Đầu tư vàng, không còn là “cơ hội vàng”

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với tốc độ sụt giảm, phá liên tục các kỉ lục lập đáy của vàng miếng “thương hiệu quốc gia” SJC, thị trường vàng trong nước có vẻ không còn là kênh đầu tư cũng như tích trữ hấp dẫn…

Nằm trong bức tranh giảm giá hàng hóa nói chung trên thị trường toàn cầu những tháng vừa qua, vàng – kim loại quý cũng như “vàng đỏ” – dầu, nhôm và đồng đều đã có những bước thụt lùi về giá. Tính trong vòng 5 năm qua, vàng đã có mức giảm mạnh nhất và xuống dưới ngưỡng 1.100 USD/ ounce, ngưỡng mà trong quá khứ cách đây ba năm, kể cả trong cơn hoảng loạn bán tháo của nhiều quỹ tín thác, vàng cũng chưa phá rào đi qua.
Diễn biến giá vàng SJC từ 22/7/2014 đến 22/7/2015
Diễn biến giá vàng SJC từ 22/7/2014 đến 22/7/2015.
Vàng giảm có… mục tiêu?

Nhiều người xem đây là dấu hiệu cảnh báo của một nền kinh tế toàn cầu đang có vấn đề. Trên thực tế, nếu đứng ở quan điểm của giới đầu cơ – những nhà kinh doanh hàng hóa có tổ chức đang nắm quyền định giá vàng – thì một khi việc đầu tư vào vàng không còn có lãi, tất yếu họ sẽ chốt lãi và chuyển qua tài sản đầu tư khác. Trung tuần tháng 6, khi giá vàng quốc tế lần lượt đâm thủng những ngưỡng hỗ trợ, MSK Capital nhận định đầu tư vàng vật chất đã không còn có lãi và giá vàng giảm vẫn chưa dừng lại. Trước đó một ngày, thống kê của Saxo Bank cho hay, “Các nhà đầu tư quỹ ETF đã lũ lượt từ bỏ vàng”, với con số khá cụ thể: Đây là tuần thứ 6 liên tiếp có 35 tấn vàng đã rời khỏi các quỹ. Tổng vàng nắm giữ đã xuống còn 1.592 tấn, dưới 1.600 tấn, là lần đầu tiên từ tháng 4/2009 và dưới 120 tấn so với cùng kỳ năm ngoái”. Cần lưu ý, chỉ cách 2 năm, trong đà rơi của giá vàng, SPDR Gold Trust – Quỹ tín nắm giữ vàng lớn nhất thế giới đã bán ra hàng trăm tấn vàng và theo thống kê của Blomberg vào tháng 6/2013, đã có hơn 515 tấn tương đương khoảng 23 tỷ USD (tính theo giá ở khoảng 1.300 USD/ounce) bị bán ra trong nửa năm. Đợt bán tháo 18 tuần liên tiếp ở thời điểm đó được xem là đợt bán tháo tồi tệ nhất trong lịch sử kể từ năm 2003, đã đưa lượng vàng do các quỹ ETF nắm giữ chỉ còn khoảng gần 2117 tấn. Như vậy, những ngày này, tuy các quỹ ETF không hoảng loạn báo tháo như trong quá khứ, nhưng niềm tin vào kênh đầu tư kim loại cũng bắt đầu rơi còn mạnh mẽ hơn giai đoạn trước đây. Giá vàng giảm với chỉ số đồng USD đã tăng quá mạnh, cùng với đó nền kinh tế Mỹ đang rậm rịch tăng lãi suất… trở thành điều tất yếu.

Một số các yếu tố khác đè thêm trọng lực trong độ rơi của giá vàng, còn là khủng hoảng nợ Hy Lạp, sự thật về tăng trưởng kinh tế toàn cầu khiêm tốn khiến nhà đầu tư thoái niềm tin vào một số kim loại công nghiệp. Trong đó, sự tăng trưởng chậm của kinh tế Trung Quốc, đặc biệt, đợt khủng hoảng chứng khoán Trung Quốc gần đây cũng khiến những kì vọng sinh lời vào nhu cầu vàng của “người tiêu dùng sôi nổi” nhất thế giới bắt buộc phải thay đổi. Đợt bán tháo hơn 1,3 tỷ USD ở sàn vàng Thượng Hải chỉ trong vài phút vừa diễn ra đầu tuần qua càng củng cố nhận định: Nhà đầu tư tổ chức ngày càng rời bỏ vàng.

Biến số giá và nhu cầu đầu tư ở VN

Theo ông Phan Dũng Khánh – Chuyên gia Tư vấn đầu tư Vàng, có 6 yếu tố tác động đang đến thị trường vàng Việt Nam theo chiều giảm: Thứ nhất, là tác động của giá vàng thế giới, theo đó vàng thế giới đã dẫn đến vàng VN giảm. Thứ 2, sự chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng quốc tế (trên 4 triệu đồng/ lượng chưa bao gồm thuế phí, xét theo tỷ giá ngày 22/7 quy đổi và theo giá vàng chốt giao ngay trên sàn Kitco 1.090 USD/oz, vàng SJC niêm yết mua vào bán ra quanh 32,9-33,2 triệu đồng/ lượng). Theo đó xuất hiện yếu tố thứ ba, những nhà đầu tư đã mua vàng giá cao và chịu lỗ khoảng 1 triệu đồng/ lượng ở giai đoạn trước, có cơ hội cắt lỗ bán ra trước khi giá vàng trong nước và thế giới về mức tương đương. Đây có thể là một thời gian dài nhưng với chính sách không khuyến khích nắm giữ đầu cơ vàng của NHNN, chắc chắn mức tương đương, san bằng khoảng chênh lệch sẽ được rút ngắn đáng kể. Thứ tư, với mãi lực thị trường kém như hiện nay, nhiều tổ chức đang nắm giữ vàng có khả năng cũng sẽ bán ra chứ không chỉ riêng các cá nhân. Do đó, thị trường có quan ngại xuất hiện làn sóng bán tháo, dẫn đến tâm lí tạo áp lực cho giá vàng trong nước càng điều chỉnh giảm sâu. Thứ năm, để phòng rủi ro các Cty kinh doanh vàng vật chất sẽ hạ giá mua vào, làm giá giảm thêm. Và cuối cùng, nếu so sánh vàng với các kim loại quý khác và mức tăng của giá vàng trong 20 năm qua, thì giá vàng vẫn đang được định cao hơn nhiều so với bạc, đồng… Do đó, cùng những tác động từ các biến số kinh tế Mỹ, đồng USD, giá vàng thế giới có khả năng sẽ còn giảm tiếp như trong năm nay xuống 1.000 USD/ oz. “Xu thế điều chỉnh giá vàng trong nước ở mức trên dưới 32 triệu đồng/lượng sẽ là diễn biến ở các thương hiệu vàng miếng trong nước, tùy thời điểm” – ông Khánh cho biết.
Xu thế điều chỉnh giá vàng trong nước ở mức trên dưới 32 triệu đồng/lượng sẽ là diễn biến ở các thương hiệu vàng miếng trong nước, tùy thời điểm.
Nguyên thành viên Hội đồng Cố vấn vàng thế giới – ông Huỳnh Trung Khánh nhận định người Việt thực tế không giảm nhu cầu nắm giữ vàng. Năm 2014, VN tiêu thụ khoảng 69,1 tấn vàng, nhu cầu này thấp hơn so với những con số ở các năm trước song nguyên do không phải từ việc giảm tiêu thụ, mà do VN không còn nhiều thương hiệu sản xuất vàng miếng. Vì vậy, mức giảm về nhu cầu ước tính trung bình chỉ khoảng 8-10%. Tuy nhiên, có một điểm khác biệt là so với những năm trước, giờ đây người dân trong nước đã không còn chạy theo những con “sóng” vàng. Ngay cả đợt điều chỉnh giá vàng giảm mạnh tới cả triệu đồng/lượng như vừa qua, cũng không còn xuất hiện cảnh người dân xếp hàng “bắt dao rơi”, chờ mua vàng “giá rẻ”. Đây là tín hiệu tốt cho thấy những chính sách quản lí thị trường vàng đã bắt đầu đưa thị trường này vào “nề nếp”. “Trong tương lai không xa, có thể Chính phủ sẽ dần dần tự do hóa thị trường vàng có kiểm soát, như Trung Quốc đang thực thi”- chuyên gia này dự đoán.

Không có mãi lực mua vào đón đáy và với những rủi ro có thể gặp phải khi nhà quản lí thị trường trong nước đang không ủng hộ việc nắm giữ đầu cơ vàng, thị trường vàng trong nước trong 2 năm và đến thời điểm hiện nay, đã chứng tỏ một “kỉ luật” căn bản. Điều này sẽ tạo hậu thuẫn cho việc thực thi cam kết giữ tỷ giá không điều chỉnh từ nay đến hết năm mà NHNN đưa ra. Cũng như, tạo điều kiện cho NHNN đa dạng hóa dự trữ ngoại hối quốc gia,  mua vào vàng miếng, huy động vàng như dự kiến. Dù có thể với nguồn lực hiện tại, khả năng huy động này chưa thể tác động và lay chuyển mạnh được khối vàng dự trữ trong dân.
TS Vũ Đình Ánh – Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu giá, Bộ Tài chính: Thị trường vàng không ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ
Nguyên nhân trực tiếp tác động tới giá vàng tại thời điểm này là sự mạnh lên của USD. Trong thời gian này, có rất nhiều thông tin hỗ trợ giá vàng như khủng hoảng tại Hy Lạp, thị trường chứng khoán Mỹ lao dốc, tình hình Ukraine… Tuy nhiên, USD mạnh lên đã lấn át tất cả. Trong khi đó, vàng Việt Nam chủ yếu là nhập khẩu của thế giới, chứ tự sản xuất không được bao nhiêu.
Do vậy, giá vàng trong nước sụt giảm trong mấy ngày qua là do tác động của thị trường thế giới, cùng với xu thế hội nhập với thế giới, nên đến khi thị trường vàng vận hành một cách bình thường thì chuyện thu hẹp giá sẽ là điều tự nhiên. Thị trường vàng không gây ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ. Điều NHNN cần làm là họ nên linh hoạt theo dõi diễn biến trên thị trường và phải lưu ý vấn đề nhập siêu, cán cân thanh toán, đồng thời yếu tố tâm lý cũng ảnh hưởng.
NHNN nên có thông tin kịp thời khi thị trường cần. Hiện tại, giá vàng trong nước và thế giới đang đi theo hướng kéo chênh lệch ngày càng thấp xuống một cách tự nhiên chứ không có sự can thiệp nào. Hiện nay, nhu cầu giữ, đầu tư vàng của người dân ít hơn trước, các diễn biến lãi suất, tỷ giá hay lạm phát được quản lý… Do vậy, người giữ vàng cần bình tĩnh trước thông tin về giá vàng, tránh bị tác động bởi tâm lý hoặc giới đầu cơ vàng lợi dụng để chuộc lợi. Tuy nhiên, hiện nay vàng vẫn là phương tiện để tích trữ, trong bối cảnh có những biến động về kinh tế vĩ mô, vàng luôn được coi là hầm trú ẩn an toàn. Do đó, xét về mặt tích trữ trong dài hạn, vàng vẫn đóng vai trò nhất định của nó. Tuy nhiên, với vai trò là phương tiện đầu tư, công cụ đầu tư thậm chí đầu cơ không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới, trong ngắn hạn, vàng không tỏ ra hấp dẫn nữa.
Trong dài hạn, vấn đề hấp dẫn của vàng một mặt phụ thuộc vào chính bản thân yếu tố tác động vào thị trường vàng kể cả phía cung lẫn phía cầu. Mặt khác, phụ thuộc vào mối tương quan giữa đầu tư vào vàng và các kênh đầu tư khác. Tôi cho rằng, về dài hạn, vàng cũng sẽ giống kênh đầu tư khác, vẫn có sự hấp dẫn nhất định của nó.
Ông Trần Quốc Quýnh – Chuyên gia cao cấp Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam: Còn “kích thích” hoạt động buôn lậu vàng qua biên giới
Sau hơn 3 năm triển khai Nghị định số 24/2012/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, xét về góc độ quản lý, NHNN đã thiết lập một mạng lưới kinh doanh mua, bán vàng miếng mới, có quản lý. NHNN độc quyền thực hiện nhập khẩu vàng nguyên liệu trên thị trường quốc tế và tổ chức sản xuất vàng miếng nhằm kiểm soát chặt chẽ cung, cầu vàng miếng trên thị trường.
Khối lượng ngoại tệ NHNN sử dụng để nhập khẩu vàng cũng được điều tiết nhỏ hơn nhiều lần lượng ngoại tệ nền kinh tế phải bỏ ra để nhập khẩu trong những năm trước đây và chiếm tỷ trọng nhỏ so với lượng ngoại tệ NHNN đã mua vào tăng dự trữ trong thời gian qua. Đồng thời hạn chế rủi ro cho hoạt động NH. Tuy nhiên bên cạnh một số việc đã làm được thì vẫn còn những vấn đề tồn tại và phát sinh chưa được giải quyết. Thứ nhất là dù đã không ít lần, đại diện NHNN nhấn mạnh khẳng định mục tiêu là bình ổn thị trường vàng chứ không phải bình ổn giá.
Tuy nhiên, với việc giá vàng trong nước và giá vàng thế giới chênh lệch quá lớn như hiện nay (trên 4 triệu đồng/lượng, tương đương 13-15%) sẽ “kích thích” hoạt động buôn lậu vàng qua biên giới. Vụ bắt giữ đối tượng vận chuyển trái phép hơn 30 kg vàng trị giá 21 tỷ đồng từ Trung Quốc vào Việt Nam hồi đầu năm là một ví dụ điển hình. Thứ hai, mục tiêu đặc biệt quan trọng chưa đạt được đó là để huy động nguồn lực vàng trong dân phục vụ cho phát triển kinh tế – xã hội. Con số 70 tấn vàng Việt Nam tiêu thụ trong năm 2014 mà Hội đồng Vàng thế giới vừa đưa ra cũng phần nào cho thấy, mãi lực của người dân vẫn luôn có và thậm chí ở mức cao. Chính vì vậy trong bối cảnh hiện nay, NHNN cần sớm có thêm những giải pháp tích cực để không chỉ duy trì sự ổn định của thị trường mà còn huy động được nguồn lực lớn từ vàng tránh lãng phí.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần