Sau 1 tuần diễn ra với chuỗi nhiều hoạt động rất sôi động và nhiều ý nghĩa, Ngày hội Văn hóa - Du lịch, Lễ hội Dạ cổ Hoài lang năm 2022 đã khép lại, để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp, khó quên trong lòng người dân, du khách, bạn bè trong và ngoài nước.
Phát biểu tại lễ bế mạc, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu ông Phạm Văn Thiều cho rằng: Thành công lớn nhất của chuỗi sự kiện, đó là đạt được nhiều kết quả rất quan trọng tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2022 với chủ đề “Bạc Liêu - Tiềm năng và khát vọng phát triển.” Hội nghị đã thu hút gần 500 đại biểu doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tại hội nghị, 13 dự án đã được trao chủ trương đầu tư với tổng số vốn gần 17 nghìn tỷ đồng. Có 9 nhà đầu tư đã đăng ký nghiên cứu, khảo sát để hoàn thiện thủ tục đề xuất 14 dự án với tổng vốn đăng ký trên 166 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, tỉnh đã công bố danh mục 195 dự án mời gọi đầu tư trên tất cả các lĩnh vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch, nông nghiệp, y tế, giáo dục... Đây là nền tảng, tiền đề để Bạc Liêu bứt phá vươn lên nhằm đảm bảo hoàn thành mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 trở thành tỉnh khá của khu vực ĐBSCL.
Lễ hội đã thu hút sự tham dự của hơn 20.000 người dân địa phương, du khách trong và ngoài tỉnh tham quan mua sắm. Qua lễ hội, Bạc Liêu là địa phương đầu tiên của ĐBSCL trở thành nơi “Hội tụ tinh hoa di sản văn hóa đại diện các vùng miền”, với sự góp mặt của hơn 300 nghệ sĩ, nghệ nhân của nhiều loại hình di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia hoặc đã được UNESCO vinh danh. Bao gồm: Ca Trù đến từ thành phố Hà Nội; Dân ca Quan họ đến từ Bắc Ninh; Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ đến từ Quảng Nam và Phú Yên; Không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên đến từ Gia Lai; các di sản văn hóa của đồng bào Khmer đến từ tỉnh Sóc Trăng; 02 loại hình nghệ thuật Hát chèo và Hát xẩm của tỉnh kết nghĩa Ninh Bình. Tất cả hòa điệu với Không gian Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ, tạo nên không khí mang đậm giá trị nhân văn, thể hiện sự giao thoa bản sắc văn hóa dân tộc.
Đặc biệt, nhiều sự kiện liên kết vùng, liên vùng; hợp tác phát triển kinh tế - xã hội; quảng bá thương hiệu; hình ảnh quê hương Bạc Liêu đã thu hút sự quan tâm của hàng chục ngàn người dân tham quan mua sắm. Qua đó giới thiệu sản phẩm du lịch với sự tham gia của 19 tỉnh, thành phố ĐBSCL và Đông Nam Bộ; Hội chợ Công nghiệp, Thương mại, Du lịch và sản phẩm OCOP với 250 gian hàng của nhiều tỉnh, thành, doanh nghiệp trong cả nước; Hội nghị “Kết nối cung - cầu hàng hóa giữa tỉnh Bạc Liêu và các tỉnh, thành phố năm 2022”; Ngày Hội tôm và muối Bạc Liêu với điểm nhấn là xác lập kỷ lục Việt Nam chế biến 122 món ăn từ tôm và muối; Hội thảo khoa học Giải pháp phát triển chuỗi giá trị ngành tôm và muối Bạc Liêu…
Ngoài các sự kiện nêu trên, Ngày hội cũng đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, du lịch, giải trí được đông đảo nhân dân, nghệ nhân, nghệ sĩ, báo chí và du khách quan tâm ủng hộ và tham gia như: Cuộc thi tiếng tiếng hát người làm báo khu vực phía Nam với chủ đề “Âm vang vọng cổ”; tổ chức thành công Đoàn khảo sát sản phẩm du lịch mới với sự tham gia của hơn 200 doanh nghiệp đến từ TP.HCM, ĐBSCL và Đông Nam Bộ với nhiều hiệu ứng tích cực, qua đó góp phần tăng cường liên kết tua/tuyến du lịch đến Bạc Liêu; tổ chức Hội thảo Phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn các giá trị di sản văn hóa đồng bào dân tộc Khmer, kết hợp công nhận Chùa Xiêm Cán là điểm du lịch tiêu biểu ĐBSCL; Liên hoan Nhạc Ngũ âm và múa dân gian Khmer; Liên hoan Đờn ca tài tử tỉnh Bạc Liêu.
Chỉ riêng tuần lễ hội, lượng khách đến Bạc Liêu tăng gấp hơn 10 lần so với những ngày bình thường, đạt khoảng 50.000 lượt khách đến tham quan. Trong đó có trên 5.000 lượt khách sử dụng dịch vụ lưu trú.
Trước khi bế mạc, hàng ngàn người dân tham dự còn được mãn nhãn với Chương trình nghệ thuật sân khấu thực cảnh, với chủ đề “Âm vang dạ cổ” do Đoàn Cải lương Cao Văn Lầu trình diễn các trích đoạn cải lương nổi tiếng.