Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Để không còn những tiếng thở dài

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một mái nhà đang yên vui bỗng dưng ngập chìm trong nước mắt, nỗi đau giày xéo nỗi đau. Một cuộc đời tươi đẹp hóa bi thương do tai họa ập đến bất ngờ.

Tất cả đều do những “đầu xe” vô tình. Di chứng còn lại của TNGT là nỗi ám ảnh không thể xóa nhòa trong ký ức của mỗi người thân, bạn bè, người bị nạn, khiến xã hội cũng bị tổn thương nghiêm trọng. Và rồi, để bây giờ nước mắt của người còn sống cứ chảy dài...

Từ một câu chuyện

Khoảng 18 giờ ngày 19/9, em Nguyễn Thị Lan (SN 2000, trú tại huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) điều khiển xe máy BKS 73F1-134.83 chở theo em Lưu Thị Hoài Thương (SN 2001) trú cùng xã. Khi đang lưu thông theo hướng Nam – Bắc tại khu vực cầu Khe Nước trên QL1A đoạn qua xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch đã xảy ra TNGT khiến một em tử vong ngay tại chỗ, một em nguy kịch được đưa đi cấp cứu nhưng cũng tử vong tại bệnh viện. Cả hai hiện đang là học sinh lớp 9. Vậy là hai số phận, hai ước mơ… mãi mãi dang dở. Trong ngôi nhà của hai học sinh THCS này giờ chỉ còn nỗi buồn vương trên đôi mắt của những bậc làm cha, làm mẹ, chỉ còn tiếng khóc tủi hờn của người mẹ mất con, của đứa em mất chị. Lớp học có 52 học sinh, giờ chỉ còn lại 50. Hai khoảng trống đó sẽ chẳng bao giờ lấp đầy.
Phụ huynh chọn mua MBH cho con tại một cửa hàng trên phố Xã Đàn, Đống Đa. 	Ảnh: Hoàng Anh
Phụ huynh chọn mua MBH cho con tại một cửa hàng trên phố Xã Đàn, Đống Đa. Ảnh: Hoàng Anh
Theo tin từ Ủy ban ATGT Quốc gia, trong 8 tháng năm 2015, cả nước xảy ra 14.622 vụ TNGT, làm chết 5.821 người, bị thương 13.234 người. Như vậy, bình quân mỗi ngày xảy ra 60 vụ TNGT làm 24 người chết và 54 người bị thương. Trong đó hơn 70% số vụ TNGT đường bộ xảy ra liên quan đến mô tô, xe máy. Thiệt hại do TNGT ước tính khoảng 40.000 tỷ đồng, số tiền này đủ để xây mới 10 bệnh viện cấp tỉnh, hơn 1.000 trường học và gần 7.000 ngôi nhà tình nghĩa.

Những con số trên chỉ nói được một phần nào những tổn thất nặng nề do TNGT gây ra, bên cạnh đó, sự tổn thất về mặt tinh thần như con mất cha mẹ, vợ mất chồng, anh mất em… vẫn luôn day dứt, dai dẳng trong những người ở lại, những người gánh chịu hậu quả do TNGT. Để giảm đi những tiếng thở dài, những sự ân hận, tiếc nuối…, cần lắm sự chung tay của các cơ quan, tổ chức, đoàn hội và đặc biệt là sự góp sức, đồng lòng của các bạn học sinh, sinh viên - thế hệ trẻ, những chủ nhân tương lai đất nước.

Hãy đội mũ bảo hiểm

Trở lại vụ tai nạn trên, nếu hôm đó, hai em đội mũ bảo hiểm (MBH) đạt tiêu chuẩn, và đúng cách thì có lẽ cơ hội sống sẽ không nghiệt ngã khép lại. Theo nghiên cứu, đội MBH giảm được 80% tỷ lệ chấn thương sọ não. Mỗi năm ở Việt Nam có hơn 2.000 trẻ em bị chết và hàng chục ngàn em bị thương nghiêm trọng do TNGT. Việc đội MBH cho các em khi lưu thông trên đường bằng mô tô, xe gắn máy không chỉ là trách nhiệm của các bậc cha mẹ mà là cả cộng đồng trong việc bảo vệ sinh mệnh cho thế hệ tương lai của đất nước, mà còn giúp trẻ sớm hình thành thói quen tuân thủ pháp luật.

Mỗi khi ra đường, thật không khó để nhìn thấy những hình ảnh các bạn học sinh không đội MBH, có thể là ngồi sau xe do bố mẹ, anh chị đèo, cũng có thể là tự đi xe máy điện, xe đạp điện hay xe đạp. Để góp phần đảm bảo trật tự ATGT, đảm bảo an toàn cho chính mình và mọi người xung quanh khi tham gia giao thông, mỗi người hãy tự xem mình là một CSGT, để vận động mọi người… Các bậc phụ huynh nên tạo thói quen cho con đội MBH khi tham gia giao thông, rèn tính cách cẩn thận – biết trân trọng sự an toàn của bản thân. Việc rèn cho các em đội MBH cần làm thường xuyên, làm hàng ngày để chuẩn bị đi xe là chuẩn bị mũ, ngồi lên xe là đội. Bên cạnh việc đầu tư phương tiện đi lại cho trẻ, các bậc làm cha làm mẹ cũng sắm sửa thêm những thiết bị bảo vệ an toàn và nên dành thời gian để nói chuyện, hướng dẫn con về việc tự mình giữ gìn sự an toàn của bản thân, hiểu biết thêm về Luật Giao thông đường bộ.

Cùng với đội MBH đảm bảo khi tham gia giao thông, học sinh, sinh viên cần phải ghi nhớ cách đội mũ đạt chuẩn và đúng cách. Bởi MBH đã được chứng minh giúp giảm khả năng chấn thương nặng do TNGT tới 69% và giảm khả năng tử vong tới 42%.

Không ít bậc phụ huynh coi quy định đội MBH cho trẻ trên 6 tuổi giống như một trách nhiệm và việc thực hiện chỉ là điều bắt buộc. Hãy vì niềm thương cảm những người đã mất mà hành động cho sự an toàn của những người đang sống chỉ từ hành động “đội MBH” khi lưu thông trên đường để đất nước chúng ta ngày càng an toàn hơn.