Vắng vẻ, đìu hiu là cảnh thường thấy ở nhiều thư viện tại các quận, huyện trên địa bàn Hà Nội hiện nay. Thư viện mở ra nhưng không có người đến đọc hoặc rất ít cho thấy mô hình thư viện truyền thống dần mất đi sức hút, nếu không thay đổi sẽ khó giữ chân được bạn đọc.
Thực tế hiện nay, trong dòng chảy của nhịp sống số, với chiếc điện thoại thông minh, Ipad, máy tính kết nối internet… ở bất cứ đâu, vào thời gian nào, chỉ cần một thao tác chạm hoặc cú nhấp chuột là người ta có thể tra cứu thông tin một cách nhanh chóng, dễ dàng. Chính bởi vậy, cảnh người người xếp hàng chen chân vào thư viện tìm đọc sách, báo đã dường như trở thành… chuyện hiếm. Hoạt động của các thư viện trên địa bàn các quận, huyện của TP Hà Nội khá èo uột, ít người đến đọc sách, tìm hiểu thông tin, tra cứu tài liệu. Nhiều thư viện hoạt động cầm chừng, không còn đóng vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân.
Như mọi ngày, chị Nguyễn Thị Hoa (cán bộ quản lý thư viện huyện Phúc Thọ) đến từ khá sớm, mở cửa thư viện, tiếp nhận báo theo đặt hàng. Chị đi một vòng quanh phòng thư viện, sắp xếp sách, báo, tài liệu… một cách ngăn nắp, chỉnh tề theo từng khu để tiện quản lý, theo dõi. Đó là khoảng thời gian “có việc” nhất của chị Hoa, bởi sau đó, chị hầu như không có việc gì để làm. “Số lượng bạn đọc đến với thư viện rất ít. Trung bình mỗi tháng chỉ có vài chục lượt. Có nhiều hôm tôi ngồi trực cả ngày nhưng cũng không có ai ghé thăm thư viện…” - chị Nguyễn Thị Hoa bộc bạch.
So với nhiều thư viện khác, thư viện của huyện Phúc Thọ có quy mô khá khiêm tốn, là một căn phòng chỉ rộng chừng 40m2 nằm trong khuôn viên Trung tâm Văn hoá, Thông tin và Thể thao huyện. Nơi đây hiện đang lưu giữ hơn 11.000 đầu sách phục vụ bạn đọc. Hầu hết các đầu sách đều khá cũ, ít được làm mới, luân chuyển.
Có quy mô lớn hơn, nhưng thư viện huyện Sóc Sơn cũng vắng bóng bạn đọc. Chị Nguyễn Thu Hiền (cán bộ quản lý thư viện Sóc Sơn) cho biết, thư viện hiện đang lưu giữ khoảng 19.000 đầu sách, báo, tài liệu… phục vụ bạn đọc. Nằm ở trung tâm huyện nhưng trung bình mỗi tuần, thư viện cũng chỉ đón vài chục lượt bạn đọc, chủ yếu là học sinh, sinh viên và các bộ hưu trí. Người dân đến thư viện là thực sự hiếm hoi!
Cũng giống như thư viện tại huyện Phúc Thọ, sách, báo, tạp chí được cán bộ quản lý thư viện huyện Sóc Sơn sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp theo các đầu danh mục, thể loại. Thư viện được tổ chức theo “không gian mở” để bạn đọc tuỳ ý lựa chọn. Trong thư viện có bàn ghế, quạt mát và nước uống phục vụ miễn phí. Tuy nhiên, thực tế bạn đọc đến với các thư viện lại rất hạn chế.
Cầm trên tay 3 tập truyện tranh Conan và một cuốn sách của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, chạy từ thư viện huyện Đan Phượng ra, cô bé Nguyễn Đàm Minh Phương, học sinh lớp 6, xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng không giấu nổi niềm vui khi mượn được những cuốn sách ưng ý. Minh Phương cho biết, tuần nào em cũng nhờ mẹ chở lên thư viện huyện Đan Phượng mượn sách về đọc, chủ yếu là truyện tranh và các tác phẩm văn học.
Thế nhưng, những người yêu thích đọc sách như cô bé Nguyễn Đàm Minh Phương hiện không còn quá nhiều, dù thư viện Đan Phượng hoàn toàn miễn phí sử dụng dịch vụ thư viện như mượn sách, đọc sách. Mỗi lần mượn sách chỉ cần đặt tiền cược 50.000 đồng phí đền bù trong trường hợp xảy ra mất hoặc hư hỏng sách. Sau khi bạn đọc trả sách sẽ được hoàn trả tiền cược. Theo thống kê của Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Đan Phượng, hiện nay trên địa bàn huyện có 1 thư viện cấp huyện và 16 thư viện cấp xã, thị trấn. Dù đã có nhiều cố gắng, đổi mới trong công tác phục vụ bạn đọc nhưng số người tìm đến các thư viện cũng không nhiều.
Được biết, thư viện huyện Đan Phượng hiện đang cấp và quản lý 188 thẻ bạn đọc. Đáng chú ý, trong 6 tháng đầu năm 2023 chỉ có 4 thẻ được cấp mới, số lượt bạn đọc được phục vụ tại thư viện cấp huyện chỉ là 250 người, tương đương mỗi tháng chỉ phục vụ được khoảng trên 40 bạn đọc. Trong khi đó, số lượt bạn đọc được phục vụ tại các thư viện cấp xã còn ít hơn rất nhiều, 6 tháng đầu năm chỉ có 100 lượt bạn đọc. “Lượng bạn đọc đến thư viện chủ yếu vào kỳ nghỉ Hè hoặc mùa ôn thi của học sinh. Còn vào năm học, các em đến thư viện đọc sách ít, chủ yếu là mượn về nhà” – chị Nguyễn Thị Thanh Mơ, cán bộ thư viện huyện Đan Phượng chia sẻ.
Tình trạng bạn đọc đến thư viện èo uột cũng là câu chuyện thực tế tại huyện Thanh Oai. Thư viện huyện Thanh Oai có trụ sở tại thị trấn Kim Bài những năm qua luôn duy trì hoạt động ổn định. Với số lượng hàng chục nghìn đầu sách đáp ứng cơ bản nhu cầu đọc sách, tìm hiểu thiết yếu của người dân. Tuy nhiên, hiện lượng người đến thư viện đọc sách và mượn sách hàng tuần trung bình chỉ dao động từ 30 – 40 người. Đối tượng chủ yếu là thiếu nhi, người dân trong độ tuổi trung niên, người cao tuổi sinh hoạt tại các câu lạc bộ sức khỏe ngoài trời, câu lạc bộ thơ.
Khảo sát của phóng viên Kinh tế & Đô thị cho thấy, điều đặc biệt tại huyện Thanh Oai là cả 21 xã, thị trấn trên địa bàn huyện đều không có thư viện, chỉ có phòng đọc và tủ sách được đặt tại các nhà văn hóa tại các thôn. Các tủ sách này trung bình có từ 1.000 – 3.000 đầu sách, cơ bản đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, tra cứu của người dân.
Có mặt tại xã Hồng Dương (huyện Thanh Oai) một ngày đầu tháng 8/2023, phóng viên Kinh tế & Đô thị, tận mắt chứng kiến không khí hoạt động của một phòng đọc sách, báo của thôn Hoàng Trung. Tầm 15 giờ hàng ngày khá đông các cụ đến đọc sách và chơi cờ; đông nhất là các cháu thanh thiếu nhi trong độ tuổi từ 11 – 15 tuổi đến đọc sách và mượn sách về nhà. Phòng đọc sách, báo có diện tích khoảng 80m2 với hơn 2.000 đầu sách được để ngăn nắp trong 4 tủ kính.
Bí thư Chi bộ thôn Hoàng Trung (xã Hồng Dương) Nguyễn Hồng Sơn chia sẻ, phòng đọc sách – báo đã duy trì được gần 20 năm nay. Từ sách, báo đến bàn ghế thôn đều huy động xã hội hóa từ những người dân trong và ngoài địa phương ủng hộ. Hàng năm tủ sách của phòng đọc được bổ sung thường xuyên từ nguồn luân chuyển của huyện và đóng góp của người dân. Tuy nhiên, do nhân sự là người cao tuổi, kiêm nhiệm cả công việc khác của thôn nên chỉ mở cửa 1 buổi/ngày và trực cho mượn sách vào thứ Tư và thứ Bảy hàng tuần.
Khảo sát của phóng viên Kinh tế & Đô thị tại huyện Ứng Hòa cho thấy, thư viện huyện không có trụ sở riêng mà được bố trí tại một phòng đọc tại Trung tâm Chính trị huyện, có diện tích khoảng 100m2. Tuy nhiên, tại phòng đọc này không có người dân đến đọc sách mà chỉ thi thoảng mới có người đến hỏi mượn sách mang về nhà.
Tương tự như Thanh Oai, trên địa bàn huyện Ứng Hòa cũng không có thư viện xã mà chỉ có các tủ sách tại nhà văn hóa thôn. Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Ứng Hòa Lưu Đức Lào cho hay: Thống kê cho thấy, toàn huyện hiện có 40 nhà văn hóa thôn có tủ sách tự quản phục vụ nhu cầu đọc sách, tra cứu của người dân. Nguồn sách tại các nhà văn hóa chủ yếu là từ xã hội hóa và luân chuyển hàng năm của Trung tâm từ nguồn TP chuyển về. Trong số 40 tủ sách tại các nhà văn hóa trên địa bàn huyện, hoạt động hiệu quả nhất là nhà văn hóa thôn Hoàng Xá (thị trấn Vân Đình) với khoảng hơn 3.000 đầu sách, thu hút lượng người đọc 20 – 30 người mỗi ngày, song chủ yếu là người trung niên, người cao tuổi.
Hệ thống thư viện cấp quận, huyện là thiết chế văn hóa cơ sở đóng vai trò quan trọng trong việc đưa sách, báo đến với người dân, nhất là khu vực nông thôn, vùng xa trung tâm. Qua đó, giúp người dân được bổ sung, mở mang kiến thức, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần.
Trong bối cảnh nguồn sách cũng như hoạt động phục vụ tại các thư viện cơ sở còn hạn chế, những năm qua, Thư viện Hà Nội đã triển khai các chương trình thư viện lưu động, đưa sách đến với thiếu nhi, học sinh các huyện ngoại thành như Đan Phượng, Quốc Oai, Sóc Sơn, Mỹ Ðức, Ba Vì, Ứng Hòa, Thạch Thất, Phú Xuyên, Ðông Anh… Đồng thời từ TP đến các quận, huyện đều tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam 21/4, qua đó lan tỏa văn hóa đọc trong đời sống cộng đồng, góp phần xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh - xây dựng Hà Nội trở thành Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại.
Từng theo chân đoàn cán bộ Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Đan Phượng phối hợp cùng Thư viện Hà Nội tổ chức hoạt động thư viện lưu động tại trường Tiểu học Liên Trung cuối năm 2022 phóng viên Kinh tế & Đô thị ghi nhận, hình thức mới này thu hút được đông đảo học sinh hào hứng tham gia. Theo đó, khoảng 5.000 đầu sách báo đã được đưa về Trường Tiểu học Liên Trung, phục vụ khoảng hơn 400 học sinh từ lớp 3 đến lớp 5. Hoạt động của thư viện lưu động gồm đọc sách, báo trong nhà, ngoài trời và trên xe lưu động. Điều đáng nói, học sinh được tự do lựa chọn không gian đọc sách cũng như chỗ ngồi yêu thích để có thêm cảm hứng với sách, báo.
Chia sẻ với Kinh tế & Đô thị, bà Nguyễn Thị Thanh Mơ - cán bộ Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Đan Phượng cho biết, điểm mới của hoạt động là trên xe lưu động có lắp đặt máy tính nối mạng internet. Tại đây, cán bộ hướng dẫn sẽ giúp học sinh cách đăng nhập để tìm tài liệu, sách điện tử để đọc trực tuyến. Bên cạnh đó là tham gia các trò chơi bổ ích, tăng hiệu quả học tập.
Còn cô giáo Nguyễn Thị Thúy Nga - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Liên Trung cũng rất phấn khởi khi nhìn thấy học sinh hào hứng với hoạt động của thư viện lưu động. Theo cô Nga, đầu sách của chương trình thư viện lưu động phong phú hơn so với thư viện của nhà trường, đặc biệt là sách về thiên văn học, núi lửa, động đất… rất cuốn hút học sinh. “Thông qua chương trình, học sinh hiểu hơn về văn hóa đọc, yêu trường, yêu lớp, yêu cô giáo và thích đến trường hơn. Đồng thời hoạt động đọc sách tập trung như thế này cũng kích thích học sinh say mê học tập, khám phá, tìm tòi kiến thức mới. Qua đó nâng cao hiệu quả dạy và học cũng như chất lượng giáo dục của nhà trường” - cô Nguyễn Thị Thúy Nga chia sẻ.
Được biết, trong tháng 6/2023, Thư viện Hà Nội thực hiện luân chuyển 3.400 cuốn sách xuống 17 điểm luân chuyển là các thư viện, phòng đọc cơ sở, tại các huyện, thị xã. Tất cả các hình thức hoạt động đó sẽ góp phần khơi dậy phong trào đọc sách rộng rãi trong cộng đồng, hướng tới mục tiêu người đọc đi tìm sách, chứ không phải sách... đi tìm bạn đọc. Tuy nhiên, những hoạt động này còn mang tính thời vụ, chưa được thường xuyên. Đơn cử, tại huyện Đan Phượng, trong năm 2022 tổ chức được 8 chuyến thư viện lưu động nhưng từ đầu năm 2023 đến nay lại chưa tổ chức được chuyến nào. Hay tại huyện Ba Vì, trong cả năm 2022 mới thực hiện luân chuyển 800 đầu sách đến 4 trường học trên địa bàn huyện.
Cùng với đó, các ngày hội đọc sách tại cơ sở hầu hết mới chỉ thực hiện nhân dịp Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam (21/4), sau đó dần phai nhạt do không được duy trì thường xuyên. Trò chuyện với phóng viên Kinh tế & Đô thị về văn hóa đọc, nhà thơ Bùi Phương Thảo cho biết, trong nhịp sống hiện đại ngày nay, thông tin trên mạng nhanh hơn, phong phú hơn, nhiều thứ hấp dẫn con người. Tuy nhiên, điều nguy hiểm là ở chỗ, ngoài thông tin chính thống, còn có những thông tin không chính thống, hướng người đọc quan niệm, nhìn nhận, đánh giá sai lầm về chính thế hệ của mình.
Từng đi nói chuyện về văn hóa đọc ở nhiều nơi, nhiều trường học, theo nhà thơ Bùi Phương Thảo, cần đặt lại dấu ấn về sách đối với thế hệ trẻ người Việt. Có thể bằng cách chọn một vài cuốn sách thật hay, hấp dẫn, có ý nghĩa, phù hợp với những lứa tuổi như trẻ em, học sinh, người lớn để giới thiệu.
“Văn chương là dấu ấn của một thời đại, nếu là văn chương chính thống, đi vào lòng người, có giá trị nhân sinh quan, thế giới quan, có giá trị đích thực thì sẽ tồn tại mãi mãi. Ví dụ như tác phẩm “Tây tiến” của nhà thơ Quang Dũng được đưa vào sách giáo khoa một lần nữa đã khẳng định điều đó. Bởi “Tây tiến” mang hơi thở thời đại, mang sức sống của ngày đầu toàn quốc kháng chiến, để chúng ta có được ngày hôm nay” – nhà thơ Bùi Phương Thảo chia sẻ.
Cũng chia sẻ về văn hóa đọc, với tư cách cô giáo dạy Văn, Trường THPT Đan Phượng, cô Đặng Thị Minh Nguyệt bày tỏ, việc trưng bày sách, trong đó có nhiều sách của quê hương là hoạt động rất ý nghĩa, nên được lan tỏa rộng rãi đến học sinh. “Với tuổi trẻ hôm nay do sự phát triển của công nghệ thông tin nên văn hóa đọc sẽ bị ảnh hưởng. Do đó, việc tổ chức thường xuyên những buổi trưng bày sách, đặc biệt là những đầu sách bổ ích, sách viết về quê hương, về truyền thống văn hóa, lịch sử địa phương có ý nghĩa rất quan trọng với học sinh. Đây sẽ có một địa chỉ hấp dẫn để lan tỏa văn hóa đọc trong nhà trường” – cô Đặng Thị Minh Nguyệt bày tỏ.
(còn nữa)
07:01 05/08/2023