Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Để không còn những văn bản “chữa cháy”

Lê Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ nhiều ngày nay, từ báo chí, mạng xã hội đến công sở, gia đình, nhóm các cụ hưu đón cháu trước cổng trường tiểu học..., một chủ đề luôn nóng và có lẽ còn tiếp tục nóng, đó là những “hạt sạn” trong cuốn Tiếng Việt lớp 1 do nhóm Cánh Diều biên soạn, được đưa vào giảng dạy từ năm học 2020 - 2021 này.

Dư luận cũng quan tâm đến sự phản ứng của ngành chủ quản, ở đây là Bộ GD& ĐT trước sự việc này.
Cần ghi nhận là ngay sau khi có ý kiến của cha mẹ học sinh phản ánh về tình trạng quá tải đối với con em mình là học sinh lớp 1, Bộ GD& ĐT đã có công văn yêu cầu các nhà trường điều chỉnh và đặc biệt là yêu cầu giáo viên không giao bài tập về nhà với các học sinh lớp 1 đã học 2 buổi/ ngày tại trường. Có thể nói đây là việc làm cần thiết, kịp thời. Tuy nhiên, sự mau lẹ của động thái này của lãnh đạo Bộ GD&ĐT lại gợi ra những cảm nghĩ ở một góc độ khác.
Để ý một chút thì thấy, thời gian gần đây, mỗi khi có những sự cố liên quan đến hoạt động của ngành, Bộ GD&ĐT (và không chỉ Bộ DG&ĐT) rất nhanh chóng ra các văn bản chỉ đạo, nhắc nhở, chấn chỉnh. Ví dụ dễ thấy và gần đây nhất là trước sự việc năm học mới 2020 - 2021 bắt đầu chưa được một tuần đã có 4 học sinh tử vong vì tai nạn tại trường ở Lào Cai, Nghệ An… ngày 8/9, Bộ đã có công văn gửi Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc kiểm tra, rà soát cơ sở vật chất trường học, đảm bảo an toàn cho học sinh. Cũng cần nhắc lại là ngay từ năm 2018, Bộ GD&ĐT cũng đã ban hành công văn số 64/BGDĐT-CSVC ngày 09/01/2018 về việc cải tạo và bảo trì cơ sở vật chất trường học đảm bảo an toàn cho học sinh.
Tương tự, cuối năm 2019, khi xảy ra vụ trẻ tử vong vì bị bỏ quên trẻ trên xe đưa đón ở Trường Gateway (Hà Nội) và một số vụ xe đưa đón bốc cháy, làm rơi học sinh trên đường ở Bình Dương, Đồng Nai, Bộ GD&ĐT đã có ngay văn bản gửi giám đốc Sở GD&ĐT các tỉnh, thành về việc tăng cường các giải pháp bảo đảm an toàn cho học sinh khi sử dụng dịch vụ đưa đón bằng ô tô. Ngay đầu năm học này, khi xảy ra vụ việc một học sinh lớp 3 trường Đoàn Thị Điểm bị bỏ quên trên xe, Bộ cũng lập tức có văn bản nhắc nhở.
Thậm chí, Bộ GD&ĐT còn có công văn gửi Bộ GT-VT đề nghị “Rà soát, nghiên cứu, bổ sung các quy định của pháp luật và hướng dẫn cụ thể đối với loại hình vận tải hành khách là học sinh từ bậc mầm non đến phổ thông”, mặc dù theo Bộ GT-VT, những quy định nói trên đã có trong Luật Giao thông đường bộ hiện hành và Bộ GD&ĐT chỉ cần chỉ đạo và có biện pháp kiểm tra để các trường học thực hiện nghiêm khi tổ chức đưa đón học sinh đến trường bằng xe ô tô.

Có thể nói rằng, việc ra các văn bản nhắc nhở là cần thiết, nhưng việc cần thiết hơn là có sự chỉ đạo kịp thời và kiểm tra sát sao một cách thường xuyên để những sự việc đáng tiếc không xảy ra và không cần ban hành các văn bản theo kiểu chữa cháy như vậy.

Sự việc cũng tương tự đối với những lùm xùm xung quanh sự quá tải của chương trình lớp 1 mới cũng như những hạt sạn của Tiếng Việt lớp 1 của nhóm Cánh Diều. Như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận xét, sách Tiếng Việt lớp 1 nếu khi mới nộp cho Hội đồng Thẩm định được đưa lên mạng để các chuyên gia, giáo viên, phụ huynh cùng góp ý ngay từ đầu sẽ chắc chắn bớt những hạt sạn đáng tiếc.
Cũng như vậy, giá như Bộ GD&ĐT, mà cụ thể ở đây là lãnh đạo Bộ cẩn trọng hơn trong lựa chọn, thành lập Hội đồng Thẩm định sách giáo khoa, chương trình đổi mới, ban hành những quy định chặt chẽ, khoa học về việc tham gia viết sách và đặc biệt là quy trình thực nghiệm được làm chặt chẽ chứ không phải theo kiểu vừa đá bóng vừa thổi còi như với nhóm Cánh Diều thì đã không xảy ra những chuyện đáng buồn như vừa rồi.
Chắc chắn trước yêu cầu của công luận và dư luận, theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ GD&ĐT sẽ có biện pháp sửa chữa, điều chỉnh, khắc phục những vấn đề nêu trên. Tuy nhiên, đây cũng là bài học mà Bộ GD&ĐT cần quan tâm để tránh phải ra những văn bản theo kiểu chữa cháy khi sự việc không hay đã xảy ra.