Đề xuất di dời đường sắt liên tỉnh ra khỏi nội đô: Rất đáng xem xét

Minh Tường
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dư luận đang nổi lên nhiều ý kiến trái chiều về đề xuất di dời đường sắt liên tỉnh ra khỏi nội đô TP của Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội Phạm Xuân Bình.

Nhìn nhận một cách khách quan thì đề xuất này rất đáng để cơ quan chức năng xem xét một cách nghiêm túc.
Những điểm đen ùn tắc
Trong hội nghị sơ kết công tác đảm bảo trật tự, ATGT trên địa bàn Thủ đô 7 tháng đầu năm 2017, diễn ra vào ngày 8/8 vừa qua, Thiếu tướng Phạm Xuân Bình - Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội đã đưa ra đề xuất, di dời tuyến đường sắt liên tỉnh ra khỏi nội đô TP để góp phần hạn chế UTGT. Trên thực tế, hiện có khoảng 10km đường sắt liên tỉnh đi - đến ga Hà Nội, ga đang nằm sâu trong nội đô TP. Dọc theo tuyến đường sắt này có một số điểm giao cắt thường xuyên rơi vào tình trạng UTGT nghiêm trọng như Nguyễn Hữu Thọ, Trường Chinh, Đại Cồ Việt... Đại diện Đội CSGT số 14, Phòng CSGT, Công an TP cho biết, nút giao Giải Phóng - Nguyễn Hữu Thọ đang là một điểm đen về UTGT. Trong giờ cao điểm, thường xuyên có tàu hàng về ga Giáp Bát hoặc tàu khách về ga Hà Nội đi qua, khiến giao thông đường bộ ngừng trệ.

Tàu khách chạy qua nút giao cắt Lê Duẩn - Đại Cồ Việt. Ảnh: Phạm Hùng

Chỉ huy Đội CSGT số 14 cũng đã từng đề nghị phía đường sắt phối hợp, giãn cách mật độ tàu vào giờ cao điểm, đặc biệt là đưa ga tàu hàng Giáp Bát ra khỏi nội thành, về phía Ngọc Hồi (Thanh Trì) để tránh ảnh hưởng đến giao thông đường bộ nhưng chưa được xem xét thực hiện. Trong đề xuất của mình, Thiếu tướng Phạm Xuân Bình cũng nêu rõ ý đưa một phần vận tải đường sắt liên tỉnh trong nội đô về phía Ngọc Hồi. Điều này cũng phù hợp với quy hoạch GTVT Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050, bởi theo quy hoạch, khu vực Ngọc Hồi sẽ được xây dựng một trung tâm tiếp vận, trung chuyển hàng hóa giữa đường sắt và đường bộ.
Đối với vận tải khách liên tỉnh bằng đường sắt trên địa bàn Thủ đô, nhiều chuyên gia cho rằng, không thể phủ nhận tầm quan trọng của ga Hà Nội, nhưng cũng không thể nói là không thể thay thế. Thực tế, TP đang cố gắng đưa các bến xe khách liên tỉnh ra ngoài Vành đai 4 để hạn chế áp lực giao thông cho nội thành. Vậy tại sao đường sắt lại không thể?
Trở thành ga đường sắt đô thị
Chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng nhìn nhận: “Tôi không nghĩ cứ di dời đường sắt liên tỉnh ra khỏi nội thành là phải xóa bỏ ga Hà Nội. Trên thực tế mạng lưới đường sắt đô thị của TP đang có kế hoạch phát triển dài hơi, nếu có thể biến ga Hà Nội thành ga đường sắt đô thị, điểm trung chuyển vận tải khách công cộng nội đô sẽ rất khả quan”. Với diện tích, hạ tầng hiện có, ga Hà Nội sẽ đáp ứng tốt nhu cầu phát triển, trung chuyển hành khách cho đường sắt đô thị và nhiều loại hình vận tải khách công cộng khác.
Các chuyên gia cũng khẳng định, nếu di dời đường sắt liên tỉnh thời điểm hiện tại sẽ gặp nhiều khó khăn, nhất là về vốn đầu tư xây dựng ga mới. Tuy nhiên, so với việc xây dựng ngầm hoặc trên cao đường sắt liên tỉnh xuyên tâm nội đô cũng rất tốn kém. Hơn nữa, nếu di dời đường sắt liên tỉnh ra ngoại thành, hình thành một trung tâm quần cư, kinh doanh dịch vụ mới cũng sẽ là động lực để giãn bớt mật độ dân cư trong nội thành Hà Nội. Bên cạnh đó, một số lượng không nhỏ những chuyến đi cũng sẽ chuyển hướng ra ngoại thành, giảm bớt áp lực cho nội thành. Mặt khác, hiện nhiều người dân trong nội đô vẫn sử dụng phương tiện cá nhân để di chuyển đến ga Hà Nội do quãng đường ngắn. Nếu phải ra ngoại thành để đón tàu liên tỉnh, với hành lý mang theo lỉnh kỉnh, chắc chắn sẽ có không ít người chọn phương tiện vận tải công cộng để di chuyển, giảm bớt lượng xe cộ đi lại trên các tuyến đường.
Do đó, ý tưởng đưa đường sắt liên tỉnh ra ngoại thành rất đáng để xem xét một cách nghiêm túc. Chí ít, trong hai mảng vận tải là hành khách và hàng hóa liên tỉnh, cần phải xem xét trước tính hợp lý của các ga hàng, tàu hàng ra, vào nội đô.
Thời điểm này có thể là chưa thích hợp, vì TP đang phải dồn sức đầu tư cho nhiều hạng mục giao thông quan trọng hơn, chưa đủ điều kiện quy hoạch, định hình lại đường sắt. Nhưng trong tương lai cũng cần xem xét tính hợp lý của ga đường sắt liên tỉnh giữa nội đô này.
Chuyên gia giao thông Đặng Chí Nga

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần