Đầu tư công nghệ cho điện mặt trời mái nhà góp phần tăng trưởng xanh
Kinhtedothi - Chuyển dịch năng lượng xanh là một trong những giải pháp trọng tâm giảm phát thải khí nhà kính, hướng tới tăng trưởng xanh nhằm nỗ lực đạt phát thải ròng bằng 0 theo cam kết của Chính phủ Việt Nam tại COP 26. Muốn vậy, phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, thiết bị thông minh, tích hợp trong quản lý, vận hành hệ thống sử dụng năng lượng và quản lý.
Triển vọng lớn
Quy hoạch điện VIII nêu rõ ưu tiên, khuyến khích phát triển điện gió, điện mặt trời tự sản tự tiêu (trong đó có điện mặt trời mái nhà của người dân và mái công trình xây dựng, điện mặt trời tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, tiêu thụ tại chỗ, không đấu nối hoặc không bán điện vào lưới điện quốc gia). Ưu tiên và có chính sách đột phá để thúc đẩy phát triển điện mặt trời mái nhà của người dân và mái công trình xây dựng, nhất là các khu vực có nguy cơ thiếu điện như miền Bắc và điện mặt trời tự sản, tự tiêu. Loại hình nguồn điện này được ưu tiên phát triển không giới hạn công suất, với điều kiện giá thành hợp lý và tận dụng lưới điện sẵn có, không phải nâng cấp.
Trong sự kiện mở rộng hiện diện tại Việt Nam của Sigenergy chiều tối 15/4, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) Bùi Quốc Hùng cho biết, theo Quy hoạch điện VIII điều chỉnh được Bộ Công Thương trình Chính phủ, với tầm nhìn từ nay đến 2030, toàn hệ thống điện cần lắp mới từ 10.000 – 12.000MW điện năng lượng tái tạo. Quy hoạch cũng đặc biệt ưu tiên phát triển điện mặt trời mái nhà, tự sản xuất – tự tiêu thụ.
Theo ông Bùi Quốc Hùng, triển vọng phát triển điện mặt trời tại Việt Nam hiện nay là rất lớn đặc biệt trong bối cảnh các nghị định và quy định mới về cơ chế phát triển năng lượng tái tạo, bao gồm điện mặt trời áp mái, vừa được ban hành – đây là tín hiệu hết sức tích cực cho thị trường. Đó cũng là dư địa cho các doanh nghiệp tham gia.
Bộ Công Thương cũng đã phê duyệt khung giá điện mặt trời, điện mặt trời trên mặt nước và điện mặt trời có pin lưu trữ. Đây là mô hình giúp tiết kiệm chi phí, phù hợp với định hướng phát triển bền vững. Bộ luôn mong muốn thị trường điện mặt trời ở Việt Nam phát triển minh bạch, hiệu quả và các hãng công nghệ mang đến thị trường VIệt Nam các công nghệ hiện đại nhất, đảm bảo tuân thủ đầy đủ các quy định về an toàn kỹ thuật và các tiêu chuẩn của Việt Nam.
“Chúng tôi ghi nhận sự quan tâm ngày càng tăng của các doanh nghiệp, đặc biệt là trong khu vực sản xuất công nghiệp, đến việc đầu tư hệ thống điện mặt trời áp mái tại nhà xưởng. Đây là mô hình vừa giúp tiết kiệm chi phí điện năng, vừa góp phần giảm áp lực lên hệ thống điện quốc gia, đặc biệt phù hợp với định hướng phát triển bền vững, đảm bảo an ninh năng lượng của Việt Nam trong các năm tới” - ông Bùi Quốc Hùng chia sẻ.
Dư địa cho doanh nghiệp đầu tư
Về việc phát triển thị trường năng lượng tái tạo ở Việt Nam, nhà sáng lập kiêm CEO Sigenergy Tony Xu cho biết, Việt Nam đang đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch tạo dư địa lớn cho các doanh nghiệp đầu tư. Với sản phẩm chủ lực là Sigenstor – hệ thống 5 trong 1 đầu tiên trên thế giới, công ty cam kết tiếp tục đồng hành cùng các đối tác và khách hàng bằng những giải pháp năng lượng thông minh hơn, an toàn hơn và bền vững hơn. Thời gian tới, doanh nghiệp sẽ tiếp tục đổi mới trong phần cứng, phần mềm và trí tuệ nhân tạo để mang đến các giải pháp năng lượng hiệu quả, thông minh và an toàn hơn.

Sản phẩm của Sigenergy đã được sử dụng trong rất nhiều công trình. Ảnh: Hoàng Anh
Hiện, sản phẩm của doanh nghiệp đã có mặt tại hơn 60 khu vực và quốc gia, được hỗ trợ bởi mạng lưới gồm 99 nhà phân phối và hơn 5.600 nhà lắp đặt đồng hành. Để đón đầu xu hướng, công ty đưa ra thị trường hệ thống lưu trữ năng lượng cho thương mại và công nghiệp (C&I) mang tên SigenStack, cùng biến tần hybrid thế hệ thứ 2 lần đầu tiên đến thị trường Việt Nam. Biến tần hybrid tích hợp có công suất từ 50 - 125kW, cùng với hệ thống pin lưu trữ có thể mở rộng theo nhu cầu thực tế, phù hợp với nhiều kịch bản ứng dụng khác nhau của khách hàng.

Sigenergy ký kết hợp tác với Hiệp hộI Năng lượng sạch Việt Nam - VCEA. Ảnh: Khắc Kiên
Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Sạch Việt Nam Nguyễn Xuân Quy thông tin, tháng 10/2024, Chính phủ đã ban hành 2 nghị định rất quan trọng là Nghị định 80 về sản xuất cho hộ lớn và Nghị định 135 tự sản tự tiêu, mở ra cơ hội cho điện mặt trời mái nhà. Đến 1/2/2025, Luật Điện lực chính thức có hiệu lực và Chính phủ cũng đã ban hành 4 Nghị định, văn bản pháp lý giúp cho phát triển năng lượng tái tạo, mặt trời ở Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn. Với việc Chính phủ đặt mục tiêu đạt tăng trưởng kinh tế 2 con số, nhu cầu dùng điện trong các năm tới sẽ tăng rất cao, đặc biệt là điện sạch.
Do vậy, điện mặt trời sẽ là một trong những nguồn năng lượng quan trọng cho tương lai vì góp phần giảm phát thải nhà kính, là cơ hội để phát triển kinh tế xanh, bền vững. Hiện là thời điểm thuận lợi để phát triển điện mặt trời, điện mái nhà ở Việt Nam do đã có cơ chế pháp lý sau gần 4 năm chờ chính sách do giá pin điện mặt trời hiện chỉ bằng 1/3 so với trước đây.
“Xu thế tất yếu trong phát triển năng lượng tái tạo chính là việc triển khai điện mặt trời mái nhà tại các toà nhà, nhà xưởng. Hàng hoá của các doanh nghiệp xuất khẩu khi dùng điện mặt trời mái nhà sẽ được công nhận chứng chỉ xanh. Đây là lợi ích rất lớn với doanh nghiệp khi vào các thị trường có yêu cầu cao trong bối cảnh giá điện ngày càng tăng và Chính phủ ngày càng chú trọng các chính sách ưu đãi cho năng lượng mặt trời” - ông Nguyễn Xuân Quy chỉ ra.

HANOISME: Cầu nối đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ Hà Nội phát triển
Kinhtedothi - Không chỉ tổng kết, hoạch định chiến lược để phát triển, Hội nghị Ban Chấp hành mở rộng Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội (HANOISME) vừa tổ chức còn mở ra diễn đàn lắng nghe và hành động vì doanh nghiệp. Từ chính sách, đào tạo, đến xúc tiến thương mại, Hiệp hội cho thấy vai trò ngày càng rõ nét trong việc đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Tận dụng "khoảng lặng" thuế quan, doanh nghiệp Việt tăng tốc xuất khẩu
Kinhtedothi - Việc cần làm ngay của các DN Việt Nam là phải thỏa thuận với các nhà nhập khẩu Mỹ cùng chia sẻ rủi ro, tranh thủ xuất khẩu các đơn hàng đã ký kết; đồng thời, khẩn trương điều chỉnh chiến lược hoạt động kinh doanh và chủ động các biện pháp ứng phó lâu dài.

Thủ tướng: tháo gỡ vướng mắc thể chế liên quan đến đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp
Kinhtedothi - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu rà soát, đề xuất, tháo gỡ ngay các vướng mắc thể chế, đặc biệt là liên quan luật quản lý, đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo nguyên tắc "cái gì biết mới quản, không biết thì không quản", tăng cường phân cấp, phân quyền; cắt giảm ít nhất 30% thủ tục, chi phí và thời gian tuân thủ.