Trong sự nghiệp đổi mới toàn diện, căn bản về giáo dục, việc sử dụng di sản trong dạy học góp phần quan trọng trong việc đổi mới hình thức tổ chức dạy học. Giáo dục di sản trang bị cho học sinh những hiểu biết cơ bản về những giá trị văn hóa, lịch sử cũng như truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Là nơi có số lượng di tích lớn nhất cả nước với gần 6.000 di tích danh thắng; đồng thời cũng là địa phương có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước với xấp xỉ 2.900 trường học, hơn 2,2 triệu học sinh, ngành giáo dục Hà Nội luôn xác định nhiệm vụ giáo dục di sản cho học sinh tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn TP là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.
Nhằm thực hiện tốt Chương trình 06/CTr-TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025” và nâng cao hiệu quả công tác giáo dục di sản cho học sinh tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn TP, huy động các nguồn lực để tổ chức hoạt động giáo dục di sản văn hóa đảm bảo tốt nhất lợi ích của học sinh, phù hợp với chương trình Giáo dục phổ thông 2018, Sở GD&ĐT Hà Nội đã ban hành Kế hoạch tuyên truyền giáo dục di sản văn hóa cho học sinh trên địa bàn TP Hà Nội.
Nhằm cụ thể hóa kế hoạch này, Sở GD&ĐT Hà Nội phối hợp với Sở VH&TT, Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội; UBND thị xã Sơn Tây; UBND huyện Gia Lâm và UBND huyện Sóc Sơn ký thỏa thuận hợp tác phối hợp giáo dục di sản cho học sinh.
Các bên thống nhất phối hợp triển khai thực hiện chương trình giáo dục di sản tham quan học tập ngoại khoá tại các di tích lịch sử văn hoá trên địa bàn TP đảm bảo nội dung, hình thức, phương pháp tổ chức có tính khoa học, chính xác, phù hợp với các nội dung được truyền tải đến học sinh.
Tại kế hoạch tuyên truyền giáo dục di sản văn hóa cho học sinh trên địa bàn TP Hà Nội, Sở GD&ĐT nêu mục tiêu: Phấn đấu đến năm 2025, 100% các trường trên địa bàn TP tổ chức giáo dục di sản văn hóa tại khu di tích lịch sử, di sản văn hóa địa phương ít nhất 1 lần/năm học.