Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Đậu phụ Đại Cát nguy cơ mai một

Kinhtedothi - Làng Đại Cát, phường Liên Mạc, quận Bắc Từ Liêm nổi tiếng với nghề làm đậu phụ truyền thống, nhưng nay nhiều người không khỏi băn khoăn làm sao để gìn giữ và phát triển nghề truyền thống của cha ông đang dần bị mai một?
Một hộ dân làm đậu phụ ở Đại Cát.
Một hộ dân làm đậu phụ ở Đại Cát.
Khó giữ nghề

Đậu phụ Đại Cát (hay còn gọi là đậu Kẻ) nổi tiếng từ lâu đời. Nghề làm đậu ở đây được cha truyền con nối nên vẫn giữ được cho đến ngày nay. Gia đình bà Đoàn Thị Hải, đã trải qua mấy đời làm nghề, chuyên làm ra những bìa đậu phụ vừa mềm, vừa thơm nổi tiếng. Bà Hải chia sẻ, từ khi còn nhỏ, đã phải phụ giúp bố mẹ làm nghề. Ngày ấy, chủ yếu là làm đậu phụ thủ công, xay đậu bằng tay chứ không có công cụ máy móc hỗ trợ như bây giờ nên vất vả lắm. Những hôm đông khách, người nhà phải dậy từ 3 - 4 giờ sáng để làm cho kịp. Để làm ra bìa đậu ngon phải trải qua rất nhiều công đoạn, từ chọn hạt, ngâm đậu khoảng 4 tiếng đồng hồ đến đãi thật sạch vỏ, cho vào cối đá xay nhuyễn, sau đó lọc qua ba lần nước, bỏ bã, giữ lại nước cốt và cho vào nồi đun. Quan trọng nhất là công đoạn đun chín nước cốt đậu và pha chế nước chua để tách cốt đậu ra khỏi nước làm sao để khi ép khuôn, bìa đậu mềm, mịn mà vẫn giữ được hương thơm, khi ăn có vị bùi, ngậy. “Bây giờ, mỗi ngày gia đình tôi làm khoảng 50kg đậu hạt được hơn 1.000 bìa đậu, bán buôn 1.500 - 1.800 đồng/1 bìa tùy vào kích cỡ, trừ các khoản chi phí cũng đem lại thu nhập ổn định từ 300 – 400.000 đồng/ngày” - bà Hải cho biết thêm. Cũng như gia đình bà Hải, gia đình ông Nguyễn Văn Thời đã trải qua ba đời làm nghề. Đây là một trong những gia đình có quy mô sản xuất lớn, mỗi ngày gia đình ông làm ra vài ngàn bìa đậu. Ngoài làm đậu, nhà ông Thời còn sản xuất sữa đậu nành, thu nhập mỗi ngày cũng được 3 - 4 triệu đồng, tạo công ăn việc làm cho tất cả các thành viên trong gia đình. Ở Đại Cát, nhiều hộ còn tận dụng bã đậu để chăn nuôi lợn cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Chả thế, rất nhiều gia đình trong làng đã làm giàu từ nghề truyền thống.

Điều trăn trở lớn nhất của người dân trong làng hiện nay là làm sao giữ gìn và phát triển được nghề truyền thống mà cha ông đã để lại bao đời nay? Trước đây, vào thời kỳ hưng thịnh, số hộ làm nghề chiếm đến 90% dân số trong làng. Đến nay, vì nhiều nguyên nhân, trong đó có lý do thu nhập không cao nên nhiều gia đình đã bỏ nghề để chuyển sang làm nghề khác.

Cần có quy hoạch làng nghề

Trao đổi về vấn đề này, ông Đoàn Ngọc Anh - Tổ phó khu phố Đại Cát cho biết: Do quá trình đô thị hóa nhanh, từ đó có thêm nhiều ngành nghề mới cho thu nhập cao hơn nên người dân đã bỏ nghề làm đậu phụ. Hơn nữa, nghề làm đậu phải kết hợp với cả chăn nuôi thì mới cho thu nhập cao, nếu đơn thuần chỉ làm đậu thì hiệu quả không cao. Hiện nay, làng Đại Cát có khoảng gần 600 hộ dân sinh sống thì phần lớn chuyển sang làm nghề trồng hoa, cam Canh, bưởi Diễn, buôn bán vật liệu xây dựng... Số hộ còn duy trì với nghề truyền thống chỉ còn khoảng 20 hộ. “Liên Mạc đã trở thành phường, phát triển theo hướng đô thị hóa, người dân sẽ được hỗ trợ, được học nghề mới, tôi e nghề làm đậu phụ của cha ông sẽ dần mất đi. Để phát triển bền vững, mong muốn của những hộ tâm huyết với nghề là sớm được các cấp chính quyền xây dựng quy hoạch khu làm nghề tập trung nhằm giữ gìn và phát triển nghề truyền thống của cha ông” - ông Anh kiến nghị.

Chủ tịch UBND phường Liên Mạc, ông Nguyễn Mạnh Thiết cho biết, trong đề án xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2014, Liên Mạc đã quy hoạch 4ha đất để đưa các hộ làm nghề đậu phụ vào khu sản xuất tập trung xa khu dân cư, đảm bảo vệ sinh môi trường. Tuy nhiên, khi xã lên phường thì các quỹ đất làm dịch vụ thương mại được điều chỉnh lại cho phù hợp. Thời gian tới, phường sẽ xin ý kiến quận, thực hiện từng bước theo đề án đã phê duyệt trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị từ nghề truyền thống của địa phương.
Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Tiếp sức để nông dân bám đất, bám làng

Tiếp sức để nông dân bám đất, bám làng

23 Apr, 05:07 AM

Kinhtedothi - Đề xuất tiếp tục kéo dài chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp (SDĐNN) được dư luận đồng tình ủng hộ. Chính sách này kỳ vọng tiếp tục là nguồn tài chính hỗ trợ trực tiếp cho nông dân và ngành nông nghiệp tiến gần hơn với nền nông nghiệp hiện đại.

Xuất khẩu thuỷ sản lúng túng trong “bão” thuế

Xuất khẩu thuỷ sản lúng túng trong “bão” thuế

08 Apr, 03:18 PM

Kinhtedothi- Thủy sản Việt Nam đang đối diện với nhiều thách thức từ thị trường Mỹ bởi những quy định bất lợi và chính sách thuế mới. Lo ngại tăng trưởng xuất khẩu, uy tín của ngành hàng bị ảnh hưởng nghiêm trọng là nỗi trăn trở chung của các doanh nghiệp (DN) thuỷ sản Việt Nam hiện nay.

Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ