Cứ rớt giá là… giải cứu
Mới đây, cây củ cải rớt giá thảm hại, có thời điểm chỉ còn chưa tới 1.000 đồng/kg, khiến nhiều hộ sản xuất xã Tráng Việt, huyện Mê Linh (Hà Nội) thất thu khoảng 2 - 3 triệu đồng/sào. Người nông dân phải ngậm ngùi thuê nhân công, phương tiện thu hoạch, đổ bỏ để chuẩn bị cho vụ canh tác mới… Những vụ nông sản rớt giá không chỉ khiến bà con nông dân khắp nơi điêu đứng, mà còn khiến tốc độ phát triển chung của ngành nông nghiệp giảm sút. Còn nhớ trước đó, hồi đầu năm 2017, Trung Quốc - thị trường nhập khẩu chuối lớn nhất của tỉnh Đồng Nai bất ngờ dừng thu mua khiến loại trái cây này rớt giá thảm hại. Nhiều nơi, giá chuối giảm chỉ còn 1.000 - 2.000 đồng/kg. Giá chạm đáy, nhưng thương lái vẫn không mua khiến 10.000 tấn chuối bị tồn đọng trong Nhân dân, buộc các nhà chức trách tỉnh này phát động chiến dịch “giải cứu” chuối cho bà con.Giữa tháng 3/2017, những cánh đồng cà chua ở tỉnh Hưng Yên chín đỏ ruộng. Được mùa, nhưng bà con vẫn không vui do không có người mua. Giá cà chua có thời điểm xuống chỉ còn khoảng 1.000 đồng/kg, nhưng vẫn không thoát cảnh ế ẩm. Cực chẳng đã, nhiều nông dân phải phá bỏ để trồng cây khác. Một tháng sau (tháng 4/2017), hàng ngàn nông dân tỉnh Quảng Ngãi đứng ngồi không yên, khi vụ thu hoạch dưa hấu tới nhưng không có thương lái thu mua. Giá dưa hấu có thời điểm chỉ còn chưa tới 1.000 đồng/kg. Một chiến dịch “giải cứu” dưa hấu lớn nhất từ trước đến nay đã được phát động trên khắp cả nước.
Đừng chỉ là giải pháp tình thếThực tế cho thấy, cứ mỗi khi nông sản rớt giá, giải pháp thuộc nhóm đầu được các đơn vị chức năng đưa ra lại là… “giải cứu”. Hiệu quả hỗ trợ bước đầu dành cho người nông dân là điều không cần bàn cãi. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là câu chuyện “giải cứu” này sẽ còn tiếp diễn đến khi nào? Để chấm dứt tình trạng này, việc xây dựng quy hoạch sản xuất phù hợp gắn với phát triển theo chuỗi được xem là hướng đi quan trọng.Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT Nguyễn Hồng Sơn cho hay, mặc dù Nhà nước đã có quy hoạch, trong đó có tính đến yếu tố cung cầu và thị trường. Tuy nhiên, việc kiểm soát thực hiện quy hoạch không dễ. Nguyên nhân là bởi số lượng hộ nông dân tham gia sản xuất nhỏ lẻ quá lớn khiến việc điều tiết thị trường gặp khó khăn. Theo đó, để tránh tình trạng nông sản sản xuất ồ ạt, người nông dân phải có kiến thức về thị trường. Cũng theo ông Sơn, vai trò định hướng sản xuất của chính quyền các địa phương là rất quan trọng. “Các cấp, ban, ngành cần thường xuyên hướng dẫn bà con nông dân bố trí thời vụ trồng hợp lý để tránh hiện tượng thu hoạch ồ ạt khiến giá nông sản giảm…” - ông Sơn nhấn mạnh.Dẫn chứng từ vụ giá thịt lợn giảm sâu khiến ngành nông nghiệp phải tiến hành “giải cứu” trong năm 2017, trong khi các hộ chăn nuôi lợn theo chuỗi vẫn “sống khỏe” thì các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ lại điêu đứng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho rằng: Ổn định đầu ra thông qua xây dựng và phát triển những chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản là giải pháp cấp thiết. Theo đó, thời gian tới, TP sẽ đẩy mạnh liên kết giữa các DN và người nông dân trong bao tiêu sản phẩm đầu ra. Đồng thời, quy hoạch lại vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, bảo đảm cân bằng cung - cầu nông sản cho thị trường.
Cùng với bài toán quy hoạch và liên kết trong sản xuất, việc thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp là giải pháp cần được tính tới. Ví như người nông dân xã Tráng Việt, huyện Mê Linh có kiến thức và trang thiết bị bảo quản chế biến, có lẽ chúng ta đã không cần tổ chức “giải cứu” củ cải. Đầu tư vào công nghệ cao, trong đó có cơ giới hóa sau thu hoạch cũng được xem là giải pháp nâng cao giá trị và sức cạnh tranh cho nông sản Việt. TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN&PTNT). |