Để cầu đi bộ thực sự hữu dụng

Mai Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sở GTVT Hà Nội vừa đề xuất xây 29 cầu vượt đi bộ trên địa bàn TP Hà Nội, với kinh phí hơn 300 tỷ đồng.

Nhiều cầu vượt đi bộ tại Hà Nội chưa đạt hiệu quả sử dụng, đầu tư.
Nhiều cầu vượt đi bộ tại Hà Nội chưa đạt hiệu quả sử dụng, đầu tư.

Đây là công trình giao thông nhằm mục đích giải quyết nhu cầu đi lại của Nhân dân cũng như bảo đảm an toàn cho người đi bộ tại các vị trí giao thông phức tạp, đông dân cư, trường học... trên địa bàn TP.

Tuy nhiên, nếu không kết hợp xử lý thật nghiêm các trường hợp người đi bộ băng ngang đường không đúng nơi quy định sẽ khó đạt hiệu quả sử dụng, đầu tư.

Thực tế đầu tư, khai thác cầu vượt đi bộ tại Hà Nội những năm gần đây cho thấy, có 3 lý do chính ảnh hưởng đến hiệu quả khai thác gồm: vị trí của cầu vượt, ý thức của người đi bộ và công tác quản lý của cơ quan, đơn vị có thẩm quyền, khiến hiện nay một số cây cầu vượt đi bộ chưa phát huy được hết mục đích đầu tư, sử dụng. Nhiều cầu vượt hiện đại, khang trang nhưng vắng bóng người bộ hành, trong khi đó, cách vị trí cầu vượt không xa, nhiều người vẫn bất chấp nguy hiểm băng ngang đường.

Có rất nhiều lý do để người đi bộ biện minh cho việc sang đường ở vị trí không đúng quy định như: “tiện”, “ngại”, “lười”… Nhưng thực tế, có những cầu vượt đi bộ mà vị trí được xây dựng rất thuận lợi cho việc di chuyển như tại đường Xuân Thủy - Cầu Giấy, đường Nguyễn Trãi - Thanh Xuân nhưng nhiều người dân và cả học sinh, sinh viên vẫn ít sử dụng.

Do thói quen chỉ là một phần, phần lớn do ý thức của người tham gia giao thông quá xem nhẹ an toàn của bản thân và những người tham gia giao thông khác, lười đi bộ và leo cầu thang. Hơn nữa, việc không có ai nhắc nhở, xử phạt hành vi đi bộ không đúng nơi quy định càng khiến nhiều người băng ngang đường tùy tiện.

Còn nhớ không lâu trước đây, Hà Nội ra quân xử lý việc người đi bộ sang đường không đúng nơi quy định với mức phạt từ 60.000 - 80.000 đồng, nhưng được một thời gian thì bỏ lửng nên "đâu lại đóng đó". Việc xử phạt không nghiêm, mức xử phạt cũng khá nhẹ khiến người dân cứ thế hòa vào dòng phương tiện và băng ngang đường ở bất cứ nơi nào.

Phần nữa là vì việc tổ chức hành lang ưu tiên cho người đi bộ còn chưa được hành động một cách quyết liệt, đâu đó vẫn còn việc lấn chiếm vỉa hè gián tiếp và trực tiếp đẩy người đi bộ phải đi bộ xuống lòng đường, vô tình tạo thành một thói quen xấu đối với người dân. Những hành vi này cần phải sớm được chấn chỉnh để tạo lập thói quen sử dụng cầu vượt đi bộ với người dân.

Cầu vượt đường bộ là công trình hiệu quả đối với giao thông đô thị. Để cầu vượt đi bộ phát huy hiệu quả đầu tư bên cạnh việc các đơn vị chức năng cần nghiên cứu thật kỹ nhu cầu và nguyện vọng của Nhân dân để có phương án vị trí xây dựng cầu phù hợp, thì cũng cần tính toán đến việc xử lý nghiêm những điểm đã có cầu vượt nhưng nhiều người không sử dụng, vẫn băng qua đường.

Từ đó, lập lại trật tự giao thông với người đi bộ, tạo thói quen sử dụng cầu vượt đi bộ để sang đường, giúp giải quyết phần nào vấn đề nhức nhối về ách tắc, xung đột giao thông trên địa bàn TP.