Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Đề xuất phổ cập giáo dục mầm non

Để mọi trẻ em được đến trường

Kinhtedothi - Bộ GD&ĐT vừa công bố dự thảo Nghị quyết Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 3-5 tuổi để lấy ý kiến Nhân dân. Theo đó, Bộ này đề xuất chi trên 91.000 tỷ đồng để huy động trẻ 3 - 5 tuổi đến trường, áp dụng trên toàn quốc, mục tiêu là 100% tỉnh, thành đạt được vào năm 2030.

Một chính sách nhân văn

Theo thống kê, hàng năm, có trên 5,1 triệu trẻ mầm non được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục tại khoảng 15.000 trường và 17.000 cơ sở giáo dục mầm non độc lập. Trong số này, 4,5 triệu trẻ trong độ tuổi 3-5; tỷ lệ huy động ở nhóm nhà trẻ (3 - 36 tháng tuổi) đạt 34,6%, mẫu giáo (3 -5 tuổi) đạt 93,6%. Cả nước vẫn còn gần 300.000 trẻ em mẫu giáo (3 - 5 tuổi) chưa được đến trường, tập trung tại những nơi khó khăn, đặc biệt khó khăn, vùng cao, miền núi, biên giới, hải đảo, nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số. Tỷ lệ phòng học kiên cố mới đạt 84,8%, còn 0,5% phòng học tạm và học nhờ/mượn gần 3.000 phòng. Riêng đối với các trường mầm non công lập, tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 76,6%, các địa phương bố trí gần trên 2.500 phòng học nhờ. Giáo viên đạt 1,87 giáo viên/lớp.

Giờ học của các cháu Trường Mầm non Thanh Xuân, quận Thanh Xuân. Ảnh: Thanh Hải

Để bảo đảm trẻ em được chăm sóc, nuôi dưỡng, phát triển toàn diện, phát huy tốt nhất tiềm năng của bản thân, bình đẳng về cơ hội học tập và giáo dục, Bộ GD&ĐT đã xây dựng dự thảo nghị quyết đề xuất quy định thực hiện phổ cập giáo dục mầm non đối với trẻ mẫu giáo từ 3 - 5 tuổi và cơ chế, chính sách để thực hiện nội dung này; phấn đấu 100% các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư được công nhận đạt chuẩn về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo vào năm 2030 (mức độ 1), đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non đúng độ tuổi cho trẻ em mẫu giáo (mức độ 2) vào năm 2035.

Tại dự thảo, có 3 nhóm giải pháp để thực hiện mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo 3 - 5 tuổi. Nhóm thứ nhất là các chính sách hỗ trợ cho trẻ. Bộ đề xuất hỗ trợ chi phí học tập, hỗ trợ ăn trưa cho trẻ 3 - 5 tuổi khi đến trường; bổ sung đối tượng trẻ em đang học tại các cơ sở giáo dục mầm non thuộc loại hình dân lập, tư thục (được cấp phép) có cha hoặc mẹ hoặc người chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em hợp pháp là công nhân, người lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp (có hợp đồng lao động).

Nhóm thứ hai là các chính sách dành cho nhà giáo. Theo đó, giáo viên mầm non công lập được tuyển dụng từ năm học 2025 - 2026 được hưởng trợ cấp thu hút, chi trả một lần tối thiểu bằng 12 tháng lương cơ sở. Người được tuyển dụng phải cam kết công tác ít nhất 5 năm. Cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên tại cơ sở giáo dục mầm non (không gồm cơ sở liên kết đào tạo với nước ngoài hoặc vốn đầu tư nước ngoài) cũng được hỗ trợ kinh phí để thực hiện nhiệm vụ phổ cập.

Trích dẫn
Trích dẫn 1
Các nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng, trẻ em học qua mầm non có thể tăng thu nhập cho bản thân gấp 8 lần trẻ em không qua bậc học mầm non. Hội đồng Cố vấn kinh tế của Tổng thống Mỹ đã chứng minh 1 USD đầu tư cho giáo dục 1 trẻ em ở giai đoạn đầu đời có chất lượng sẽ phát sinh lợi nhuận tích lũy là 8,6 USD khi đứa trẻ đó trưởng thành.
Theo The Economic of Early Childhood Investments, USA 2015

Nhóm giải pháp thứ ba là đầu tư phát triển mạng lưới trường, lớp, đáp ứng yêu cầu phổ cập, trong đó ưu tiên vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số và miền núi, biên giới, bãi ngang ven biển, hải đảo.

Theo dự thảo, tổng kinh phí thực hiện là hơn 91.000 tỷ đồng, từ năm 2026 đến năm 2035. Số này gồm ngân sách Nhà nước, xã hội hóa và các nguồn huy động hợp pháp khác. Dự thảo sẽ được trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 7 năm nay.

Nhưng cần cụ thể hơn

Theo một chuyên gia giáo dục của Hà Nội, để phổ cập giáo dục mầm non đối với trẻ mẫu giáo 3 – 5 tuổi cần 3 điều kiện tiên quyết gồm: bản thân đứa trẻ, đội ngũ, cơ sở vật chất thì dự thảo nghị quyết của Bộ GD&ĐT đã đề cập và giải quyết cả 3 vấn đề trên. Đây là chủ trương rất đúng đắn, nhân văn, mở rộng đối tượng trẻ được phổ cập giáo dục, tạo điều kiện để tất cả trẻ đến trường để được chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trong điều kiện tốt nhất. Cùng với đó, chính sách cho giáo viên mầm non cũng được nâng lên, cơ sở vật chất trường lớp được quan tâm trang bị. Thêm nữa, chính sách không phân biệt trẻ em học tư thục hay công lập, điều này bảo đảm công bằng cho mọi trẻ em.

Góp ý với dự thảo nghị quyết về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo 3 - 5 tuổi, các chuyên gia giáo dục mầm non cho rằng, cần bổ sung quy định trong việc hỗ trợ giáo viên, thu hút đội ngũ và giữ chân nhân sự làm việc trong ngành mầm non như cho phép nghỉ hưu trước tuổi nhưng được hưởng nguyên lương, tăng hệ số lương của giáo viên mầm non.

Theo nhà giáo Vũ Ngọc Dự - Hiệu trưởng Trường Mầm non Ánh Sao (quận Cầu Giấy, Hà Nội), những đề xuất tại dự thảo nghị định phổ cập giáo dục cho trẻ mẫu giáo 3 - 5 tuổi rất đúng đắn, nhân văn, giúp thu hút giáo viên vào ngành mầm non, cải thiện đời sống giáo viên, để giáo viên yên tâm cống hiến nhưng cần có cơ chế rõ ràng, chi tiết hơn về mức hỗ trợ theo từng vùng. “Đặc thù của ngành giáo dục mầm non thực hiện cùng lúc 3 nhiệm vụ: nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ; trong đó nhiệm vụ nuôi dưỡng, chăm sóc có vai trò quan trọng hơn.

Trong các danh mục vị trí việc làm tại cấp học mầm non có vị trí nhân viên nuôi dưỡng. Họ làm việc vô cùng vất vả nhưng chế độ đãi ngộ chưa phù hợp khi lương thấp, không có phụ cấp nghề. Chúng tôi mong rằng, trong nghị quyết tới đây, Nhà nước quan tâm và có cơ chế hỗ trợ đối với nhân viên nuôi dưỡng” - Hiệu trưởng Trường Mầm non Ánh Sao đề xuất.

Chủ cơ sở mầm non độc lập Sao Mai (huyện Mê Linh, Hà Nội) Lê Thị Phương Thảo cho biết: “Hiện cơ sở chúng tôi được hưởng nhiều chính sách, như: hỗ trợ học phí cho trẻ 5 tuổi (bằng mức học phí trường công lập), hỗ trợ tiền ăn 240.000 đồng/tháng/trẻ; hỗ trợ cơ sở vật chất 40 triệu đồng/cơ sở/năm. Tới đây, nếu tiến tới mở rộng đối tượng hỗ trợ học phí cho trẻ 3 – 5 tuổi; có chính sách thu hút giáo viên mầm non, trang bị cơ sở vật chất tốt hơn cho các cơ sở mầm non… thì đó là những chính sách tuyệt vời, giúp phụ huynh giảm áp lực, yên tâm công tác; trẻ và giáo viên có điều kiện học tập, làm việc tốt hơn, qua đó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục”.

Nội dung đề xuất và mức kinh phí để thực hiện chính sách theo dự thảo Nghị quyết phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 3 - 5 tuổi về cơ bản tạo được sự đồng thuận rất lớn trong xã hội. Nếu Nghị quyết được thông qua, 100% trẻ em mẫu giáo 3 - 5 tuổi được phổ cập, đó sẽ là nền móng vững chắc cho sự phát triển toàn diện con người Việt Nam.

Trích dẫn
Trích dẫn 2

Tại Hà Nội, thực hiện quy định tại Nghị định 105/2020/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách phát triển giáo dục mầm non, Sở GD&ĐT Hà Nội đã tham mưu HĐND TP ban hành 3 nghị quyết về giáo dục, đó là: 08/2020/NQ- HĐND, 07/2021/NQ-HĐND, 03/2024/NQ-HĐND. Trong nội dung các nghị quyết này có quy định mức hỗ trợ nhân lực tổ chức nấu ăn cho trẻ em mầm non tại các cơ sở giáo dục mầm non công lập ở xã thuộc vùng khó khăn; hỗ trợ đối với trẻ em đang học tại các cơ sở giáo dục mầm non thuộc loại hình dân lập, tư thục; hỗ trợ đối với giáo viên mầm non đang làm việc tại cơ sở giáo dục mầm non thuộc loại hình dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp…

Quản lý nhà nước về giáo dục khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp

Quản lý nhà nước về giáo dục khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp

Bệ phóng cho giáo dục Thủ đô

Bệ phóng cho giáo dục Thủ đô

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ