Đề án ngoại ngữ 2020: Có về đích đúng tiến độ?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đề án Đổi mới dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân 2008 - 2020 (Đề án Ngoại ngữ 2020) chỉ còn 5 năm nữa là kết thúc.

Chia sẻ với báo Kinh tế & Đô thị, PGS.TS Nguyễn Lân Trung - chuyên gia cao cấp Đề án Ngoại ngữ 2020, nguyên Phó Hiệu trưởng Đại học (ĐH) Ngoại ngữ cho biết, còn nhiều thách thức phía trước.
Đề án ngoại ngữ 2020: Có về đích đúng tiến độ? - Ảnh 1
PGS.TS Nguyễn Lân Trung - chuyên gia cao cấp Đề án Ngoại ngữ 2020, nguyên Phó Hiệu trưởng Đại học Ngoại ngữ
Gấp rút tăng tốc
Ông có ý kiến gì về hoạt động dạy và học ngoại ngữ trong trường phổ thông hiện nay?

- Trước hết, tôi muốn nói đến việc Bộ GD&ĐT đang thực hiện chương trình điểm nhấn 10 năm. Có nghĩa là đến năm 2018, cả 35.000 trường phổ thông phải thực hiện dạy tiếng Anh hoặc ngoại ngữ khác từ lớp 3 đến lớp 12. Như thế, học sinh (HS) sẽ có 10 năm học ngoại ngữ bắt buộc. Từ nay đến năm 2018 không còn xa, cho nên các trường cũng như Bộ GD&ĐT phải chuẩn bị tất cả các điều kiện. Đây là thách thức lớn đối với khu vực phổ thông về vấn đề giáo viên (GV). Ngoài ra, hoạt động khảo thí, xây dựng nguồn học liệu, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, xây dựng mô hình học tập cộng đồng tạo thành hệ thống giải pháp thực hiện dạy và học ngoại ngữ tốt ở trường phổ thông cũng phải được bàn tới.

Ông có thể nói rõ hơn về việc thiếu GV ngoại ngữ?

- Chúng ta đang thiếu trầm trọng GV tiếng Anh, đặc biệt khu vực tiểu học có 17.000 - 18.000 trường nhưng mới chỉ có 7.000 GV trong biên chế. Để có đủ GV ngoại ngữ, nhiều trường phải đi thuê theo hình thức ký hợp đồng. Vấn đề đặt ra là đội ngũ GV ấy có khả năng thực hành tiếng thế nào, kỹ năng dạy ngoại ngữ ra sao? Muốn vậy chúng ta phải bồi dưỡng nâng trình độ đội ngũ GV tiếng Anh. Mặt khác, Chính phủ và Bộ Nội vụ cũng phải vào cuộc để đến năm 2018, các trường có đủ GV tiếng Anh trong biên chế, góp phần thực hiện Đề án Ngoại ngữ 2020.

Chia vùng để thực hiện

Người ta cho rằng, HS phổ thông học ngoại ngữ như "leo cột mỡ", vì sau khi tốt nghiệp lớp 12, nhiều em không sử dụng được thứ tiếng đó?

- Đây là vấn đề lịch sử, đừng trách HS! Chúng ta hãy hỏi các em được hỗ trợ gì về môi trường học ngoại ngữ? Tôi thấy khả năng ngoại ngữ của HS hiện nay khác nhiều so với 3 năm trước. Và tôi cũng tin trong giai đoạn 2016 - 2020, cả xã hội từ lãnh đạo đến phụ huynh, HS cho đến các nhà chuyên môn cùng tăng tốc về đích, chúng ta có thể đạt được mục tiêu chuyển từ giáo dục kiến thức sang xây dựng năng lực. Khi đó, năng lực sử dụng ngoại ngữ của HS, sinh viên ra trường sẽ đáp ứng yêu cầu.

Ông nhìn nhận thế nào về hoạt động của các câu lạc bộ (CLB) ngoại ngữ trong trường học hiện nay để góp phần nâng cao khả năng tiếng Anh cho cộng đồng?

- Hiện nay, chúng ta có tới 70 mô hình CLB, hoạt động không đồng đều, dẫn đến kết quả rất khác nhau. Việc này cũng phụ thuộc vào lãnh đạo, nếu người nào nhiệt tình thì hiệu quả thấy rõ. Hiện đang có những mô hình hoạt động rất thành công, có thể nhân rộng như ở Lào Cai, sinh viên ĐH về phục vụ các trường phổ thông và cộng đồng rất tốt. ĐH Bách Khoa TP Hồ Chí Minh có mô hình tiếng Anh trong cộng đồng. Chúng ta cũng biết, từ nhiều năm nay, hoạt động đoàn, hội đóng vai trò rất quan trọng trong hoạt động cộng đồng, thể hiện rõ nhất trong phong trào Sinh viên tình nguyện, Mùa hè xanh. Tôi nghĩ chúng ta tiếp tục phát huy tính lãng mạn, cụ thể là sự cống hiến của sinh viên, thanh niên trong hoạt động cộng đồng ngoại ngữ thì sẽ mang đến kết quả tốt.

Trong việc nâng cao khả năng ngoại ngữ cho cộng đồng, khu vực nông thôn và miền núi có gặp khó khăn trong tiếp cận?

 - Nhiều khi chúng ta có cái nhìn không đúng. Ở Lào Cai tuy rất khó khăn, nhưng GV vẫn có laptop, HS hứng thú học ngoại ngữ, đặc biệt ở khu vực Sa Pa. Trong việc nâng cao năng lực dạy và học ngoại ngữ, chúng tôi chia ra các khu vực để áp dụng phương thức cho phù hợp. Chẳng hạn, khu vực phát triển bao gồm Hà Nội, TP Hồ Chí Minh; khu vực trung bình có các tỉnh Đồng bằng sông Hồng; khu vực khó khăn có Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ. Tất nhiên, khi chia theo khu vực sẽ phải có những giải pháp, chính sách đi kèm. Ngày 28/12 tới, tại Lào Cai, chúng tôi sẽ tổ chức hội thảo nâng cao năng lực dạy và học ngoại ngữ cho khu vực các tỉnh khó khăn, sẽ đưa ra nhiều giải pháp cho trường ĐH, các sở GD&ĐT, các trường phổ thông. Theo tôi, điều quan trọng để làm tốt việc này là đánh thức tiềm năng trong mỗi con người.

Xin cảm ơn ông!