70 năm giải phóng Thủ đô

Để trẻ có những ngày nghỉ Hè thực sự

Lê Quân
Chia sẻ Zalo

Knhtedothi - Ngày 25/5 vừa qua, các trường học cấp mầm non, phổ thông của Hà Nội đã kết thúc năm học 2022 - 2023. Như vậy, học sinh bậc mầm non và phổ thông trên địa bàn Thủ đô sẽ nghỉ Hè từ ngày 1/6.

 Và như thường lệ, 1/6 cũng là thời điểm mở đầu của Tháng hành động vì trẻ em năm 2023, được tổ chức từ 1 - 30/6 với chủ đề “Chung tay giảm thiểu tổn hại trẻ em”.

Mục tiêu hướng tới của Tháng hành động vì trẻ em năm 2023 là xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh để thực hiện đầy đủ quyền trẻ em, bảo đảm trẻ em được phát triển toàn diện.

Việc nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong giải quyết các vấn đề về trẻ em và phòng ngừa, giảm thiểu các nguy cơ xâm hại trẻ em, tai nạn, thương tích trẻ em cũng tiếp tục được quan tâm.

Đó cũng là cơ sở nhằm tiếp tục thực hiện hiệu quả chính sách, pháp luật về chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, chủ động giải quyết các vấn đề về trẻ em, phòng ngừa, giảm thiểu các nguy cơ trẻ em bị xâm hại, trẻ em bị tai nạn, thương tích, nhất là đuối nước, tai nạn giao thông...

Với mục đích trên, các thông điệp “Chung tay xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh cho mọi trẻ em”, “Phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ em là bảo đảm quyền được sống của trẻ em”, “Gia đình, nhà trường cùng đồng hành để trẻ em được an toàn trên môi trường mạng”… được chuyển tải tới mỗi người dân, cộng đồng và toàn xã hội.

Như trên đã nói, kể từ 1/6, trẻ bắt đầu chính thức nghỉ Hè. Với kỳ nghỉ đó, theo lý thuyết là trẻ em được giải phóng khỏi gánh nặng học hành sau một năm học vất vả, được vui chơi kết hợp với ôn tập một cách lành mạnh, bổ ích và an toàn.

Tuy nhiên trong thực tế lại không hoàn toàn như vậy. Kỳ nghỉ Hè bắt đầu, với nhiều gia đình, đó là thời gian phải suy nghĩ tính toán để có thể quản lý con em mình, tránh xa những cạm bẫy, tai nạn như đuối nước, ngã cây, kể cả những cạm bẫy khó lường từ mạng xã hội, những món quà vặt đường phố không rõ nguồn gốc…

Từ những nỗi lo như vậy, với không ít đứa trẻ, đặc biệt là trẻ em sống ở TP, thị xã, nghỉ Hè là thời gian quanh quẩn trong các căn hộ, làm bạn với chiếc tivi, smartphone…, bởi không phải gia đình nào ở TP cũng có điều kiện cho con em về quê với ông bà, đi du lịch hay tham dự những trại Hè quân đội, khóa tu tập ngày Hè…

Một nguy cơ khác làm những ngày Hè của trẻ không còn một kỳ nghỉ Hè vui tươi, bổ ích, lành mạnh, nhưng có vẻ như chưa được nhận diện rõ ràng. Đó là áp lực của việc học hành.

Không kể những học sinh vẫn phải dùi mài để chuẩn bị cho kỳ thi vào lớp 10, kỳ thi tốt nghiệp THPT…, nhiều em nhỏ chưa kịp có những ngày Hè thật sự đã phải bắt ngay vào guồng quay các lớp học thêm, kể cả những lớp học chuẩn bị để tham gia tuyển chọn vào các trường tư thục có chất lượng cao, với mức học phí không hề thấp so với thu nhập của các gia đình bình dân.

Điều đáng buồn là áp lực này lại được tạo ra bởi chính các bậc phụ huynh với niềm tin mình đang dành những gì tốt nhất cho tương lai của con em mình mà không biết là đã vô tình tước đoạt quyền được có những ngày Hè với các hoạt động bổ ích, thích hợp của trẻ, đồng nghĩa với việc làm mất đi một phần tuổi thơ của các con.

Đó cũng là một nguyên nhân chủ yếu trong muôn vàn nguyên nhân khiến ngày Hè của các con bị cắt xén, tước đoạt.

Vậy cùng với việc thực hiện chủ đề “Chung tay giảm thiểu tổn hại trẻ em” trước những nguy cơ khách quan, hãy quan tâm giảm thiểu những tổn hại đến ngay từ chủ quan của các bậc phụ huynh,để trẻ có những ngày nghỉ Hè thực sự.