Đẩy lùi vấn nạn “ma men” sau tay lái: Chỉ tăng chế tài xử phạt là chưa đủ

Quý Nguyễn (Thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Công tác đấu tranh chống vấn nạn “ma men” sau tay lái ở Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn.

 
Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, TS Nguyễn Hữu Đức - chuyên gia giao thông đã có những phân tích và giải pháp rất đáng chú ý để đẩy lùi vấn nạn này.
Chưa đẩy lùi được vấn nạn bia rượu
Vấn nạn tài xế sử dụng rượu bia gây tai nạn giao thông nóng lên từ cuối năm 2018 và nhức nhối cho đến tận bây giờ. Thậm chí thời gian gần đây còn trở nên phức tạp và nghiêm trọng hơn. Ông đánh giá thế nào về vấn đề này?
- Từ năm 2011, trong Nghị quyết 88/NQ-CP của Chính phủ đã nhận định vấn đề rượu bia là một trong những trọng tâm nổi bật dẫn đến tai nạn giao thông. Cùng với đó, Chính phủ đã đưa vấn đề rượu bia vào nhóm những vấn đề phải giải quyết ngay.
Trước đó, năm 2008, công tác đảm bảo trật tự, ATGT của nước ta có một bước đột phá lớn là thực hiện thành công quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy trên toàn quốc. Năm 2011, chúng ta dự kiến sẽ có bước đột phá thứ 2 là đẩy lùi vấn nạn sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, bước đột phá thứ 2 này đến bây giờ vẫn chưa thành công.
Nhìn vào công tác đấu tranh với vấn nạn sử dụng rượu bia trong đội ngũ lái xe trong thời gian qua ở nước ta có thể thấy, các cơ quan, đơn vị đã rất nỗ lực đưa ra nhiều giải pháp, nhưng nhìn chung là chưa thành công, thậm chí còn ngày càng trầm trọng hơn.
Ngoài ra, bên cạnh vấn nạn rượu bia còn vấn nạn ma túy trong đội ngũ lái xe, vấn đề người lái xe buồn ngủ. Cả 3 điều đó khiến cho sức khỏe người lái xe không đảm bảo, dẫn đến rất nhiều tai nạn nghiêm trọng.
Theo ông, đâu là nguyên nhân khiến “bước đột phá thứ 2” liên quan đến vấn nạn sử dụng rượu bia khi lái xe đã không thành công trong suốt thời gian qua?
- Xử lý vi phạm về rượu bia và mở rộng hơn là sử dụng ma túy khi lái xe khó hơn so với xử lý mũ bảo hiểm rất nhiều. Bởi, trong khi mũ bảo hiểm chỉ cần quan sát bằng mắt thường dễ dàng phát hiện ra, còn phát hiện sai phạm về nồng độ cồn cần có máy đo. Riêng phát hiện tài xế sử dụng ma túy lại phức tạp hơn rất nhiều khi cần phải thử nước tiểu hoặc thử máu tài xế.
Để giải quyết vấn đề này cần cả một giải pháp mang tính hệ thống. Mà muốn xây dựng giải pháp mang tính hệ thống lại cần tới việc thiết lập nhiều thành phần đồng bộ, kết nối chặt chẽ với nhau. Cho dù xây dựng được các giải pháp thành phần đầy đủ nhưng những giải pháp ấy không có tính đồng bộ, không thể kết nối với nhau thì cũng rất khó để phát huy hiệu quả. Riêng tính kết nối và đồng bộ đang là khâu yếu kém nhất trong những gói giải pháp được đưa ra để kiềm chế TNGT do sử dụng rượu bia trong thời gian qua. Đây chính là lý do cho đến tận bây giờ, sau một thời gian dài thực hiện, công cuộc đấu tranh chống tệ nạn sử dụng rượu bia, ma túy khi lái xe trong giới lái xe vẫn chưa mang đến hiệu quả như mong đợi. Vấn đề cốt lõi là những giải pháp này chưa đi vào căn bản, chưa động đến bản chất trọng tâm của vấn đề, điều này rất khó đạt được kết quả cao.
 Cảnh sát giao thông Hà Nội kiểm tra nồng độ cồn của lái xe tham gia giao thông. Ảnh: Phạm Hùng
Ông đánh giá như thế nào về các giải pháp được đưa ra trong thời gian qua nhằm đấu tranh với vấn nạn “ma men”, “con nghiện” trong đội ngũ lái xe?
- Thời gian qua, khi các vụ TNGT nghiêm trọng do tài xế sử dụng rượu bia gây ra liên tục xuất hiện, từ các cơ quan quản lý Nhà nước như Bộ GTVT cho tới các chuyên gia, nhà nghiên cứu đều đưa ra rất nhiều giải pháp. Nhiều nhất vẫn là đề nghị tăng chế tài xử phạt đối với tài xế gây tai nạn.
Thậm chí có ý kiến đòi tước bằng lái vĩnh viễn hay bỏ tù người vi phạm. Những đề xuất này không phải là không đúng nhưng chắc chắn sẽ không mang lại hiệu quả cao vì không đi đúng vào trọng tâm của vấn đề.
Tôi cho rằng, trọng tâm của cuộc đấu tranh đẩy lùi TNGT do lỗi chủ quan của tài xế gây ra (sử dụng rượu bia, sử dụng ma túy, ngủ gật khi lái xe) là phải đảm bảo sức khỏe, sự tỉnh táo cho lái xe. Tiếc là những giải pháp được đưa ra trong thời gian qua đã không “đánh” trực tiếp vào trọng tâm này. Thậm chí, việc tăng chế tài xử phạt lên sẽ rất dễ gây phát sinh tiêu cực trong chính đội ngũ lực lượng chức năng. Trong nhiều trường hợp tăng mức phạt là làm hại nhau. Tóm lại là vấn đề rượu bia, nồng độ cồn chúng ta vẫn chưa đi vào thực chất.
Ba bài thử độ tỉnh táo chuẩn hóa để kiểm tra tài xế
Vậy, để giải quyết triệt để vấn nạn sử dụng rượu bia, ma túy khi lái xe cần có giải pháp gì thật sự phát huy hiệu quả?
- Giải pháp trên thế giới đã có rồi và trong giới khoa học Việt Nam cũng từng đưa ra từ thời nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng còn đương chức. Thời điểm đó, chính ông Nguyễn Sinh Hùng đã chỉ thị cho các cơ quan, đơn vị thực hiện các giải pháp xử lý vi phạm nồng độ cồn của tài xế. Tuy nhiên, đến tận thời điểm này, đây vẫn là vấn đề nhức nhối của giao thông nước ta.
Công tác kiểm tra nồng độ cồn và ma túy mà chúng ta đang áp dụng rất phức tạp và mất nhiều thời gian. Thậm chí như việc “test” ma túy qua nước tiểu tài xế, vì tính chất vệ sinh, không ít người ngại làm việc này. Chưa kể, trước khi thực hiện những công việc này cần phải lên kế hoạch rồi chuẩn bị dụng cụ kỹ thuật kỹ lưỡng và phức tạp. Các nước phát triển trên thế giới đã nghĩ ra những biện pháp rất đơn giản nhưng lại cực kỳ hiệu quả nhằm sàng lọc đối tượng, tránh tình trạng cơ quan chức năng phải thực hiện kiểm tra nồng độ cồn hay ma túy của những tài xế không vi phạm.
Họ phát minh ra “ba bài thử độ tỉnh táo chuẩn hóa” để kiểm tra tài xế. Đây đều là những bài thử đơn giản, không cần dụng cụ kỹ thuật nào hỗ trợ. Đơn cử như họ có thể yêu cầu tài xế đứng một chân trong một thời gian nào đó rồi quan sát phản xạ của tài xế, từ đó dễ dang nhận ra người này có đủ tỉnh táo để lái xe hay không. Khi xác định chính xác tài xế không đủ tỉnh táo mới cho đi kiểm tra nồng độ cồn và ma túy. Chắc chắn người đó sẽ vi phạm. Giới khoa học nước ta đã đề nghị áp dụng ba bài thử này từ rất lâu rồi nhưng vẫn chưa thấy được áp dụng.
Đó là giải pháp trước mắt có thể mang đến hiệu quả sớm trong việc kiềm chế TNGT do lái xe sử dụng rượu bia gây ra, còn về mặt lâu dài, ông có hiến kế gi không?
- Giải pháp nào cũng phải đảm bảo sự đồng bộ của 3 mặt, đó là mặt kỹ thuật, mặt cưỡng chế và mặt tuyên truyền. Thực tế ghi nhận ở nước ta cho thấy, hiện chúng ta vẫn gặp vướng mắc nhiều nhất ở mặt phương thức kỹ thuật và mặt cưỡng chế. Đặc biệt là mặt cưỡng chế, vì nếu có chế tài xử phạt nghiêm khắc, lực lượng chức năng thực hiện công vụ một cách nghiêm túc, không nể nang thì đã mang lại hiệu quả rất lớn rồi. Cứ để ý các nước phát triển trên thế giới là biết, các hành vi vi phạm giao thông bị xử phạt rất nặng và quan trọng nhất là họ phạt thật, không nể nang bất kỳ ai. Còn mặt tuyên truyền là giải pháp mang tính chất lâu dài và không thể phát huy hiệu quả ngay lập tức.
Xin cảm ơn ông!

"Sau những tai nạn thương tâm do lái xe uống rượu bia gây ra, chúng ta có thể trắc ẩn và thương cảm dành dụm, quyên góp để chia sẻ, vơi bớt một phần nỗi đau và cũng để tìm sự an yên cho tâm hồn mình. Nhiều người kêu gọi cộng đồng thức tỉnh, đã lái xe thì không uống bia rượu để không còn những hậu quả đau lòng. Nhưng đấy chỉ là những ân tình tự phát, nhất thời.

Để bền vững thì cần giải quyết được căn nguyên vấn đề bằng một chính sách bền vững, phải để cho mọi người nhận thức được rượu, bia không phải là hàng hóa bình thường và phải có cơ chế quản lý chặt chẽ với nó bằng các quy định pháp luật như hàng trăm quốc gia khác đã và đang làm từ vài chục thập kỷ trước. Một hành động đẹp có thể cứu sống một con người nhưng một chính sách tốt có thể cứu sống hàng vạn người và làm cho hàng triệu người khác hạnh phúc. Việc ban hành Luật Phòng chống tác hại rượu, bia cùng các điều khoản đủ mạnh là hết sức cần thiết." - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế Trần Thị Trang (Hải Lý ghi)

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần