70 năm giải phóng Thủ đô

Dạy học trực tuyến: Chỉ áp dụng ở nơi đủ điều kiện hạ tầng

Bảo Thắng thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 19/3, trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD&ĐT) Nguyễn Xuân Thành cho biết, có thể công nhận kết quả dạy học qua internet, truyền hình.

 Ông Nguyễn Xuân Thành
Thưa ông, Bộ GD&ĐT có văn bản khuyến khích, đề nghị các trường tăng cường dạy học trên internet, truyền hình trong tình hình dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, nhiều người vẫn băn khoăn về cơ sở, căn cứ pháp lý để công nhận kết quả từ việc dạy học này?
- Bộ GD&ĐT thống nhất việc dạy học chính thức tại trường là yếu tố bắt buộc. Với tình hình hiện tại, Bộ đã có văn bản hướng dẫn, đề nghị tăng cường việc dạy, học trên internet và truyền hình với cơ sở giáo dục đủ điều kiện. Điều này có thể được hiểu, kết quả từ việc dạy học này có thể được công nhận. Tuy vậy, học sinh vẫn phải được bổ sung kiến thức còn thiếu và các kỹ năng khác khi trở lại trường. Về góc độ pháp lý, dù chưa có văn bản cụ thể cho mô hình này nhưng với những điều chỉnh liên quan đặc thù chuyên môn đủ cho các cơ sở giáo dục áp dụng triển khai dạy học cho phù hợp với tình hình. Đơn cử, năm 2017, Bộ GD&ĐT đã có Công văn 4612 hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh. Tại công văn này, Bộ GD&ĐT đã yêu cầu các Sở GD&ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục chủ động đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học.
Thưa ông, như vậy có thể hiểu, các cơ sở giáo dục sẽ chủ động lên phương án đào tạo cho phù hợp với tình hình hiện tại?
- Đúng vậy, ngành giáo dục luôn cổ vũ tính chủ động, tích cực và phát huy năng lực, khả năng tự học của học sinh. Tuy nhiên, các cơ sở giáo dục trong tình hình dịch bệnh, khi triển khai những mô hình đào tạo trực tuyến, trên truyền hình cần xây dựng kế hoạch giáo dục một cách bài bản, chi tiết và phải báo cáo thường xuyên với cơ quan quản lý có thẩm quyền về kế hoạch này. Ngoài việc chịu trách nhiệm về chất lượng giáo dục, cơ sở phải bảo đảm thông tin minh bạch, công khai tới phụ huynh, học sinh, cán bộ, giáo viên nhà trường để cùng nắm bắt và phối hợp thực hiện.
Có ý kiến cho rằng, nếu dạy học bằng hình thức trực tuyến và truyền hình sẽ khó đánh giá đầy đủ và thực hiện các bài kiểm tra chuyên môn tới từng học sinh. Ông nhận định như thế nào về vấn đề này?
- Dạy học trên truyền hình hay trực tuyến có điểm chung, đó là các giáo viên phải chuẩn bị rất kỹ từng bài giảng trong quá trình áp dụng công nghệ. Với dạy trên truyền hình, các Sở GD&ĐT lưu ý khâu lựa chọn giáo viên đã được đào tạo kỹ năng, kinh nghiệm giảng dạy và khung giờ phát sóng phù hợp với học sinh cũng như bảo đảm chương trình học tập theo tình hình mới. Để hạn chế yếu tố một chiều, nhà trường cần phát huy được vai trò đầu mối, quản lý, xây dựng kế hoạch cụ thể để kiểm soát học sinh. Giáo viên sẽ căn cứ vào lịch dạy, thông báo tới học sinh, phụ huynh và giao nhiệm vụ học tập cho học sinh cũng như nhận bài thu hoạch, ôn tập qua hệ thống mạng xã hội hoặc thư điện tử. Trường hoàn toàn có thể chủ động xây dựng phương án đánh giá kết quả học sinh một cách linh hoạt, miễn sao bảo đảm hiệu quả việc dạy và học.
Vậy làm thế nào để kiểm tra, đánh giá chất lượng, kết quả của quá trình đào tạo trực tuyến hay trên truyền hình, hệ thống phần mềm hiện tại có được sử dụng để học sinh, giáo viên tự kiểm tra, đánh giá chất lượng của mô hình đạo tạo mới này không, thưa ông?
- Hiện tại, chúng ta chưa áp dụng việc tự kiểm tra, đánh giá chất lượng đào tạo qua trực tuyến hay truyền hình và thực tế hệ thống cũng chưa thể làm tốt, chưa đủ để kiểm soát chặt chẽ việc này. Với việc dạy, học trực tuyến, giáo viên giao nhiệm vụ cho học sinh, ở chiều ngược lại, học sinh phải tổ chức làm báo cáo, bài thu hoạch hay các bài tập theo yêu cầu. Sau khi trở lại trường, nhà trường sẽ tổ chức ôn tập và kiểm tra, đánh giá lại kết quả học tập, công nhận kết quả khi học sinh thể hiện đã nắm được kiến thức. Các trường hợp hổng, nhà trường cần tổ chức cho ôn tập để học sinh kịp thời bổ sung theo đúng chương trình.
Theo cách hiểu hiện nay, Bộ GD&ĐT đã “bật đèn xanh” cho các cơ sở giáo dục triển khai các lớp học trực tuyến, hay trên truyền hình. Thế nhưng, việc này có áp dụng đại trà được không khi vẫn còn nhiều địa phương, gia đình, cơ sở giáo dục còn yếu, kém về công nghệ, hạ tầng, kỹ thuật. Vậy cần phải áp dụng thế nào trong trường này, theo ông?
- Chúng ta phải thừa nhận rằng, đúng là ở những nơi có điều kiện hạ tầng chưa đáp ứng chắc chắn sẽ tác động tới chất lượng bài giảng, ví dụ đường truyền, công nghệ... Bởi lẽ đó, Bộ GD&ĐT đã có hướng dẫn cụ thể. Việc triển khai lớp học trực tuyến chỉ áp dụng với những nơi đáp ứng đủ điều kiện về cơ sở vật chất, công nghệ, hạ tầng. Còn những địa phương chưa đáp ứng đủ, sẽ triển khai qua các kênh truyền hình phù hợp. Ở trường hợp này, Bộ sẽ đề nghị ngành giáo dục địa phương nâng cao vai trò của từng cơ sở giáo dục, từng giáo viên để theo sát chương trình dạy, học qua truyền hình như việc thường xuyên nhắc lịch, kiểm tra lại thông tin, kiến thức sau mỗi bài giảng tới học sinh.
Xin cảm ơn ông!