Đề xuất này đang nhận được nhiều ý kiến ủng hộ và được đánh giá là hành động thiết thực, góp phần giúp người nghèo có được nơi an cư lạc nghiệp.
Đất vàng bị lãng phí
Mới đây, trong văn bản gửi Bộ Chính trị và Ban Chấp hành T.Ư Đảng, Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh (HoREA) đã góp nhiều ý kiến nhằm phát huy đầy đủ nguồn lực đất đai trở thành nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, HoREA chỉ rõ một số bất cập của cơ chế chính sách dẫn đến nguồn lực đất đai chưa được phát huy đầy đủ để trở thành nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Cụ thể có những khu đất vàng trong khu vực trung tâm TP Hồ Chí Minh bị sử dụng lãng phí như khu đất có diện tích vài nghìn mét vuông tại đường Nguyễn Huệ bỏ không đã hơn 10 năm qua, không đưa vào đầu tư xây dựng kinh doanh, không trở thành cơ sở thương mại, dịch vụ, không tạo ra công ăn việc làm, không đóng góp cho GRDP TP thì giá trị sử dụng của khu đất vàng này cũng bằng số 0.
Bên cạnh đó, cũng có những DN “thân hữu” xí phần các dự án có quy mô diện tích lớn nhưng không đưa đất vào sử dụng, không triển khai thực hiện dự án do nhiều nguyên nhân. Thậm chí có cả dấu hiệu đầu cơ đất đai đều dẫn đến lãng phí nguồn lực đất đai. Chưa kể, với những khu đất vàng trong khu vực trung tâm TP, quy mô lên đến vài chục hecta nhưng được chỉ định chủ đầu tư cho DN tư nhân đã khiến chênh lệch địa tô chủ yếu rơi vào túi tư nhân. Bởi thế không được huy động đầy đủ vào ngân sách Nhà nước để phục vụ lợi ích công cộng và cũng không thấy dành 20% quỹ đất ở của dự án để phát triển nhà ở xã hội theo quy định của luật Nhà ở.
Vì vậy, để đưa đất vào khai thác hiệu quả, vừa để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, vừa tạo được nguồn thu lớn, ổn định, bền vững cho ngân sách, HoREA đưa ra nhiều kiến nghị về điều chỉnh quy hoạch, cách tính tiền sử dụng đất…Tuy nhiên, đáng chú ý nhất lại là kiến nghị đánh thuế đối với các khu đất, dự án bỏ hoang thật cao để chủ đầu tư không thể ôm nổi, phải xoay nguồn vốn để đầu tư hoặc chuyển nhượng cho đơn vị khác có năng lực.
"Không thể hành chính hóa mà nên dùng công cụ thuế để triệt tiêu ý chí đầu cơ, găm giữ đất đai… gây lãng phí” – Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu nhấn mạnh.
Lập tức kiến nghị "áp dụng thuế chống đầu cơ BĐS" của HoREA thu hút sự quan tâm lớn từ phía dư luận. Trong đó, đa phần các ý kiến bày tỏ ủng hộ khi cho rằng thuế là công cụ để chính quyền kiểm soát tình trạng thổi giá BĐS hiện nay một cách tốt nhất. Do đó, thay vì để kiến nghị này mãi chỉ nằm trên giấy, nhiều quan điểm hối thúc phải triển khai ngay. Thậm chí, cần thiết phải nhân rộng trên phạm vi cả nước khi tình trạng BĐS bỏ hoang diễn ra ở khắp các tỉnh, thành, kéo giá nhà tăng cao, nguồn cung khan hiếm, người có nhu cầu ở thực khó tiếp cận.
Đánh thuế cao là hợp lý
Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, chuyên gia BĐS Trần Khánh Quang đánh giá cao kiến nghị của HoREA. Đồng thời nhận định đề xuất đánh thuế thật cao với đất, dự án bỏ hoang của Hiệp hội này là một đề xuất hợp lý với bối cảnh thị trường BĐS ở thời điểm hiện tại.
“Những năm gần đây, trên thị trường BĐS luôn tồn tại một nghịch lý. Đó là hàng trăm dự án ôm đất, chây ì không triển khai, trong khi nhiều DN lại chật vật tìm quỹ đất để triển khai các dự án nhà ở mới. Điều này dẫn đến nguồn cung trên thị trường khan hiếm, đặc biệt là các dự án nhà ở tầm trung, nhà ở cho người có thu nhập thấp” – ông Trần Khánh Quang nói và nhấn mạnh, tuyệt đối không thể để các DN có đất giữ mãi vai trò cầm trịch, thiết lập mặt bằng giá cao để hưởng lợi.
Theo ông Trần Khánh Quang, tình trạng mất cân bằng cung - cầu chỉ được cải thiện khi các dự án sớm được đưa vào hoạt động, đặc biệt là các dự án nhà ở phân khúc bình dân. Có như vậy, giá nhà trên thị trường mới ngừng neo cao, sớm ổn định. Và muốn làm được điều này, thì đánh thuế cao với đất, dự án bỏ hoang là một giải pháp hợp lý. Chuyên gia Trần Khánh Quang cho rằng, trong quá trình thực hiện, cơ quan quản lý Nhà nước cần phải xác định đúng đối tượng và trúng mục tiêu, đảm bảo đánh thuế công bằng.
Đồng quan điểm, chuyên gia BĐS Nguyễn Văn Đực cũng cho rằng, chỉ có đánh thuế cao mới đủ sức ngăn chặn tình trạng ôm đất bỏ hoang, dự án nhiều năm không chịu triển khai. “Động thái đánh thuế cao sẽ khiến các cá nhân, DN không còn xem đất là một tài sản tiết kiệm mà phải đưa vào sử dụng để tạo ra hiệu quả. Từ đó, buộc các DN phải ý thực việc xây dựng phương án đưa các dự án vào triển khai, tạo nguồn cung mới cho thị trường BĐS” – ông Nguyễn Văn Đực phân tích.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Đực, thực tế tại TP Hồ Chí Minh có rất nhiều dự án bỏ không, hàng chục năm vẫn là bãi đất hoang vắng. Tuy nhiên, dù đất bỏ không, thì giá đất vẫn tăng đều và những cá nhân, DN ôm đất được hưởng lợi nhuận rất cao nên cứ yên tâm tiếp tục ôm đất. Đây được xem là một trong nguyên nhân gây ra hậu quả rất tai hại cho thị trường nhà ở. Vì vậy, để ngăn chặn một cách hiệu quả tình trạng đầu cơ đất đai, sốt đất và bỏ hoang đất sau cơn sốt thì cần thiết phải sử dụng công cụ thuế một cách phù hợp.
Tuy nhiên, chuyên gia này cũng lưu ý, trên thị trường BĐS hiện nay, ngoài những dự án do chủ đầu tư không đủ năng lực triển khai nhưng vẫn ôm giữ đất, còn rất nhiều dự án dù chủ đầu tư có năng lực, muốn triển khai nhưng sau nhiều năm vẫn “bất lực” vì vướng thủ tục. Đây lại là nguyên nhân khách quan cần sớm tháo gỡ để ổn định nguồn cung cho thị trường BĐS, kéo giảm giá nhà, tạo điều kiện cho mọi người dân đều có chốn an cư.
Mặt tích cực của việc đánh thuế BĐS là tăng cường hiệu quả công tác quản lý Nhà nước, tăng nguồn thu ngân sách, góp phần làm cho thị trường nhà ở công bằng, minh bạch hơn. Do đó, việc ban hành thuế mức thuê cao, hướng đến việc chống đầu cơ nhà đất là cần thiết. Như vậy, có thể khẳng định, việc đánh thuế từ căn nhà thứ hai trở đi sẽ góp phần giúp thị trường BĐS phát triển bền vững, phòng chống đầu cơ và tăng thêm nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.
Mục tiêu đánh thuế là nhằm hạn chế tình trạng BĐS sốt ảo và điều chỉnh ổn định thị trường. Tuy nhiên, nếu làm không cẩn thận thì vô hình trung lại gây phản ứng ngược. Vì vậy, cần nghiên cứu kỹ và áp dụng theo một lộ trình đủ dài, để tránh gây méo mó thị trường.
Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu
Khi đầu cơ BĐS được kiểm soát thông qua việc đánh thuế cao sẽ giúp giá nhà đất giảm, tạo điều kiện nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và dễ dàng tiếp cận nhà ở cho nhóm người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp. Bên cạnh đó, thuế BĐS cũng đảm bảo chức năng thu giá trị BĐS tăng thêm không do đầu tư của chủ sở hữu mang lại.
Việc này sẽ ngăn chặn tình trạng sốt giá đất cục bộ, xảy ra trong quá trình đô thị hóa như thành lập các khu kinh tế mới, chuyển từ huyện thành quận..., thông qua cách đánh thuế lũy tiến vào những trường hợp nhận chuyển nhượng rồi chuyển nhượng ngay trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, cần xác định cải cách thuế BĐS không chỉ nhằm mục tiêu tăng thuế mà phải xem xét điều chỉnh sao cho công cụ thuế đạt hiệu quả cao nhất.
Giám đốc Tư vấn Đầu tư Savills Việt Nam, TS Sử Ngọc Khương