Theo Bộ Nội vụ, dự thảo Kế hoạch hoạt động năm 2023 của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính (BCĐ CCHC) của Chính phủ vừa được đưa ra lấy ý kiến tại Phiên họp thứ ba của BCĐ.
Theo đó, một mục tiêu đáng chú ý của Kế hoạch là tạo đột phá trong công tác CCHC năm 2023; tăng cường trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, đơn vị, người đứng đầu cơ quan hành chính Nhà nước các cấp trong triển khai nhiệm vụ CCHC; gắn kết công tác CCHC của các bộ, ngành, địa phương với việc xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số.
Về công tác chỉ đạo, điều hành, Kế hoạch nêu rõ sẽ tăng giám sát, kiểm tra tình hình thực hiện các văn bản chỉ đạo, điều hành CCHC; đẩy mạnh tuyên truyền CCHC; giải quyết các kiến nghị của bộ, ngành, địa phương liên quan CCHC; xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch kiểm tra CCHC theo chuyên đề của các thành viên BCĐ. Đồng thời, sẽ tăng cường nghiên cứu, đề xuất sáng kiến CCHC; tổng hợp, đề xuất việc giải quyết khó khăn vướng mắc của các bộ, ngành, địa phương trong thực hiện CCHC; đề xuất xây dựng Đề án Chiến lược quốc gia về CCHC của Việt Nam đến năm 2030-tầm nhìn đến 2050; triển khai xác định, công bố Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2022 và Chỉ số CCHC năm 2022 của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư.
Về xây dựng thể chế, chính sách và tổ chức thực hiện, sẽ rà soát, sớm phát hiện và có biện pháp khắc phục các quy định pháp luật chồng chéo, bất cập, không phù hợp thực tiễn, gây khó khăn, kìm hãm sự phát triển; thực hiện hiệu quả Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản QPPL giai đoạn 2022-2027” ban hành kèm theo Quyết định 407/QĐ-TTg ngày 30/3/2022...
Liên quan cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và cải cách TTHC, Kế hoạch đề ra việc tập trung triển khai hiệu quả Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025 và thực hiện nghiêm, đầy đủ, hiệu quả các nhiệm vụ đẩy mạnh cải cách TTHC, hiện đại hóa phương thức chỉ đạo điều hành, nâng cao hiệu quả thực thi TTHC phục vụ người dân, DN. Đặc biệt, sẽ rà soát, đề xuất phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan hoạt động kinh doanh, trình Thủ tướng xem xét, phê duyệt trước ngày 30/9 hằng năm; tổ chức thực thi các phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan hoạt động kinh doanh đã được Thủ tướng phê duyệt và phương án phân cấp trong giải quyết TTHC. Đồng thời, thực hiện hiệu quả việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích; đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC; trình Thủ tướng ban hành văn bản QPPL quy định việc thực hiện liên thông nhóm TTHC “Đăng ký khai sinh-đăng ký thường trú-cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi” và “Đăng ký khai tử-xoá đăng ký thường trú-trợ cấp mai táng phí”.
Đáng chú ý, về xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, Kế hoạch nêu rõ, sẽ thực hiện số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết đối với TTHC thuộc phạm vi tiếp nhận của Bộ phận một cửa cấp xã (trừ xã vùng sâu, vùng xa, địa bàn đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo); 100% kết quả hồ sơ giải quyết TTHC được cung cấp đồng thời cả bản điện tử có đầy đủ giá trị pháp lý cho người dân, DN. Cùng đó, hoàn thành xây dựng quy trình nội bộ, quy trình điện tử trong giải quyết TTHC; đề xuất cấp có thẩm quyền giảm phí, lệ phí trong trường hợp thanh toán trực tuyến để khuyến khích người dân, DN tham gia thực hiện; chuẩn hóa, điện tử hóa mẫu đơn tờ khai theo hướng cắt giảm tối thiểu 20% thông tin phải khai báo trên cơ sở tái sử dụng dữ liệu đã được số hóa; đẩy nhanh thực hiện ký số trên thiết bị di động.