Dầu thô Mỹ khoét sâu “nỗi buồn” của OPEC+

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xuất khẩu dầu thô của Mỹ lập kỷ lục mới trong năm nay khi sản lượng bùng nổ đang làm lung lay vai trò thống trị của OPEC+ trên thị trường dầu thô toàn cầu.

Xuất khẩu dầu của Mỹ chạm đỉnh từ năm 2015

Theo dữ liệu được Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA) công bố ngày 20/12, xuất khẩu dầu thô của nước này trong nửa đầu năm 2023 đạt trung bình 3,99 triệu thùng/ngày. Con số này tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái và là mức cao nhất kể từ năm 2015, khi lệnh cấm xuất khẩu dầu thô của Mỹ chấm dứt.

Xuất khẩu dầu thô của Mỹ trong nửa đầu năm 2023 đạt trung bình 3,99 triệu thùng/ngày,  tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh: Oilprice
Xuất khẩu dầu thô của Mỹ trong nửa đầu năm 2023 đạt trung bình 3,99 triệu thùng/ngày,  tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh: Oilprice

Xuất khẩu dầu thô của Mỹ tăng vọt khi nước này tiếp tục bơm ra thị trường lượng dầu kỷ lục hơn 13 triệu thùng/ngày trong tháng 9 và củng cố vị thế là nhà sản xuất dầu thô hàng đầu thế giới.

Dữ liệu từ EIA cho thấy sản lượng dầu thô và khí ngưng tụ của nước này trong tháng 9 tăng 224.000 thùng so với tháng 8, đạt 13,24 triệu thùng/ngày.

EIA hôm 20/12 cho biết, sản lượng dầu thô của Mỹ tăng lên mức kỷ lục 13,3 triệu thùng/ngày trong tuần trước. Kỷ lục trước đó là 13,2 triệu thùng/ngày.

Mặc dù Ả Rập Saudi hiện vẫn là nước xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới, với lượng xuất khẩu hơn 6 triệu thùng mỗi ngày, song “cơn lũ” dầu thô từ Mỹ đã khiến Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, còn gọi là nhóm OPEC+, đang mất dần quyền kiểm soát thị trường dầu toàn cầu.

Theo báo cáo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), sản lượng dầu mỏ khổng lồ từ Mỹ, Brazil và Guyana đã làm giảm thị phần của OPEC+ trên thị trường dầu mỏ xuống mức thấp nhất trong gần một thập kỷ.

Trả lời phỏng vấn Business Insider hồi đầu tháng này, chuyên gia năng lượng Paul Sankey nhận định rằng những yếu tố đó cuối cùng có thể đẩy Ả Rập Saudi tiến hành "cuộc chiến giành thị phần" dầu với Mỹ để giành lại quyền kiểm soát giá, một động thái có thể làm tràn ngập nguồn cung nhiên liệu trong nửa đầu năm 2024.

Nhưng hiện tại, OPEC+ đang có kế hoạch tiếp tục cắt giảm sản lượng, giảm 2,2 triệu thùng mỗi ngày trong quý đầu năm 2024. Trong khi đó, sản lượng của Mỹ dự kiến ​​sẽ còn tăng hơn nữa trong năm tới. EIA dự báo sản lượng dầu thô của Mỹ đạt mức bình quân cao kỷ lục 12,9 triệu thùng/ngày trong năm nay và tiếp tục lập kỷ lục mới 13,1 triệu thùng/ngày trong năm 2024.

Goldman Sachs mạnh tay hạ dự báo giá dầu

Ngân hàng Goldman Sachs vừa cắt giảm 12% mức giá dự báo bình quân của dầu thô trong năm 2024 trong bối cảnh sản lượng khai thác “vàng đen” tại Mỹ dự kiến tiếp tục tăng kỷ lục.

Theo CNN, Goldman Sachs cuối tuần trước dự báo giá dầu Brent giao sau bình quân ở mức 81 USD/thùng trong năm 2024, thấp hơn so với mức 92 USD/thùng đưa ra trong lần dự báo trước. Cũng theo Goldman Sachs, giá dầu Brent sẽ đạt đỉnh của năm 2024 ở mức 85 USD/thùng vào tháng 6.

Các nhà phân tích của ngân hàng Goldman Sachs cho rằng lý do chính dẫn tới việc điều chỉnh dự báo giá dầu này là “tốc độ khoan tìm dầu mỏ đang được tăng tốc và ngày càng có nhiều giếng dầu mới đi vào khai thác” tại Mỹ.

Nhóm OPEC+ hồi cuối tháng 11 vừa qua đã quyết định gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng tự nguyện 2,2 triệu thùng/ngày cho tới hết quý 1/2024 để hỗ trợ giá dầu.

Tuy nhiên, giá dầu liên tục lao dốc trong những tuần gần đây, chủ yếu do sản lượng dầu cao kỷ lục của Mỹ. Giá dầu Brent và WTI  đã giảm mạnh từ mức đỉnh của 13 tháng, tương ứng là 95 USD/thùng và 94 USD/thùng, thiết lập hồi tháng 9.

Trong phiên giao dịch ngày 21/12, giá dầu Brent giảm 3 xu Mỹ xuống còn 79,67 USD/thùng, còn giá dầu WTI của Mỹ cũng sụt 6 xu Mỹ về còn 74,16 USD/thùng.

Việc ngành công nghiệp dầu lửa Mỹ đẩy mạnh khai thác là một nguyên nhân khiến lượng dầu thô tồn kho của nước này tăng cao và gây áp lực giảm lên giá dầu kể từ đầu quý 4/2023.

“Nguồn cung dầu từ Mỹ có lẽ là điều gây ngạc nhiên lớn nhất đối với thị trường” - Chủ tịch Bob McNally của Công ty Rapidan Energy Group nhận định rằng đây là lý do chính khiến thị trường dầu thế giới không rơi vào tình trạng thắt chặt như dự báo trước đó.

Thị trường “vàng đen” cũng đang chịu áp lực giảm giá từ nguy cơ nhu cầu dầu suy yếu, nhất là ở Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và nhập khẩu dầu nhiều nhất thế giới. Triển vọng kinh tế Trung Quốc đang ảm đạm do nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu đều yếu, trong khi cuộc khủng hoảng bất động sản vẫn chưa có hồi kết.

Tuy nhiên, Goldman Sachs cho rằng việc OPEC+ hạn chế sản lượng khai thác dầu, khả năng kinh tế khởi sắc ở Trung Quốc, và nguy cơ kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái ở mức thấp, cùng với những nhân tố khác có thể sẽ hạn chế mức độ giảm của giá dầu trong năm tới.