Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Để niềm vui được trọn vẹn

Lê Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Như vậy, sau hơn 4 năm thi công, vượt nhiều khó khăn do Đại dịch Covid-19, một con đường đẹp, hiện đại, êm thuận dần hiển hiện trước mắt người dân TP.

Đường vành đai 2 trên cao đoạn từ Ngã Tư Vọng tới cầu Vĩnh Tuy sắp hoàn thiện.
Đường vành đai 2 trên cao đoạn từ Ngã Tư Vọng tới cầu Vĩnh Tuy sắp hoàn thiện.

Những ngày này, các phương tiện thông tin đại chúng liên tục đưa tin vui: Đường Vành đai 2 trên cao đoạn Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở bao gồm cả tuyến đường bộ trên cao và phần mở rộng dưới thấp đang hoàn thiện những phần việc cuối cùng và sẽ được bàn giao cho TP Hà Nội quản lý trong tháng 12 tới.

Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 9.400 tỷ đồng, được khởi công từ năm 2018, có chiều dài hơn 5km, điểm đầu tiếp giáp phía nam cầu Vĩnh Tuy, điểm cuối tiếp giáp với nút giao Ngã Tư Sở; phần dưới thấp dài trên 3km, điểm đầu kết nối với cầu Vĩnh Tuy, điểm cuối tại nút giao Ngã Tư Vọng.

Dự án nói trên một trong những công trình trọng điểm của Thủ đô, nối liền ba quận trung tâm Đống Đa, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng. Khi dự án hoàn thành và đi vào vận hành sẽ giúp thay đổi bộ mặt tuyến Vành đai 2 tại khu vực này, giảm ùn tắc giao thông cho đường Trường Chinh, Đại La, Minh Khai..., giải quyết vấn đề về quá tải hạ tầng cho khu vực, góp phần hoàn thiện quy hoạch giao thông của Hà Nội.

Như vậy, sau hơn 4 năm thi công, vượt nhiều khó khăn do Đại dịch Covid-19, một con đường đẹp, hiện đại, êm thuận dần hiển hiện trước mắt người dân TP.

Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui, vẫn còn đó nỗi lo. Những người thường qua lại tuyến đường này hẳn còn nhớ niềm vui cách đây hơn 2 năm, khi tuyến cầu cạn từ Ngã Tư Sở đến Ngã Tư Vọng (dọc đường Trường Chinh), dài gần 2km được đưa vào sử dụng. Đoạn cầu này là một phần của dự án Vành đai 2 trên cao, dài 5km từ nút giao Ngã Tư Sở đến điểm tiếp giáp phía Nam cầu Vĩnh Tuy.

Khi ấy, đoạn đường Trường Chinh vốn hay bị ùn tắc trong giờ cao điểm trở nên thông thoáng, êm thuận. Song một vướng mắc lại nảy sinh. Trong khi tình hình giao thông trên đường Trường Chinh được cải thiện rõ rệt, tình trạng ùn tắc hầu như được giải quyết dứt điểm thì Ngã Tư Sở lại trở thành một điểm nút thường xuyên tắc nghẽn, dù trước đó tình trạng này đã được khắc phục nhờ có cây cầu vượt cho các phương tiện theo hướng Nguyễn Trãi - Tây Sơn và ngược lại.

Nguyên nhân chính của tình trạng ùn tắc trên không khó nhận diện. Đó là bởi số lượng phương tiện, đặc biệt là ô tô sau khi di chuyển thuận lợi ở đoạn đường trên cao với tốc độ tối đa cho phép là 80km/h, gặp nút giao thông với mật độ cao là Ngã Tư Sở thì dồn ứ lại.

Trước thực trạng đó, Sở Giao thông - Vận tải, Công An TP đã nghiên cứu, áp dụng nhiều biện pháp khắc phục như phân luồng giao thông, điều chỉnh chu kỳ đèn tín hiệu… nên tình trạng quá tải trên đã bước đầu được khắc phục, dù vẫn chưa thật triệt để. Hiện nay, mỗi khi các phương tiện lưu thông theo hướng Trường Chinh đi đường Láng và ngược lại, thường cũng phải mất vài nhịp đèn mới qua được nút giao này, đặc biệt là trong các khung giờ cao điểm.

Từ thực tế trên nảy sinh một vấn đề cần tiên liệu và có định hướng giải quyết. Đó là khi toàn bộ đường Vành đai 2 trên cao từ Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở đưa vào hoạt động, chắc chắn lượng xe cơ giới đổ về nút giao Ngã Tư Sở theo hướng Trường Chinh - Láng sẽ càng tăng gấp nhiều lần. Như vậy, nguy cơ xảy ra ùn tắc ở nút giao này là khá cao.

Mặt khác, thời điểm tuyến đường này được đưa vào khai thác cũng là thời gian chuẩn bị bước sang năm mới 2023 và tiếp đó là Tết Nguyên Đán Quý Mão, lượng các phương tiện cơ giới về Hà Nội thường tăng một cách đột biến. Đó cũng là một nguyên nhân làm cho hiện tượng ùn tắc ở Ngã Tư Sở có nguy cơ xuất hiện trở lại, nhất là theo hướng từ Trường Chinh đi đường Láng và ngược lại.

Chia sẻ một nỗi lo bên niềm vui một công trình mới, hiện đại góp phần làm đẹp Thủ đô sắp được khánh thành cũng là bày tỏ mong muốn các cơ quan chức năng sẽ tìm ra giải pháp chống ùn tắc để niềm vui được trọn vẹn.