Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông: Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc

Ngọc Hải (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, một trong những khâu đột phá để phát triển kinh tế - xã hội.

Đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông: Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc - Ảnh 1

Nhân dịp đầu năm mới Nhâm Dần, phóng viên Kinh tế & Đô thị đã cuộc trao đổi với Giám đốc Ban Quản lý dự án (QLDA) đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội Nguyễn Chí Cường (ảnh bên) xung quanh vấn đề đầu tư hạ tầng giao thông trên địa bàn TP.

Các dự án xây dựng hạ tầng giao thông trên địa bàn Hà Nội được triển khai như thế nào trong thời gian qua, thưa ông?
- Năm 2021 là năm đầu thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, là năm chịu nhiều tác động do dịch Covid-19 bùng phát trở lại, nhất là giai đoạn thực hiện giãn cách xã hội, việc triển khai các dự án gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nhờ có sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Thành ủy, HĐND, UBND TP, sự phối hợp, giúp đỡ của các sở, ban, ngành địa phương, Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông TP
Hà Nội đã hoàn thành 20/20 nhiệm vụ TP giao. Trong đó, thông xe 9 dự án; khởi công được 10 dự án; đang triển khai lựa chọn nhà thầu, hoàn thiện các thủ tục, dự kiến khởi công thêm 8 dự án khác vào đầu năm 2022. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư 15 dự án, trong đó có các dự án trọng điểm nhóm A như: Đường nối cao tốc Pháp Vân - Vành đai 3; cải tạo nâng cấp Quốc lộ 6, đoạn Ba La - Xuân Mai; đường gom phía Đông cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ...
Ban cũng hoàn thành phê duyệt điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi 1 dự án, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi/báo cáo kinh tế kỹ thuật 5 dự án trong kế hoạch năm 2022. Nhiều dự án trọng điểm đã được TP cho phép thi công ngay trong giai đoạn giãn cách xã hội, đạt tiến độ rất tốt như: Cầu Vĩnh Tuy - giai đoạn 2; hầm chui Lê Văn Lương - Vành đai 3, cầu vượt nút giao Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch.
Năm 2022, Ban sẽ tập trung vào những nhiệm vụ nào?
- Năm 2022, Ban sẽ tập trung xây dựng kế hoạch triển khai các dự án ngay từ những ngày đầu; đôn đốc đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành thông xe một số dự án lớn như: Hầm chui Lê Văn Lương - Vành đai 3; cầu vượt nút giao đường Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch... Cùng với đó, tích cực triển khai thủ tục để phấn đấu khởi công một số dự án lớn; tập trung phối hợp với các địa phương tháo gỡ vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB); đẩy mạnh công tác quyết toán, bàn giao đưa công trình đã hoàn thành vào sử dụng…

Thi công dự án Cầu Vĩnh Tuy - giai đoạn 2. Ảnh: Phạm Hùng
Thi công dự án Cầu Vĩnh Tuy - giai đoạn 2. Ảnh: Phạm Hùng

Hiện cơ chế, chính sách chung cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông có những thuận lợi, khó khăn gì, thưa ông?
- Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đã được xác định là một trong ba khâu đột phá phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng. Do đó, Chính phủ, cũng như Thành ủy, HĐND, UBND TP đã và đang tháo gỡ rất nhiều vướng mắc, khó khăn trong cơ chế, chính sách, tạo điều kiện cho đầu tư hạ tầng ngày càng hiệu quả, nhanh chóng hơn. Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số khó khăn cơ bản như công tác GPMB còn nhiều vướng mắc. Bên cạnh đó, nhiều hạng mục như cây xanh, chiếu sáng… tại các dự án đã hoàn thành nhưng chưa bàn giao cho các cơ quan quản lý cần được duy trì. Giá nguyên vật liệu trên thị trường thường xuyên biến động cũng gây nên những ảnh hưởng cho dự án.
Vậy cần những sự điều chỉnh như thế nào để khơi thông vướng mắc cho các dự án giao thông của Hà Nội?
- Để từng bước khắc phục khó khăn, đẩy nhanh tiến độ các dự án, nâng cao hiệu quả đầu tư, Ban rất mong được Thành ủy, HĐND, UBND TP, các sở, ngành, địa phương tiếp tục quan tâm phối hợp, giúp đỡ tháo gỡ các vướng mắc trong công tác thẩm định, phê duyệt dự án. Đề nghị UBND TP cho phép trong thời gian trình điều chỉnh chủ trương đầu tư, các sở, ngành tiếp nhận và thẩm định dự án điều chỉnh để ngay sau khi HĐND TP thông qua có thể trình UBND TP phê duyệt Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, làm cơ sở triển khai bước thiết kế kỹ thuật và khởi công dự án.
Đề nghị các địa phương tiếp tục quan tâm, phối hợp với Ban đẩy nhanh tiến độ GPMB, đặc biệt là các dự án lớn, vướng mắc kéo dài nhiều năm như: Đường nối từ cầu Mỗ Lao (Hà Đông) đến đường 70 (Nam Từ Liêm); đường 35 đoạn giữa tuyến (Sóc Sơn); đường gom cầu Giẽ - Phú Yên - Vân Từ (Phú Xuyên)…
Bên cạnh đó, để đảm bảo tuân thủ quy định của Luật Quản lý tài sản công và Nghị định 33/2019/NĐ - CP của Chính phủ, tránh lãng phí đồng thời phục vụ công tác quyết toán các dự án, Ban QLDA đề nghị UBND TP giao các sở chuyên ngành, Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông tiếp nhận, lưu kho các vật tư, vật liệu sau thu hồi từ phá dỡ và tiến hành thanh lý theo quy định.
Đối với hệ thống cây xanh, chiếu sáng tại các dự án, đề nghị UBND TP cho phép bàn giao ngay sau khi hoàn thành để thực hiện duy tu, duy trì mà không phải chờ bàn giao tổng thể. Bên cạnh đó, các sở, ngành cần thường xuyên cập nhật, ban hành, hướng dẫn khi giá vật tư, vật liệu biến động đột biến, đặc biệt là diện nhập khẩu, kịp thời giúp cho việc triển khai dự án được thuận lợi.
Xin cảm ơn ông!