Để hàng Việt về nông thôn không còn theo... thời vụ

Lê Nam (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bên cạnh hiệu quả từ việc tổ chức các hội chợ hàng Việt tại các huyện, đặc biệt là dịp Tết Đinh Dậu 2017 vừa qua, các DN tham gia đều mong muốn chính quyền cơ sở tạo điều kiện, hỗ trợ phát triển các điểm phân phối - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết như vậy khi trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị.

Trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 vừa qua, Sở Công Thương và DN đã tổ chức 5 hội chợ hàng Tết và hơn 100 chuyến bán hàng lưu động phục vụ Nhân dân. Bà đánh giá như thế nào về hiệu quả của chương trình này?
- Chương trình hội chợ hàng Tết, bán hàng lưu động là một trong những hoạt động chủ lực của ngành công thương Hà Nội đã thực sự mang lại hiệu quả lớn trong việc đưa hàng Việt về nông thôn. Thực tế cho thấy, hiện nay, hàng hóa tiêu dùng tại khu vực nông thôn khá đơn điệu, chưa đáp ứng được hết nhu cầu mua sắm của người dân. Vì vậy để mua được những mặt hàng cần thiết, người dân ngoại thành phải di chuyển vào trung tâm TP, đây là điều khá bất tiện. Do đó, việc đưa hàng về nông thôn không chỉ giúp cho người dân không phải đi lại vất vả, mà còn tiếp cận được với những hàng hóa đáp ứng đúng nhu cầu của mình. Đồng thời có thêm thông tin để so sánh, đánh giá về chất lượng, giá cả của hàng sản xuất trong nước với những hàng ngoại không rõ nguồn gốc, xuất xứ trên thị trường.
 Việc tổ chức hoạt động này không chỉ tạo ra sự tương tác hai chiều giữa DN với người dân khu vực nông thôn, mà còn làm chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, góp phần thay đổi hành vi tiêu dùng theo hướng ưu tiên mua sắm hàng Việt. Ngoài ra, các DN tham gia chương trình có thêm cơ hội quảng bá sản phẩm, đồng thời đẩy mạnh hoạt động đưa hàng bình ổn giá tới vùng ngoại thành, xa trung tâm TP, qua đó ngăn chặn hiện tượng tăng giá bất hợp lý.
Tuy nhiên, đến nay, hoạt động này chưa hút được đông đảo DN tham gia, nhất là các DN có vốn đầu tư nước ngoài. Theo bà, đâu là nguyên nhân?
- Không ít DN bán lẻ đã có thương hiệu nhưng chưa mặn mà với chương trình. Nguyên nhân là bởi những DN này đã có những hệ thống bán lẻ hiện đại rộng khắp tại các quận - nơi nhu cầu tiêu dùng khá lớn. Trong khi đó, các DN tham gia chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, nhất là đưa hàng bình ổn giá, phải tự thực hiện mà không nhận được hỗ trợ chi phí của UBND TP như trước đây, điều này khiến một số DN hầu như không có lãi. Ngoài ra, chính quyền một số huyện chưa tạo điều kiện hỗ trợ địa điểm tổ chức cố định, nên những chuyến đưa hàng Việt về nông thôn vẫn mang tính mùa vụ, diễn ra trong thời gian ngắn. Khi chương trình kết thúc, người dân muốn mua thêm sản phẩm cũng không biết mua hàng ở đâu, kết nối với DN bằng cách nào.
Vậy, để hỗ trợ DN khắc phục những khó khăn, bất cập này, trong thời gian tới, Sở Công Thương Hà Nội sẽ có những giải pháp như thế nào?
- Để những chuyến hàng Việt về nông thôn đạt kết quả tốt hơn, cùng với những giải pháp thiết thực của các sở, ngành, chính quyền địa phương trong việc phát triển cơ sở hạ tầng thương mại, mở rộng mạng lưới phân phối, tăng số chuyến bán hàng..., DN cũng rất cần được tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách để phát triển điểm bán cố định tại các huyện. Bên cạnh đó, không thể thiếu sự liên kết hiệu quả giữa Hà Nội với các tỉnh, TP trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại, giúp các DN giới thiệu, khai thác nguồn hàng đa dạng, với chất lượng và giá cả hợp lý từ các địa phương để đưa về tiêu thụ tại thị trường Hà Nội. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, kiểm soát hàng hóa, phòng, chống các hành vi sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng, nhằm bảo vệ, hỗ trợ người tiêu dùng... Đó cũng là những biện pháp sẽ được Sở Công Thương đẩy mạnh trong năm 2017 để thúc đẩy sự phát triển của chương trình đưa hàng Việt về nông thôn. Tuy nhiên, trong thời gian tới, Bộ Công Thương cần tiếp tục tăng cường kinh phí cho hoạt động xúc tiến thương mại và hỗ trợ DN Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung trong việc tuyên truyền, quảng bá sản phẩm khi tham gia chương trình đưa hàng Việt về nông thôn.
Xin cảm ơn bà!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần