Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đề thi bài Khoa học xã hội: Có sự phân hóa, 25% câu hỏi dùng xét tuyển đại học

Trần Oanh - Ngọc Tú - Quang Tấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đề thi có mục đích dùng để xét tốt nghiệp THPT nhưng vẫn có 25% câu hỏi dùng để xét cho các trường đại học tuyển đại học.

Ngay sau khi buổi thi bài Khoa học xã hội, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 kết thúc, các giáo viên Tổ Xã hội - Hệ thống Giáo dục HOCMAI và Tuyensinh247 đã có nhận định đề.
Thí sinh tại điểm trường THPT Kim Liên hoàn thành bài thi sáng 10/8. Ảnh: Quang Tấn
Đối với mỗi môn thi thành phần của bài thi tổ hợp Khoa học xã hội (Địa lý, Lịch sử và Giáo dục công dân) vẫn bao gồm 40 câu hỏi với thời gian làm bài 50 phút và tuân thủ đúng cấu trúc nội dung như Bộ GD&ĐT đã công bố. Trong đó, 90% tổng số câu hỏi thuộc kiến thức lớp 12 và 10% câu hỏi thuộc lớp 11 (riêng môn Đia lý, không có câu hỏi lớp 11).
Các câu hỏi lớp 12 có nội dung chủ yếu thuộc học kỳ I, không thuộc phần đã tinh giản và bám sát đề thi tham khảo mà Bộ GD&ĐT đã công bố, đảm bảo mục tiêu của kỳ thi.
Các bài thi môn thành phần, có 75% số câu hỏi ở mức độ nhận biết và thông hiểu với nội dung rõ ràng, không lắt léo, 25% số câu hỏi còn lại ở mức độ vận dụng và vận dụng cao dùng để phân hóa cho mục tiêu xét tuyển đại học.
Đối với môn Lịch sử, đề thi có 70% câu hỏi thuộc phần Lịch sử Việt Nam và 30% câu hỏi thuộc phần Lịch sử thế giới. Phần lớn các câu hỏi thuộc kiến thức lớp 12 (90%), trong đó chuyên đề Lịch sử Việt Nam 1945 - 1954 xuất hiện nhiều câu hỏi nhất (9 câu).
75% số câu hỏi trong đề ở mức độ nhận biết - thông hiểu tập trung vào những kiến thức cơ bản, hỏi về đặc trưng của các sự kiện lịch sử hoặc nét tiêu biểu của từng giai đoạn. Đề thi có sự tương đồng với đề tham khảo lần 2, đáp ứng mục tiêu xét tốt nghiệp.
Với môn Địa lý, đề thi nằm hoàn toàn trong chương trình lớp 12 với 75% thuộc mức độ nhận biết - thông hiểu, trong đó có 14 câu hỏi sử dụng Atlat Địa lý Việt Nam (chiếm 35% tổng số câu hỏi trong đề thi). Việc có tới 14 câu hỏi sử dụng Atlat có thể coi là một lợi thế ghi điểm của thí sinh. Ngoài ra, những câu hỏi thuộc phần kiến thức chủ yếu thuộc 2 chuyên đề Địa lý vùng kinh tế và Địa lý ngành kinh tế.
25% câu hỏi còn lại trải đều tất cả các chuyên đề của lớp 12 và tập trung vào chuyên đề Địa lý tự nhiên và Địa lý vùng kinh tế. Các câu hỏi cực khó thuộc chuyên đề Địa lý tự nhiên và Địa lý vùng kinh tế thuộc dạng bài so sánh, câu hỏi liên chuyên đề và đảm bảo tính phân hóa cho mục tiêu tuyển sinh.
Thầy Vũ Hải Nam - giáo viên Tuyensinh247.com cho biết, đề thi Địa lý năm nay với học sinh xét tốt nghiệp có thể làm được trên 6 điểm. Học sinh khá có thể làm được trên 8 điểm và 5 câu hỏi lý thuyết cuối có sự phân hóa rõ rệt, mức độ khó tăng làm cơ sở để các trường đại học, cao đẳng tuyển sinh.
Đối với môn Giáo dục công dân, 75% câu hỏi thuộc mức độ nhận biết, thông hiểu; 25% câu hỏi còn lại bắt đầu có sự phân hóa. Những chuyên đề xuất hiện nhiều trong đề vẫn quen thuộc như các năm trước: Thực hiện pháp luật; quyền bình đẳng của công dân trong một số lĩnh vực của đời sống xã hội, Công dân với các quyền tự do; Công dân với các quyền dân chủ.
Đề Giáo dục công dân đáp ứng được mục tiêu xét công nhận tốt nghiệp. Toàn đề có 90% câu hỏi thuộc kiến thức lớp 12 trong đó 52% tổng số câu hỏi thuộc học kỳ I và 48% câu hỏi thuộc học kỳ II. Đề thi có 4 câu (10%) thuộc kiến thức lớp 11. Các câu hỏi lớp 11 đều ở mức độ Nhận biết.
Nhận xét chung về đề thi Giáo dục công dân, cô Đoàn Thị Vành Khuyên - Giáo viên Tuyensinh247.com nói: Mức độ khó của đề đúng tiêu chí tốt nghiệp THPT. Đề sát với đề thi minh học và đề thi khảo sát của Bộ. So với đề thi THPT Quốc Gia mọi năm, đề thi Giáo dục công dân năm nay có mức độ dễ nhiều hơn. Nội dung đề thi năm nay chủ yếu tập trung vào chương trình Giáo dục công dân lớp 12, có vài câu hỏi liên quan tới kiến thức lớp 11. “Các câu hỏi tương đối dễ, không đánh đố, không đòi hỏi quá nhiều tư duy” - cô Vành Khuyên nhận xét.