Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đẩy lùi hủ tục, lạc hậu trong lễ hội

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những năm qua, công tác quản lý, tổ chức lễ hội tại các địa phương còn nhiều bất cập. Nhằm khắc phục những tồn tại, các địa phương đang tập trung triển khai Bộ tiêu chí về môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống vừa được lãnh đạo Bộ VHTT&DL ban hành.

Nâng cao chất lượng tổ chức lễ hội

Trong nhiều năm vừa qua, dù ngành văn hóa đã có những nỗ lực, nhưng môi trường văn hóa trong lễ hội vẫn còn nhiều vấn đề phải quan tâm. Dưới ảnh hưởng của kinh tế thị trường, lễ hội đã có những biểu hiện thương mại hóa rõ rệt. Bởi với nhiều người coi lễ hội đầu Xuân là dịp làm ăn, kiếm tiền dù trái với quy định. Nhiều dịch vụ như đổi tiền lẻ, buôn bán, môi giới, dịch vụ cũng mọc lên như nấm trong các lễ hội khiến cho môi trường lễ hội ngày càng xô bồ, giá trị vật chất lấn át giá trị văn hóa, đạo đức.

Người dân dùng tiền để xoa vào chùa Đồng (Yên Tử). Ảnh: Lại Tấn
Người dân dùng tiền để xoa vào chùa Đồng (Yên Tử). Ảnh: Lại Tấn

Anh Nguyễn Hữu Thắng (Đan Phượng, Hà Nội) kể lại: “Tết Quý Mão vừa qua, tại chân núi Yên Tử, tôi vừa vào bãi gửi xe đã bị 4 - 5 người vây lấy để mời chào từ dịch vụ mua vé cáp treo, ăn cơm trưa, mua nón, đổi tiền lẻ với giá chênh lệch. Họ nói đi lễ phải có tiền lẻ xoa vào chùa Đồng, vào tượng mang về nhà mới may mắn. Nếu không mua, họ đeo bám và đi tới cổng ra vào khu vực cầu Hạ Kiệu”.

Tại phủ Tây Hồ (Hà Nội), các cửa hàng ăn uống hay bán động vật để phóng sinh chiếm khá nhiều diện tích khiến lối đi trở nên nhỏ hẹp khi lượng người đổ về đông, đôi chỗ bán động vật phóng sinh còn gây mất vệ sinh môi trường.

Trước những tồn tại trong công tác tổ chức, quản lý lễ hội tại các địa phương, Bộ VHTT&DL đã ban hành quyết định về việc xây dựng “Bộ tiêu chí về môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống”. Đây được xem là một bước quan trọng trong việc thúc đẩy, bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, nâng cao chất lượng tổ chức các lễ hội truyền thống ở các địa phương.

Theo Cục trưởng Cục Văn hoá cơ sở Ninh Thị Thu Hương: Bộ tiêu chí về môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống gồm 9 tiêu chí chung và các tiêu chí cụ thể. Một số tiêu chí chung là: công tác quản lý nhà nước về lễ hội chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật; cơ sở vật chất, trang thiết bị được đầu tư đáp ứng yêu cầu tổ chức lễ hội; đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội; phòng chống cháy, nổ, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh; các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, vui chơi giải trí vui tươi, lành mạnh đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của nhân dân; bố trí các khu dịch vụ đảm bảo mỹ quan di tích, lễ hội; tổ chức các hoạt động dịch vụ an toàn, thuận tiện cho người dân, du khách khi tham gia hoạt động lễ hội...

Bộ tiêu chí được ban hành nhằm khuyến khích, định hướng và thúc đẩy các địa phương, BTC các lễ hội tăng cường chất lượng công tác quản lý lễ hội truyền thống; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của Nhân dân.

Giải pháp với các “điểm nóng”

Bộ tiêu chí về môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống chính là cơ sở để BTC lễ hội tại các địa phương áp dụng thống nhất các giải pháp trong tổ chức, thực hiện các hoạt động nhằm xây dựng môi trường văn hóa lễ hội. Đồng thời, Bộ tiêu chí cũng là định hướng để BTC chuẩn hóa các tiêu chí về xây dựng môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống, là thước đo để đánh giá năng lực quản lý cũng như tính hiệu quả của công tác tổ chức hoạt động lễ hội tại địa phương.

Người dân hành lễ tại chùa Đồng (Yên Tử). Ảnh: Lại Tấn
Người dân hành lễ tại chùa Đồng (Yên Tử). Ảnh: Lại Tấn

Theo Cục trưởng Cục Văn hoá cơ sở Ninh Thị Thu Hương: Đối với một số lễ hội “điểm nóng”, cần xây dựng và triển khai các phương án bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối cho người tham gia lễ hội, có phương án xử lý kịp thời tình huống phát sinh. Đồng thời, ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm, đặc biệt là các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội để trục lợi, kích động bạo lực, lưu hành, kinh doanh văn hóa phẩm trái phép; không để việc tổ chức dâng sao giải hạn biến tướng thành dịch vụ mang tính trục lợi, ảnh hưởng đến nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc; phát ấn không đúng với nguồn gốc lịch sử di tích, lễ hội; không để các đối tượng lợi dụng, lôi kéo đông người tại lễ hội để tuyên truyền, quảng bá các hoạt động có dấu hiệu tà đạo, mê tín dị đoan, trái với thuần phong mỹ tục, vi phạm quy định về thực hiện nếp sống văn minh.

Đặc biệt, cần chú trọng nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm người đứng đầu các cấp trong việc xây dựng kế hoạch kịch bản, phương án tổ chức lễ hội.  Cục Văn hóa cơ sở đã có văn bản hướng dẫn các địa phương tổ chức áp dụng các tiêu chí về môi trường văn hóa vào công tác quản lý và tổ chức lễ hội. Cục sẽ tiếp tục tổng hợp, theo dõi công tác tổ chức triển khai Bộ tiêu chí của các địa phương ngay trong mùa lễ hội năm nay.