Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Để nông dân dám nghĩ, dám làm

Thiên Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - "Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh" là một trong những định hướng lớn được xác định tại Nghị quyết số 19-NQ/TW, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn cũng như của Thành ủy Hà Nội.

Dù vậy, để đạt được mục tiêu này, rất nhiều khó khăn, vướng mắc cần phải tháo gỡ, tạo sức bật cho nông dân dám nghĩ, dám làm.

Chăm sóc rau an toàn tại xã Vân Nội, huyện Đông Anh. Ảnh: Lâm Nguyễn
Chăm sóc rau an toàn tại xã Vân Nội, huyện Đông Anh. Ảnh: Lâm Nguyễn

Nhân Ngày truyền thống Hội Nông dân Việt Nam (14/10), cùng với những hoạt động kỷ niệm sôi nổi của hội viên nông dân Hà Nội cũng như cả nước, rất nhiều câu chuyện liên quan đến chính sách cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân lại được bàn thảo. Không chỉ đội ngũ cán bộ Hội Nông dân, nhiều chuyên gia, nhà quản lý cũng đau đáu nỗi niềm làm sao để hội viên bắt nhịp với đà chuyển đổi số hiện nay, tự tin trở thành những nông dân của thời đại 4.0?

Thời gian qua, nông dân Thủ đô và cả nước đã rất tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi sau dồn điền đổi thửa, mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh, nâng cao hiệu quả kinh tế. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn Hà Nội đạt 55 triệu đồng/người/năm. Bên cạnh đó, các huyện, thị xã đã thành lập và ra mắt 154 Chi hội nông dân nghề nghiệp với 3.333 hội viên tham gia; 2.327 Tổ hội nông dân nghề nghiệp với 14.984 hội viên tham gia, hỗ trợ nhau làm kinh tế giỏi, xóa đói, giảm nghèo.

Thế nhưng, thực tế người nông dân vẫn gặp phải không ít rào cản trên con đường tiến lên làm ăn lớn, sản xuất hàng hóa. Như tại cuộc đối thoại lần đầu tiên với Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng hồi cuối tháng 9 vừa qua, nông dân Thủ đô đã giãi bày nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất, tập trung vào 6 nhóm vấn đề như chính sách đất đai, khó khăn tiêu thụ nông sản, vốn ưu đãi, ứng dụng khoa học công nghệ...

Theo đó, hiện nay chính sách đất đai bất cập khi thời hạn ký hợp đồng cho thuê đất với các trang trại chỉ 5 năm, trong khi vốn đầu tư bỏ ra lớn; DN, hợp tác xã khó huy động được diện tích đất đủ lớn để đầu tư mở rộng sản xuất. Bên cạnh đó, đầu ra nông sản bấp bênh, tình trạng được mùa mất giá vẫn chưa được giải quyết dứt điểm…

Đích đến cuối cùng và quan trọng nhất của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình 04-CTr/TU của Thành ủy là nâng cao chất lượng cuộc sống Nhân dân. Trong đó, nông dân chính là chủ thể và là trung tâm của Chương trình, người tham gia, đóng góp xây dựng , thụ hưởng thành quả của nông thôn mới. Để nông dân phát huy được vai trò trung tâm, chủ thể đó, cần tháo gỡ nhiều rào cản.

Như Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh: “Không có đột phá về chính sách thì khó thay đổi bộ mặt nông thôn, nâng cao đời sống nông dân. Do đó, chúng ta phải xác định mục tiêu là xây dựng hệ thống chính sách hỗ trợ tam nông đồng bộ và vượt trội, ra tấm ra món, gắn với vùng sản xuất và có định hướng cụ thể từ TP xuống cơ sở”.

Hy vọng rằng, sau chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Hà Nội, các sở, ngành, địa phương sẽ nhanh chóng xắn tay vào cuộc, rà soát lại các quy định, cơ chế, chính sách để sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới cho phù hợp thực tiễn hiện nay. Qua đó, góp phần xây dựng người nông dân thế hệ mới với tư duy năng động sáng tạo, dámnghĩ, dám làm, có khả năng dẫn dắt đông đảo hội viên nông dân cùng làm giàu chính đáng cho gia đình, xã hội.