Đề xuất giảm phí sử dụng đường bộ: Liều thuốc tăng lực

Minh Tường
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ đề xuất giảm phí sử dụng đường bộ từ 10 - 30% cho các loại hình xe ô tô kinh doanh vận tải trong 6 tháng của năm 2023.

Nếu được thông qua, mức giảm này tuy không lớn nhưng rất có ý nghĩa với các DN kinh doanh vận tải trong bối cảnh khó khăn chồng chất hiện nay.

Bộ Tài chính đề xuất giảm 10 - 30% phí sử dụng đường bộ trong năm 2023. 
Bộ Tài chính đề xuất giảm 10 - 30% phí sử dụng đường bộ trong năm 2023. 

Sau hai năm gần như tê liệt hoạt động do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, vừa tái khởi động, các cá nhân, DN kinh doanh vận tải (KDVT) bằng xe ô tô lại tiếp tục chịu cú đấm bồi từ giá xăng, dầu tăng phi mã. Những khó khăn chồng chất khiến nhiều DN bấp bênh bên bờ vực phá sản.

Giao thông vận tải là huyết mạch của kinh tế - xã hội. Nếu không có biện pháp tháo gỡ khó khăn, những huyết mạch này sẽ bị đình trệ, bế tắc, đe dọa khiến cả cơ thể ốm yếu theo. Chính vì vậy rất cần Chính phủ và các bộ, ngành đưa ra nhiều biện pháp hỗ trợ khối DN KDVT giảm thiểu khó khăn, sớm phục hồi, phát triển.

Bên cạnh việc giá xăng, dầu đã dần bình ổn lại, mới đây, Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất giảm phí sử dụng đường bộ 10% đối với xe vận tải hàng hóa, 30% với xe vận tải hành khách trong 6 tháng của năm 2023. Đề xuất vẫn chưa thực sự làm nức lòng các DN do thời gian giảm chỉ gói gọn trong vài tháng. Nhưng nó cũng giống như một liều thuốc tăng lực, “một miếng khi đói, bằng gói khi no”, giúp DN thêm phần phấn chấn.

Mức giảm phí sử dụng đường bộ đối với các DN KDVT càng lớn càng có nhiều ý nghĩa, giúp tiết kiệm hàng chục, hàng trăm triệu đồng. Cùng với những tác động tích cực từ sự bình ổn của giá xăng dầu, những huyết mạch của nền kinh tế đang dần tươi hồng hơn.

Tuy nhiên, nhiều DN vẫn cho rằng, thời gian được giảm phí sử dụng đường bộ có thể dài hơn. Đặc biệt, các DN vận tải hành khách đã chịu thiệt hại quá nặng nề, lại đang phải cạnh tranh khốc liệt với nhiều loại hình kinh doanh bất chính lại càng mong mỏi nhận được nhiều hơn những liều thuốc tăng lực từ Chính phủ và các bộ, ngành.

Mặt khác, có ý kiến cho rằng, mức giảm phí sử dụng đường bộ sẽ chưa tạo nên hiệu quả mạnh mẽ trên diện rộng. Chỉ các DN KDVT lớn với nhiều phương tiện mới thấy được tác dụng thiết thực của nó. Còn với các cá nhân, tổ chức nhỏ lẻ, mức giảm phí trong thời gian dự kiến ngắn ngủi 6 tháng sẽ chỉ mang lại hiệu quả về tinh thần là chính.

Tuy nhiên, cần nhìn nhận một cách toàn diện rằng, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã có rất nhiều sự hỗ trợ thiết thực, nỗ lực giúp các ngành nghề phục hồi kinh doanh, sản xuất sau đại dịch Covid-19. Trong đó KDVT cũng nhận được sự quan tâm không nhỏ.

Việc giảm phí sử dụng đường bộ cho xe ô tô KDVT trong 6 tháng của năm 2023 có thể khiến ngân sách giảm thu hàng trăm tỷ đồng, ảnh hưởng đến kế hoạch sử dụng nguồn thu này nhằm duy tu, duy trì, bảo dưỡng hạ tầng giao thông. Bởi vậy, các DN cũng cần chia sẻ với Nhà nước và Nhân dân, vận động bằng nội lực để nhanh chóng vượt qua khó khăn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội nói chung của cả nước.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần