Để có mặt bằng lãi suất thấp

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thị trường vốn cần phải tái cơ cấu lại một cách quyết liệt mới đảm bảo nguồn vốn đầu tư và tạo mặt bằng lãi suất thấp

Lãi suất chịu sức ép từ tỷ giá

Lãi suất (LS) đang chịu sức ép do huy động vốn của hệ thống TCTD những tháng qua tăng chậm hơn cho vay. Đây là nhận định mới nhất của Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia vừa đưa ra. Theo số liệu của Cơ quan này, tính đến 31/3/2015, tổng huy động vốn chỉ đạt 4.557 nghìn tỷ đồng, tăng 0,98% so với đầu năm.
NH tiếp tục duy trì mặt bằng LS huy động tiền gửi ổn định.
NH tiếp tục duy trì mặt bằng LS huy động tiền gửi ổn định.
Lý giải về tình trạng huy động vốn tăng thấp, trong khi LS đang chịu nhiều sức ép, nhất là từ nay đến cuối năm, khả năng thị trường ngoại hối sẽ chịu nhiều áp lực, TS. Võ Trí Thành cho rằng, nếu như những năm trước, điều hành tỷ giá khá tốt do sự linh hoạt, chủ động của NHNN, cũng như một số các yếu tố khách quan khác như: thị trường gặp may do giai đoạn kinh tế suy giảm dẫn đến nhu cầu nhập khẩu giảm, đồng USD tương đối yếu, thì hiện nay, kinh tế đang trong giai đoạn hứng khởi, đồng USD mạnh lên trông thấy. Vì thế, điều hành tỷ giá sẽ là một trong những khó khăn và vất vả nhất của NHNN trong năm nay. Do đó chính sách LS sẽ chịu áp lực từ thay đổi chính sách tỷ giá.

Không phủ nhận sức ép tỷ giá lên LS, nhưng Chủ tịch HĐQT một NHTMCP cho rằng, thời gian qua các NH áp dụng LS huy động (LSHĐ) thấp hơn trần NHNN quy định. Do đó, nếu các NHTM tăng LSHĐ thì cũng chỉ đến mức trần cho phép của NHNN. Hiện mặt bằng LSHĐ tiền gửi được các NH áp dụng phổ biến ở mức 4,7 - 5,02%/năm đối với kỳ hạn dưới 6 tháng (thấp hơn gần 0,5%/năm so với trần quy định của NHNN). Đối với kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng, LS áp dụng từ 5,3 - 5,99%/năm và xoay quanh 6,03 - 6,94%/năm đối với kỳ hạn từ 12 tháng trở lên. Cá biệt có một vài NH áp dụng LS trên 7%/năm đối với kỳ hạn này.

Để tiếp tục giữ chân khách hàng, lãnh đạo một NHTM cho rằng, trước mắt các NH khó điều chỉnh giảm LSHĐ kỳ hạn ngắn thêm nữa mà thay vào đó có thể tăng nhẹ bằng quy định NHNN là 5,5%/năm. Một cái khó cho NH khi hạ LSHĐ kỳ hạn ngắn trong thời điểm này còn phụ thuộc vào yếu tố lạm phát. “Dù lạm phát vẫn đang diễn biến trong tầm kiểm soát của Chính phủ nhưng giá các loại mặt hàng thiết yếu như điện, xăng, dầu… liên tục tăng trong thời gian qua nên không thể lơ là đối với yếu tố này”, một chuyên gia NH cảnh báo.

Về LSHĐ trung, dài hạn điều chỉnh tăng hay giảm còn phải phụ thuộc vào chất lượng hoạt động của từng NH, cơ cấu vốn của họ. Bởi những NH lớn luôn có lợi thế khách hàng lớn với nguồn vốn rẻ tương đối dồi dào.

Ai có thể tạo mặt bằng lãi suất cho vay thấp?

Có thể nói, với diễn biến trên thị trường tiền tệ hiện nay, LSHĐ kỳ hạn ngắn sẽ không còn dư địa để giảm mà vẫn duy trì như hiện tại hoặc có thể nhích nhẹ lên thì LS cho vay (LSCV) cũng không thể giảm thêm được. Còn với LSCV trung, dài hạn có giảm tiếp được không?

TS. Võ Trí Thành bày tỏ quan điểm, hạ LSCV trung dài hạn rất khó khăn, vì năm nay nhu cầu phát hành TPCP rất lớn. Quý I/2015 TPCP phát hành thành công và LS có xu hướng giảm. Thế nhưng trong tháng 4/2015, TPCP bắt đầu có xu hướng “ế”. Cả tháng 4/2015, Kho bạc mời thầu hơn 50 nghìn tỷ đồng nhưng chỉ đấu thầu thành công 8 nghìn tỷ đồng. Đặc biệt, ngày 26/5 vừa qua, lần đầu tiên sau khoảng 4 năm đã có phiên đấu thầu TPCP không thành công. 2.000 tỷ đồng trái phiếu Kho bạc Nhà nước chào bán kỳ hạn 5 và 10 năm không có ai trúng thầu.
Ảnh minh hoa
 
Ngoài nguyên nhân LS, huy động TPCP chậm còn do dòng tiền đầu tư dài hạn của NH còn hạn chế. Các NHTM quan tâm nhiều tới TPCP kỳ hạn dưới 5 năm nhằm đảm bảo tốt hơn danh mục đầu tư của họ. Mặt khác hiện các NH cũng ưu tiên đẩy mạnh vốn vào sản xuất kinh doanh khi cầu tín dụng đang tăng lên.

Năm nay nhu cầu phát hành TPCP kỳ hạn 5-10 năm của Chính phủ vẫn rất cao để đảm bảo mục tiêu kinh tế xã hội khác. Để bán được thành công TPCP chắc chắn LS phải đủ hấp dẫn và việc điều chỉnh tăng LS là khó tránh khỏi. Nếu LS TPCP kỳ hạn 5 – 10 năm mà tăng lên thì LSCV trung, dài hạn của NH khó mà giảm thêm.

Theo tính toán của TS. Nguyễn Trí Hiếu, mặt bằng LSCV ở mức 10%/năm như hiện tại vẫn còn cao. Dẫu vậy, TS. Hiếu cũng hiểu và thông cảm cho các NH trước diễn biến trên thị trường ngoại hối như hiện tại, dù rất muốn nhưng khả năng kéo LS xuống là rất khó. Để duy trì mặt bằng LS thấp cho nền kinh tế ổn định, theo TS. Hiếu, nếu chỉ trông chờ nguồn vốn của NH rất khó. Nhất là vốn NH chủ yếu là huy động kỳ hạn ngắn, lại bị chi phối nhiều yếu tố. Đây là yếu điểm lớn của thị trường tài chính Việt Nam.

Nhìn lại hoạt động thị trường tài chính thời gian qua, mặc dù có thị trường tiền tệ và thị trường vốn, tuy nhiên, trong khi thị trường tiền tệ phát triển tốt thì thị trường vốn vẫn èo uột. Vì lẽ đó, trong suốt thời gian vừa qua, vốn đầu tư cho nền kinh tế vẫn chủ yếu từ thị trường tiền tệ. “Nếu nền kinh tế chỉ dựa vào thị trường tiền tệ thì không thể có LS thấp, chưa kể không có vốn dài hạn và rủi ro cơ cấu nguồn vốn là khó tránh khỏi”, một chuyên gia khác đồng quan điểm.

Vì lẽ đó, một lần nữa TS. Hiếu nhấn mạnh đến sự cần thiết phải tái cơ cấu đồng bộ hệ thống tài chính. Nếu chỉ tái cơ cấu hệ thống NH là chưa đủ. Mà thị trường vốn cũng cần phải tái cơ cấu lại một cách quyết liệt mới đảm bảo nguồn vốn đầu tư ổn định và tạo mặt bằng LS thấp cho nền kinh tế. Khi thị trường vốn phát triển, các DN có thể huy động nguồn lực đầu tư từ nhiều nguồn, nhất là vốn trung dài hạn… sẽ giảm sức ép lên hệ thống NH. Do đó, cần phải thúc đẩy phát triển thị trường vốn với các giải pháp mạnh. Chỉ còn vài năm nữa, khi kinh tế Việt Nam hội nhập sâu, rộng hơn mà thị trường vốn vẫn èo uột thì khả năng tài chính cũng như cạnh tranh của Việt Nam sẽ rất hạn chế. Và DN, NH nói riêng, nền kinh tế nói chung sẽ chịu nhiều thiệt thòi./.