Đẩy nhanh xây dựng, cải tạo công viên, vườn hoa

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong quá trình đô thị hóa, với mật độ dân số ngày càng đông đã dẫn tới hệ quả là TP Hà Nội đang thiếu diện tích vườn hoa, công viên cây xanh, sân chơi cho người dân trong các khu dân cư.

Trước thực trạng đó, đông đảo ý kiến đều cho rằng chính quyền TP cần đẩy nhanh hơn công tác xây dựng, cải tạo công viên cây xanh, vườn hoa.

Căn cứ theo Quy chuẩn Quốc gia về xây dựng (QCXDVN 01: 2008/BXD), đề ra chỉ tiêu tại các đô thị cần phải bảo đảm tối thiểu bình quân diện tích cây xanh theo đầu người là 2m2/người. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại tiêu chí này ở Thủ đô Hà Nội mới chỉ đạt khoảng 0,9m2/người.

Người dân vui chơi trong Công viên Bách Thảo. Ảnh: Phạm Hùng
Người dân vui chơi trong Công viên Bách Thảo. Ảnh: Phạm Hùng

Trong suốt lịch sử hơn 130 năm hình thành, phát triển (Công viên Bách Thảo được xây dựng năm 1890 là công viên đầu tiên của Thủ đô), đến nay TP Hà Nội đang sở hữu một hệ thống vườn hoa, công viên cây xanh tương đối đa dạng. Chỉ tính riêng các quận nội đô đang vận hành, quản lý 63 vườn hoa, công viên cây xanh với diện tích 280ha, chiếm khoảng 2% tổng diện tích đất tự nhiên.

Trong đó, có nhiều vườn hoa, công viên đã gắn với những sự kiện lịch sử và trở thành những di tích văn hóa quan trọng của đất nước, cũng như Thủ đô: Công viên Bách Thảo, Công viên Thống Nhất, Công viên Lênin, Công viên tuổi trẻ, Công viên nước Hồ Tây...

Tuy nhiên, cùng với quá trình đô thị hóa, sự gia tăng mạnh về dân số, hệ thống vườn hoa, công viên cây xanh đang ngày càng thiếu hụt so với tỷ lệ đơn vị ở; cùng với đó là tình trạng thiếu chặt chẽ trong công tác quản lý, bảo vệ; lấn chiếm đất vườn hoa, công viên để xây dựng và kinh doanh... đã khiến hệ thống hạ tầng tại những địa điểm này bị xuống cấp nghiêm trọng, thiếu hụt diện tích. Đáng chú ý, thực trạng này không chỉ diễn ra ở những vườn hoa nhỏ trong khu dân cư, mà ngày cả những công viên lớn cũng trong tình cảnh tương tự.

Trước thực trạng thiếu diện tích sử dụng và việc xuống cấp của hệ thống vườn hoa, công viên cây xanh trên địa bàn TP. Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình 03-CTr/TU về chỉnh trạng, phát triển đô thị và kinh tế đô thị, trong đó có nội dung quan trọng ưu tiên đến hệ thống hạ tầng xanh.

Tiếp đó UBND TP ban hành Kế hoạch nâng cấp, cải tạo, xây dựng mới vườn hoa, công viên cây xanh trên địa bàn TP giai đoạn 2021 - 2025, đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ nâng cấp, cải tạo 45 công viên, vườn hoa hiện có theo hai cấp độ tùy vào vị trí, quy mô công trình và mức độ xuống cấp.

Nhưng đánh giá một cách khách quan, công tác này vẫn đang gặp nhiều khó khăn do việc liên tục phải điều chỉnh quy hoạch sau khi mở rộng địa giới hành chính, thiếu nguồn lực tài chính, xã hội hóa chưa hài hòa... nên nhiều dự án rơi vào tình trạng chậm triển khai, thậm chí lượng lớn diện tích đất công cộng quy hoạch cho vườn hoa, công viên cây xanh bị bỏ hoang trong một thời gian dài.

Đánh giá về công tác cải tạo, nâng cấp vườn hoa, công viên trên địa bàn Thủ đô, PGS.TS Bùi Thị An - Viện trưởng Viện Tài nguyên Môi trường Cộng đồng cho biết, những năm qua công tác cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới hệ thống vườn hoa, công viên cây xanh của Hà Nội đã có nhiều chuyển biến tích cực, một số công viên được “sống lại” sau thời gian bị bỏ hoang, xuống cấp...

“Nhưng thực tế cũng phải nhìn nhận rằng, một số quận, huyện mặc dù vào cuộc nhưng vẫn chưa thực sự quyết tâm. Vì vậy, thời gian tới để công tác này được hiệu quả, chính quyền TP cần có sự phân cấp, phần quyền cụ thể, rõ ràng cho các cơ quan, đơn vị, địa bàn; và cũng phải có chế tài, nêu rõ đối với những bộ phận cá nhân chưa làm tốt” - PGS. TS Bùi Thị An kiến nghị, đồng thời cho rằng chính quyền TP Hà Nội phải làm tốt việc huy động các nguồn lực xã hội hóa, có sự tham gia của tất cả các bên liên quan: Nhà nước - người dân - doanh nghiệp, để công tác cải tại, nâng cấp, xây dựng mới vườn hoa, công viên cây xanh được tổ chức thực hiện nhanh hơn.