Đề xuất bỏ điều kiện riêng “nhập hộ khẩu” tại các thành phố: Còn nhiều băn khoăn

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cùng với việc thay thế phương thức quản lý cư trú từ sổ hộ khẩu giấy sang thông qua mã số định danh cá nhân trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đề xuất bỏ quy định về điều kiện riêng khi đăng ký thường trú vào các TP trực thuộc T.Ư cũng là một nội dung nhận được nhiều sự quan tâm tại Dự án Luật Cư trú (sửa đổi).

 Làm thủ tục về tư pháp hộ tịch tại bộ phận một cửa quận Hoàn Kiếm. Ảnh: Thanh Hải

“Điều kiện riêng” không ngăn được tình trạng di dân
Điều kiện đăng ký thường trú riêng được đưa ra với các TP trực thuộc T.Ư theo quy định của Luật Cư trú hiện hành và Điều 19 Luật Thủ đô. Cụ thể, khi đăng ký thường trú vào các huyện, thị xã, đòi hỏi công dân phải có thời gian tạm trú tại TP đó từ 1 năm trở lên. Thời gian này tăng lên 2 năm đối với các trường hợp đăng ký thường trú vào các quận. Riêng đăng ký vào quận nội thành Hà Nội, thực hiện theo quy định của Luật Thủ đô, nghĩa là phải tạm trú từ 3 năm trở lên…
Tuy nhiên, qua giám sát việc thực hiện quy định về quản lý dân cư tại Thủ đô, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đặt mục tiêu đến năm 2020 dân số Hà Nội tăng lên mức 7,3 - 7,9 triệu người, nhưng mới chỉ đến năm 2017, dân số Hà Nội đã lên đến trên 9,6 triệu người, trong đó có gần 1,8 triệu người tạm trú. Đồng thời, kết quả giám sát cũng cho thấy, trong thời gian 5 năm (2013 - 2017) chỉ có khoảng 120.000 người đăng ký thường trú vào Hà Nội theo các điều kiện quy định tại Điều 20, Luật Cư trú và Điều 19, Luật Thủ đô. Con số này chiếm tỷ lệ không lớn so với số lượng người tạm trú và rất nhỏ so với tỷ lệ tăng dân số cơ học của TP.
Lãnh đạo Bộ Công an – cơ quan soạn thảo Dự án Luật Cư trú (sửa đổi) cũng cho biết, qua nhiều năm, quy định hiện hành chưa thực sự là biện pháp hiệu quả để giảm di dân, ngăn tăng dân số cơ học tại các TP lớn. Đồng thời, việc quy định riêng các điều kiện đăng ký thường trú ở các TP trực thuộc T.Ư đã ảnh hưởng đến quyền tự do cư trú của công dân theo quy định của Hiến pháp năm 2013. Tại Dự án Luật Cư trú (sửa đổi), Chính phủ đề xuất bỏ các quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại TP trực thuộc T.Ư trong Luật hiện hành; đồng thời, bãi bỏ Khoản 3 và Khoản 4, Điều 19, Luật Thủ đô quy định điều kiện đăng ký thường trú ở địa bàn này. Như vậy, việc đăng ký thường trú tại tỉnh, TP được thực hiện theo các điều kiện như nhau.
Đánh giá kỹ tác động
Đề nghị bãi bỏ các quy định riêng về điều kiện “nhập hộ khẩu” này nhận được sự ủng hộ của nhiều đại biểu Quốc hội. Theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội Nguyễn Thanh Hồng, xu thế xã hội hiện nay, người dân có nhiều lựa chọn nơi cư trú, không phải như trước đây. Nhất là sau “biến cố” đại dịch Covid-19, thời gian tới sẽ có xu hướng dịch chuyển ngược lại, người dân tự “lánh” dần khỏi lõi đô thị đông đúc.
Các ý kiến khác cũng đồng tình, kết quả khảo sát tại Hà Nội cho thấy, những người không có thường trú nhưng vẫn cư trú tại Hà Nội rất bình thường. Tuy nhiên, các ý kiến cũng đề nghị phân tích rõ hơn tác động tiêu cực về mặt xã hội của giải pháp đề ra khi làm tăng dân số cơ học tại các TP lớn, sẽ làm gia tăng áp lực lên hệ thống giáo dục, y tế, các dịch vụ công khác…
Đồng thời, một số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật cũng lưu ý đến việc bảo đảm hài hòa giữa quyền tự do cư trú của công dân với khả năng đáp ứng các dịch vụ thiết yếu về bảo đảm an sinh xã hội cũng như an ninh, trật tự tại các đô thị lớn, tránh gây quá tải. Bởi các TP lớn đang thu hút số dân nhập cư rất nhiều, nên khi bỏ điều kiện này phải đánh giá kỹ hơn tác động, nhằm tạo sự đồng thuận của chính quyền địa phương.
Không nên đặt ra chế độ riêng biệt với các địa phương khác nhau vì quản lý Nhà nước, quản lý dân cư phải thống nhất. Các “điều kiện riêng” chỉ hạn chế được việc nhập khẩu chứ không hạn chế được việc nhập cư.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội Nguyễn Thanh Hồng