Để người dân bớt lo

Đoàn Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những vụ ngộ độc, tử vong do rượu liên tiếp xảy ra trong thời gian ngắn trên địa bàn Hà Nội khiến người dân vô cùng lo sợ, ngành chức năng giật mình.

Đã có những cuộc họp khẩn từ cấp TP đến các đơn vị sở, ngành với một quyết tâm cao: Kiểm soát chặt việc sản xuất, buôn bán, kinh doanh và sử dụng rượu trên địa bàn.
 Các bệnh nhân đang được cấp cứu tại BV Bạch Mai 
Có thể nói, trên thị trường hiện nay có hàng trăm sản phẩm rượu với đủ nhãn mác khác nhau. Bên cạnh đó, nhiều loại rượu không nhãn mác được gọi là rượu quê, rượu ngâm, rượu nút lá chuối hay “quốc lủi”… được bày bán tràn lan, gần như không hề được kiểm soát. Hàng loạt vụ ngộ độc rượu cùng những cái chết thương tâm, bắt nguồn từ sự thiếu hiểu biết của người dân. Tuy nhiên, không hiếm những trường hợp biết rượu tự nấu pha cồn, không an toàn nhưng vẫn uống như một thói quen khó bỏ.
Theo qui định, bất kỳ một sản phẩm nào lưu thông trên thị trường đều phải được quản lý, người sản xuất được cấp phép và sản phẩm phải có xuất xứ rõ ràng. Tuy nhiên đối với mặt hàng rượu, bấy lâu nay đang bị buông lỏng quản lý. Bởi vậy, vi phạm vẫn tràn lan, từ các vùng quê đến chốn thị thành, từ quán ăn bình dân đến nhà hàng sang trọng, đâu đâu cũng vô tư bán rượu không rõ nguồn gốc, không được kiểm soát chất lượng. Theo thống kê của Hiệp hội bia rượu và nước giải khát Việt Nam, rượu tự nấu thủ công chiếm tới 70% thị phần trong nước.
Nhiều ý kiến cho rằng, quản lý sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ rượu truyền thống là một việc không dễ. Dù Nghị định quản lý rượu, được ban hành lâu nay nhưng khi đi vào cuộc sống, gần như không phát huy hiệu quả. Nhiều người nấu rượu lậu, kinh doanh rượu giả mà không hề hay biết gì về quy định, nghị định của Chính phủ, các cơ quan chức năng cũng khó bề kiểm soát. Từ vụ 6 người tử vong do ngộ độc “rượu nếp 29 Hà Nội” cách đây vài năm, đến vụ ngộ độc hàng loạt mới đây ở Lai Châu, và nay, 25 trường hợp ngộ độc, 3 trường hợp tử vong tại Hà Nội, một lần nữa đặt ra câu hỏi về quản lý mặt hàng thuộc diện bị hạn chế mua bán này. Dù sản phẩm rượu hiện có tới 4 cơ quan chức năng quản lý (Kế hoạch và Đầu tư; Công Thương; KH&CN; Y tế) nhưng rượu độc vẫn “lọt lưới”, bày bán nhan nhản trên thị trường.
Sau những vụ ngộ độc thương tâm, để kiểm soát chặt chất lượng rượu, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã yêu cầu các sở, ngành chức năng và chính quyền địa phương quản lý chặt, xử lý nghiêm, kiên quyết không để rượu không rõ nguồn gốc, kém chất lượng lưu thông trên thị trường. Chính quyền xã, phường, quận, huyện kiểm soát chặt từ quán ăn bình dân đến bếp ăn tập thể, từ kiểm soát công nhân ở công trình xây dựng đến các nhà hàng tổ chức tiệc cưới… Bên cạnh đó, rà soát tất cả các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn nhằm không để hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng đầu độc người tiêu dùng. Trường hợp công an TP hay lực lượng quản lý thị trường phát hiện rượu không rõ nguồn gốc từ địa phương khác tuồn vào Hà Nội phải xử lý nghiêm. Ngoài ra, Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền phòng chống ngộ độc rượu methanol để dân biết, dân đề phòng và nói không với rượu không nhãn mác.
TP cũng đã quy định rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm trong quản lý rượu. Hy vọng, với những quyết tâm cao của lãnh đạo TP cũng như sự vào cuộc của ngành chức năng và chính quyền địa phương, Hà Nội sẽ giảm dần và chấm dứt các vụ ngộ độc, tử vong do rượu trên địa bàn. Để mỗi người dân không phải lo ngay ngáy mỗi lần nâng chén rượu lên. 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần