Để nhà đầu tư ngoại không thờ ơ với IPO

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một loạt doanh nghiệp nhà nước (DNNN) được coi là "Hàng Việt Nam chất lượng cao" đang chuẩn bị cổ phần hóa (CPH) như MobiFone, Vietnam Airlines… có thể rơi vào cảnh ế ẩm cổ phiếu nếu không đặt yếu tố thu hút nhà đầu tư (NĐT) chiến lược ở vị trí quan trọng.

Để đẩy nhanh quá trình CPH và thoái vốn thành công, DN cần có tầm nhìn "thoáng" về vai trò của vốn ngoại.

Khó thu hút nếu vẫn “bình mới, rượu cũ”

Lâu nay, quá trình CPH bị chững lại. Nguyên nhân ngoài việc khó khăn của thị trường còn do trong quá trình CPH của các DNNN không tạo ra sức hút các cổ đông chiến lược.

Thực tế, từ trước đến nay, DNNN bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) và chuyển đổi mô hình hoạt động chủ yếu theo cách thức chào bán cho cả NĐT ngoại lẫn nội một tỷ lệ nhỏ từ 5 - 25%. Với lượng cổ phiếu bán ra thấp như vậy, khả năng thu hút NĐT chiến lược nước ngoài  không cao. Với lộ trình thoái vốn cũng tương tự, một số DNNN lớn đã thất bại trong nỗ lực thoái vốn, bán cổ phần tại các công ty thành viên, công ty liên kết. Chẳng hạn EVN, Handico, Vinaconex mặc dù đã tiến hành thoái vốn nhưng chưa thể bán được cổ phần trong ngân hàng, công ty tài chính, khiến tiến trình thoái vốn ngoài ngành bị chậm lại.

 
Khi tiến hành cổ phần hóa, cổ phiếu của MobiFone được dự báo sẽ thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư ngoại.    Ảnh: Anh Dũng
Khi tiến hành cổ phần hóa, cổ phiếu của MobiFone được dự báo sẽ thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư ngoại. Ảnh: Anh Dũng
 
Theo các chuyên gia kinh tế, có tình trạng này là do cơ chế và các quy định hiện hành không khuyến khích NĐT chiến lược tham gia. Về phía NĐT, họ muốn tham gia với tỷ lệ cổ phần đủ lớn để có thể cử đại diện tham gia HĐQT, từ đó đồng hành cùng DN thay đổi phương thức quản trị, cải tiến hoạt động. Thế nhưng, với quy mô của DN Việt Nam hiện nay, tỷ lệ này ít nhất cũng chiếm 10%, trong khi việc tham gia mua cổ phần qua đấu giá lại không đảm bảo để NĐT mua được tỷ lệ như vậy. Ngoài ra, hầu hết các DN không coi trọng NĐT chiến lược mà đánh đồng họ với NĐT nhỏ lẻ để áp giá khởi điểm và yêu cầu họ bỏ phiếu tham gia đấu giá. Điều này không khuyến khích họ đầu tư vào DN.Có thể thấy, phần lớn các DNNN lớn đã CPH vẫn trong cảnh "bình mới, rượu cũ" bởi những DN này hoạt động không có gì khác trước: Vẫn bộ máy lãnh đạo cũ, cơ chế hoạt động như cũ. Những NĐT chiến lược không thể tham gia vào DN bởi quy định áp đặt DN phải IPO và lấy kết quả đó làm cơ sở đàm phán chuyện bán cổ phần cho NĐT chiến lược.

Phải chủ động tạo sức hút

Với những DN được coi là "Hàng Việt Nam chất lượng cao" trên thị trường vốn như MobiFone, có không ít Tập đoàn Viễn thông quốc tế chờ đợi DN này CPH. Đại diện Tập đoàn Comvik (Thụy Điển) đã nhiều lần nêu vấn đề này với Chính phủ Việt Nam, thậm chí còn đưa vấn đề này lên bàn nghị sự của Phái đoàn EU tại Việt Nam để thúc giục khả năng tham gia của họ vào DN. 

Tuy nhiên, nếu những DN này không có một cơ chế thay đổi về việc IPO, khả năng "ế hàng", thậm chí bị dìm giá cổ phiếu để sau đó khó tìm được NĐT chiến lược trong bối cảnh hiện nay hoàn toàn có thể xảy ra. Theo ông Nguyễn Đình Cung - quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế T.Ư:  Nhà nước nên xem xét phương án cho DN đàm phán bán cổ phiếu cho đối tác nước ngoài với khối lượng lớn trước khi bán cổ phiếu đại trà. Việc DN có NĐT uy tín tham gia sẽ khuyến khích các NĐT khác mua cổ phiếu khi được chào bán rộng rãi ra công chúng thông qua đấu giá.

Nhiều NĐT có chung ý kiến, DN nên để NĐT sở hữu ít nhất 5% vốn, khi đó, tiếng nói của cổ đông mới có trọng lượng tại DN. Có như vậy là do đầu tư tài chính đơn thuần bằng việc mua đi bán lại cổ phần không còn là xu hướng đầu tư vốn trên thị trường Việt Nam vì rủi ro biến động thị trường rất lớn. Bỏ vốn vào DN, giám sát và tạo ra sự chuyển biến trong hoạt động của DN sẽ là cách thức phổ biến hơn. 

Rõ ràng, khi "khẩu vị" của NĐT thay đổi, nếu cơ chế không đáp ứng theo, việc IPO “ế hàng”, thậm chí cả hàng tốt cũng sẽ khó tránh khỏi. Những điều trên cho thấy, để thu hút vốn đầu tư nước ngoài, DN cần nâng cao năng lực cạnh tranh và hài hòa lợi ích giữa cổ đông lớn và cổ đông nhỏ.
 
"Ngay từ khi CPH, DN cần có chiến lược kinh doanh rõ ràng, với mục tiêu tăng vốn bao nhiêu, hướng vào NĐT nào... để tìm kiếm và vận động. Một điều quan trọng hơn cả là hạn chế việc duy trì tỷ lệ cổ phần Nhà nước quá cao ở những lĩnh vực không cần nắm giữ cổ phần chi phối, thay vào đó cần thu hút NĐT chiến lược. Bên cạnh đó, giá bán cổ phần cho NĐT chiến lược không thấp hơn giá đấu thành công bình quân cũng là nguyên nhân khiến nhiều DN CPH không tìm được NĐT chiến lược. " - TS Trần Tiến Cường - Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế T.Ư