cơ mai một.

Nhiều khó khăn, thách thức

Dân ca ví, giặm có lịch sử ra đời cách đây hàng trăm năm, gắn với đời sống sinh hoạt, lao động sản xuất của cư dân hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh. Trong những năm qua, mặc dù được Đảng bộ, chính quyền các cấp và cộng đồng quan tâm, tuy nhiên, việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể này vẫn đứng trước nhiều nguy cơ, thách thức.

Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi danh di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2014. Ảnh: Vừ Mùa

Đó là một số làn điệu, bài bản dân ca cổ đang có nguy cơ bị thất tán, mai một do lực lượng nghệ nhân nắm giữ, thực hành di sản ngày một ít, trong khi chưa có sự sưu tầm, ghi chép, lưu giữ, trao truyền một cách khoa học, phù hợp. Việc soạn lời mới và cải biên do không nắm vững những làn điệu, bài bản cổ đã làm thay đổi, thậm chí làm sai lệch di sản.

Theo lãnh đạo tỉnh Nghệ An, lực lượng nghệ nhân am hiểu một cách bài bản và có khả năng truyền dạy về dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh không còn nhiều. Trong khi đó, địa phương chưa xây dựng được chiến lược, kế hoạch dài hơi để đào tạo lớp nghệ nhân trẻ, kế cận dẫn đến việc truyền dạy cho thế hệ trẻ hiệu quả chưa cao.

Bên cạnh đó, dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh xuất phát từ môi trường lao động sản xuất nhưng môi trường lao động và không gian diễn xướng nguyên gốc hiện nay đã thay đổi, không còn điều kiện để thực hành những bài cổ và ứng tác xuất phát từ lao động. Kéo theo đó, cách thức, quy trình diễn xướng di sản cũng bị mai một dần.

Một vấn đề nữa là cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động trình diễn, diễn xướng dân ca ví, giặm chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Trang thiết bị phục vụ cho hoạt động của các câu lạc bộ, đội văn nghệ như âm thanh, loa máy, trang phục… hầu như còn thiếu, chủ yếu sử dụng các thiết chế văn hóa có sẵn. Kinh phí hoạt động của các câu lạc bộ từ nguồn hỗ trợ hàng năm của tỉnh còn rất hạn chế, chủ yếu các câu lạc bộ phải tự túc hoạt động, thành viên tự nguyện đóng góp.

Điều đáng nói, hiện nay chưa có sự vào cuộc tích cực, đồng bộ của cả hệ thống chính trị và cộng đồng nên hiệu quả bảo tồn, phát huy giá trị di sản vẫn chưa cao. Di sản dân ca ví, giặm chưa có nhiều cơ hội để được tuyên truyền, quảng bá, lan tỏa ra các cộng đồng ở ngoại tỉnh và chưa trở thành một sản phẩm du lịch mang dấu ấn xứ Nghệ.

Thực hiện đúng cam kết với UNESCO

Di sản văn hóa là yếu tố quan trọng để tạo nên bản sắc của mỗi cộng đồng, dân tộc. Công ước về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO thông qua năm 2003 được coi là khung luật pháp quốc tế bảo vệ và phát huy di sản văn hoá phi vật thể và đã được 156 quốc gia thành viên phê chuẩn. Theo tinh thần của Công ước, các quốc gia thành viên đều coi việc bảo vệ và giữ gìn di sản văn hóa của các cộng đồng, dân tộc là nhiệm vụ sống còn của mỗi quốc gia.

Không gian diễn xướng dân ca ví, giặm tại tỉnh Nghệ An. Ảnh: Vừ Mùa

Từ khi dân ca ví, giặm được ghi danh, Chính phủ Việt Nam đã cam kết thực hiện Chương trình hành động bảo vệ dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng, chính quyền, đảm bảo cho sự tồn tại và phát huy lâu dài giá trị của di sản theo đúng tinh thần Công ước quốc tế năm 2003.

Tiếp nối nỗ lực này và xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, Bộ VHTT&DL vừa có Văn bản số 1282/BVHTTDL-DSVH ngày 28/3/2025 trình Chính phủ “Đề án bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh tỉnh Nghệ An giai đoạn 2026 - 2030”. Đây là việc làm cần thiết nhằm tiếp tục hiện thực hóa cam kết của Chính phủ Việt Nam với UNESCO, trực tiếp giải quyết những vấn đề cấp thiết, nguy cơ, thách thức trong thực tiễn bảo tồn, phát huy giá trị di sản hiện nay. Đồng thời phát huy các tiềm năng, nguồn lực tại địa phương để đảm bảo sức sống của di sản trong cuộc sống hôm nay và trong tương lai, góp phần tạo nên một sản phẩm du lịch đặc sắc của tỉnh.

Theo đề án, bảo vệ dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh phải chú trọng đến bảo vệ các giá trị nguyên gốc của di sản, các đặc trưng về làn điệu, quy cách thực hành, không gian diễn xướng… Đồng thời, trên cơ sở các giá trị nguyên gốc, có sự tiếp thu, phát triển để di sản phù hợp với xu thế phát triển của văn hóa hiện đại, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, thụ hưởng của các đối tượng công chúng đa dạng, nhất là thế hệ trẻ.

Bên cạnh đó, bảo vệ, phát huy giá trị dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh cần chú trọng đến trao truyền di sản tại cộng đồng, phát huy vai trò của các nghệ nhân, những người thực hành và các thành viên gia đình trao truyền cho thế hệ trẻ trong gia đình và cộng đồng. Đồng thời tăng cường, thúc đẩy đóng góp của dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh trong việc tạo thu nhập và sinh kế bền vững cho cộng đồng, cá nhân; tạo ra nội lực cho sự phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa ở địa phương.

Đề án bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh tỉnh Nghệ An giai đoạn 2026 – 2030 đặt mục tiêu đến năm 2030, phấn đấu khu vực đồng bằng có 90%, khu vực miền núi có 30% đơn vị hành chính cấp xã/phường có thực hành dân ca ví, giặm thành lập câu lạc bộ. Phấn đấu thành lập thêm 2 - 3 câu lạc bộ dân ca ví, giặm ở các tỉnh khác và thành lập 1 - 2 câu lạc bộ dân ca ví, giặm ở nước ngoài.

Tỉnh Nghệ An cũng chú trọng rà soát, điều chỉnh bổ sung các cơ chế, chính sách về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung, dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh nói riêng để đảm bảo phù hợp với yêu cầu thực tiễn trong giai đoạn mới. Trong đó xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích các nghệ sĩ, nghệ nhân người đang nắm giữ và tổ chức thực hành trao truyền ví, giặm; hỗ trợ kinh phí hoạt động và đầu tư cơ sở vật chất cho các câu lạc bộ/đội văn nghệ dân ca ví, giặm tại cộng đồng…

Đặc biệt, tỉnh Nghệ An tiếp tục khai thác, phát huy hình thức sân khấu hóa dân ca ví, giặm. Xây dựng và tổ chức các chương trình biểu diễn dân ca ví, giặm tại Trung tâm Bảo tồn và Phát huy di sản dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh (TP Vinh) theo hình thức daily show (ít nhất 1 tuần/lần và tiến tới hàng ngày) để phục vụ khách du lịch và có bán vé, tạo doanh thu. Cùng với đó, đầu tư vào các hình thức thể hiện mới cho sân khấu nghệ thuật biểu diễn gắn với dân ca ví, giặm; xây dựng các hành trình kết nối di sản gắn với phát triển du lịch. Đặc biệt, tập trung xây dựng và phát triển tour du lịch “Về miền ví, giặm”, kết nối các điểm đến du lịch tiêu biểu của tỉnh Nghệ An như biển Cửa Lò - Nhà hát truyền thống daily show - Nam Đàn…

Theo Bộ VHTT&DL, Đề án “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa đại diện của nhân loại dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh tỉnh Nghệ An giai đoạn 2026 - 2030" được phê duyệt sẽ góp phần quan trọng trong việc hiện thực hóa quan điểm văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực xây dựng và phát triển con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước theo tinh thần của Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XI.

Trích dẫn
Trích dẫn 1
Tính đến tháng 9/2024, lĩnh vực dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh ở Nghệ An có 42 nghệ nhân dân gian được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phong tặng; 1 nghệ nhân Nhân dân, 48 nghệ nhân ưu tú, 5 nghệ sĩ Nhân dân và 16 nghệ sĩ ưu tú được Chủ tịch nước phong tặng. Trên địa bàn tỉnh hiện có 140 câu lạc bộ, thu hút hơn 3.000 hội viên tham gia với đủ các lứa tuổi, nghề nghiệp.

Giữ lửa di sản văn hóa ẩm thực truyền thống

Giữ lửa di sản văn hóa ẩm thực truyền thống

Phát huy giá trị, nâng tầm di sản văn hóa

Phát huy giá trị, nâng tầm di sản văn hóa

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ