Để giảm nghèo thực chất

Vân Thiêng
Chia sẻ Zalo

Là quốc gia hoàn thành sớm 2 năm mục tiêu Thiên niên kỷ về xóa nghèo cùng cực từ năm 2010, Việt Nam được Liên Hợp quốc ghi nhận là điểm sáng về giảm đói nghèo trên thế giới.

Tuy nhiên, kết quả đạt được vẫn chưa bền vững, nguy cơ tái nghèo cao. Việt Nam cam kết hoàn thiện thể chế, thay đổi nội dung và cách làm để chương trình giảm nghèo quốc gia thực chất hơn, để người nghèo không bị gạt ra bên lề sự phát triển.
 Ảnh minh họa
Hơn 20 năm qua, Việt Nam không ngừng nỗ lực triển khai các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội ở hầu khắp các địa phương, nhất là khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa nhằm đẩy nhanh công cuộc xóa đói giảm nghèo, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cả nước từ 58% năm 1993 đã giảm xuống còn khoảng 5% cuối năm 2015. Trung bình mỗi năm giảm 2% hộ nghèo. Tình trạng nghèo cùng cực và thiếu đói cơ bản đã được xóa bỏ. Từ một nước nghèo, chúng ta vươn lên nhóm nước có mức thu nhập trung bình thấp.
Thành công của chương trình giảm nghèo đã góp phần ổn định xã hội, tạo điều kiện thúc đẩy đất nước phát triển. Cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội như thủy lợi, nước sạch, điện, đường giao thông, trường học, trạm y tế... được đầu tư xây dựng và phát huy hiệu quả. Đời sống người dân được cải thiện rõ rệt, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. 
Tuy nhiên, kết quả giảm nghèo của Việt Nam dù được đánh giá là nhanh nhưng chưa bền vững. Có những tỉnh miền núi, tỷ lệ hộ nghèo còn trên 50%, trong đó có những xã còn trên 90% hộ nghèo. Điều đáng nói là cứ 3 hộ thoát nghèo thì lại có 1 hộ tái nghèo và phát sinh nghèo mới.  Ranh giới giữa hộ nghèo và cận nghèo rất mong manh. Chỉ cần gặp thiên tai, bệnh tật, mất mùa là số hộ vừa thoát nghèo trở lại diện đói nghèo bất cứ lúc nào…
Xóa nghèo đâu chỉ đơn thuần là giúp người dân có cơm ăn áo mặc, mà còn là để người nghèo có thể tiếp cận được các dịch vụ an sinh xã hội tối thiểu như bảo hiểm y tế, hỗ trợ cho trẻ đến trường, được tiếp cận các phương tiện thông tin giải trí… Vì vậy, Chương trình giảm nghèo đa chiều được xem là thay đổi có tính quyết định nhằm đánh giá đúng thực trạng đói nghèo của đất nước. Chúng ta chấp nhận con số hộ nghèo và cận nghèo đến 15,1% (cao hơn mức chuẩn cũ là 5% cuối năm ngoái), nhưng đó là sự chấp nhận cần thiết để các giải pháp đưa ra sát thực tế, căn cơ hơn nhằm đạt kết quả giảm nghèo bền vững hơn.
“Cho người nghèo cái cần câu chứ không phải cho con cá”. Câu nói ấy của những người làm công tác xóa đói giảm nghèo ai cũng biết, chính quyền địa phương lại càng biết rõ hơn ai hết. Cho cái cần câu nghĩa là phải hướng dẫn cách câu sao cho có hiệu quả. Quá trình ấy không chỉ đòi hỏi sự hoàn thiện về chính sách, tiền bạc mà còn cần ở sự chu đáo, tận tâm của đội ngũ cán bộ cơ sở. Thay vì cho không, tiến tới cho vay có điều kiện, xóa bỏ tâm lý trông chờ, ỷ lại của một bộ phận người nghèo. Khơi dậy ý chí khát vọng vươn lên thoát nghèo, làm giàu của người dân, không để các xã “chạy” vào danh mục xã khó khăn để được hưởng sự hỗ trợ của Nhà nước. Công việc ấy rất khó khăn, nhưng có quyết tâm ắt phải làm được.
Bởi vậy, trong mục tiêu hướng tới giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, Việt Nam quyết tâm loại bỏ tình trạng chính sách chồng chéo, không còn phù hợp, tiến hành giao vốn đầu tư trung hạn 5 năm để các địa phương chủ động bố trí đầu tư phù hợp với điều kiện cụ thể; Đẩy mạnh trao quyền cho cơ sở, đồng thời tăng cường sự giám sát của cộng đồng cả trước, trong và sau quá trình thực hiện, để chương trình giảm nghèo đi vào thực chất hơn. Thay đổi cách thức triển khai chương trình sang giảm nghèo đa chiều, quan tâm cải thiện và nâng cao chất lượng sống cho người nghèo, không để người nghèo bị gạt ra bên lề sự phát triển.