Có thể nói rằng, nhiều năm qua, Tổng LĐLĐ Việt Nam và các cấp công đoàn đã rất tích cực tham gia xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật, tổ chức đối thoại và nâng cao hiệu quả thương lượng, ký kết, thực hiện thỏa ước lao động tập thể trong DN...
Hoạt động đã bớt hình thức hay những con số mang tính thành tích, mà theo sát người lao động trong việc làm, thu nhập, mọi mặt đời sống. Đặc biệt, bất kể hoạt động nào cũng quan tâm để người lao động tiếp cận được tất cả cơ chế chính sách mình được thụ hưởng; để họ hiểu và tự bảo vệ mình và quan trọng nhất là làm đúng luật.
Thật đáng mừng khi người lao động đã tin tưởng vào công đoàn, coi tổ chức công đoàn là “người bạn đồng hành”. Thực tế cho thấy, rất nhiều hoạt động của công đoàn đã gắn chặt với đời sống đoàn viên, người lao động, từ các phong trào thi đua như lao động giỏi, sáng kiến, sáng tạo để thúc đẩy hoạt động sản xuất…, đến các hoạt động chăm lo đời sống vật chất và tinh thần đã trở thành “thương hiệu”, mang đậm dấu ấn công đoàn như "Tết sum vầy - Xuân gắn kết", mái ấm công đoàn...
Đặc biệt trong những thời điểm khó khăn do dịch bệnh, công đoàn các cấp đã trở thành chỗ dựa, đồng hành để giúp người lao động vơi bớt nhọc nhằn. Nhưng nói như thế không phải mọi kết quả đều toàn diện.
Thực tế, tại không ít nơi, tình trạng đình công vẫn diễn ra, rồi những mâu thuẫn mới phát sinh như tranh chấp lao động, tiền lương, giờ làm việc, điều kiện sinh hoạt của công nhân… đã trở thành những “điểm nóng” khiến dư luận chú ý.
Khởi nguồn của những điều đó phần nhiều là do tình trạng vi phạm pháp luật về lao động vẫn còn, trong khi vai trò của công đoàn ở một số nơi, đặc biệt tại các DN lại chưa rõ nét. Hơn thế nữa, một “khoảng trống” chưa thể lấp đầy, khi vần còn DN khu vực ngoài Nhà nước thiếu tổ chức công đoàn.
Trước thực tế lực lượng công nhân ngày càng khẳng định vai trò, vị trí của mình trong sự phát triển kinh tế - xã hội, yêu cầu của đoàn viên đối với tổ chức công đoàn ngày càng cao, những mâu thuẫn phát sinh trong quan hệ lao động cũng nhiều hơn và hơn hết là yêu cầu hội nhập, đòi hỏi công đoàn phải đồng hành hơn nữa, thấu hiểu hơn nữa trong bảo vệ quyền lợi của người lao động.
Một trong những vấn đề vẫn tiếp tục đặt ra là làm sao để cả người sử dụng lao động và người lao động thấy được vai trò của công đoàn, để công đoàn thể hiện rõ nét hơn tiếng nói của mình.
Với chặng đường 95 năm trưởng thành và không ít giá trị vững bền đã được khẳng định, những người lao động vẫn hy vọng rằng, trong một chặng đường mới, trước những thách thức mới, tổ chức công đoàn và những người làm công tác công đoàn tiếp tục đổi mới mình hơn nữa để thích ứng, để thực hiện vai trò đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động; để kịp thời có tiếng nói giải quyết tận gốc những mẫu thuẫn trong quan hệ lao động phát sinh.
Hoạt động công đoàn có trọng tâm, trọng điểm hơn, giảm bớt các hoạt động bề nổi, hướng hoạt động vào các nhiệm vụ cốt lõi như công tác đối thoại xã hội, thương lượng tập thể, chương trình phúc lợi đoàn viên... Đây cũng là một tâm tư lớn của hàng trăm triệu cán bộ viên chức, người lao động gửi tới tổ chức công đoàn Việt Nam các cấp vào dịp kỷ niệm ngày thành lập.