Đề xuất mới về điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần

Oanh Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Bộ LĐTB&XH đề xuất điều chỉnh quy định điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo hướng mức hưởng cho mỗi năm đóng bằng 1 lần mức tiền lương bình quân tháng đã đóng bảo hiểm xã hội.

Người lao động có sự lựa chọn
Hiện nay, Bộ LĐTB&XH đã hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) và gửi Bộ Tư pháp thẩm định trước khi trình Chính phủ xem xét.
Trong bản dự thảo mới nhất Báo cáo đánh giá tác động của chính sách, Bộ LĐTB&XH cho rằng, chính sách BHXH hiện hành chưa hướng đến bao phủ toàn diện. Quy định về điều kiện hưởng lương hưu và nhận bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần còn bất cập. Việc phát triển đối tượng còn dưới mức tiềm năng, nhiều đối tượng thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc nhưng chưa tham gia. Trong khi số lượng hưởng BHXH một lần tăng nhanh chóng.
 Người lao động đang làm thủ tục hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội.
Để đạt được mục tiêu của Nghị quyết số 28-NQ/TW về diện bao phủ đối tượng tham gia và đối tượng thụ hưởng BHXH, Bộ LĐTB&XH đề xuất thiết kế hệ thống BHXH đa tầng thông qua bổ sung quy định về trợ cấp hưu trí đối với người cao tuổi có lương hưu hoặc trợ cấp BHXH hằng tháng; quy định lộ trình điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.
Bộ LĐTB&XH đề xuất bổ sung tham gia BHXH bắt buộc đối với một số nhóm đối tượng có điều kiện và khả năng: Chủ hộ kinh doanh cá thể, người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương; quy định cụ thể việc tham gia BHXH bắt buộc đối với người lao động làm việc không trọn thời gian.
Bên cạnh đó, điều chỉnh quy định điều kiện hưởng BHXH một lần theo hướng tạo điều kiện cho người lao động có sự lựa chọn, đồng thời vẫn bảo đảm hướng người lao động đến hưởng lương hằng tháng.
Cụ thể, nếu người lao động chưa đến tuổi nghỉ hưu mà sau một năm không tham gia BHXH đề nghị hưởng BHXH một lần thì mức hưởng cho mỗi năm đóng bằng 1 lần mức tiền lương bình quân tháng đã đóng BHXH.
Trường hợp người lao động đến tuổi nghỉ hưu nhưng không đủ điều kiện hưởng lương hưu hằng tháng hoặc người lao động mắc bệnh hiểm nghèo hoặc ra nước ngoài để định cư hợp pháp thì mức hưởng cho mỗi năm đóng góp bằng hai lần mức tiền lương bình quân đã đóng BHXH. Quy định này áp dụng đối với thời gian đóng từ năm 2014 trở đi; còn thời gian đóng BHXH trước năm 2014 thì vẫn giữ như hiện hành là một năm đóng BHXH được hưởng 1,5 lần mức bình quân tiền lương tháng đã đóng BHXH.
Bộ LĐTB&XH đề xuất bổ sung chế độ thai sản trong BHXH tự nguyện. Theo đó, lao động nữ tham gia BHXH tự nguyện, khi sinh con được hưởng trợ cấp 2 triệu đồng cho một con mới sinh.
Và, đề xuất tăng mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước nhằm tăng tính hấp dẫn, thu hút tạo điều kiện để người dân tham gia BHXH tự nguyện. Cụ thể: Tăng mức hỗ trợ bằng 30% mức đóng BHXH tự nguyện tính trên thu nhập tháng bằng mức chuẩn nghèo khu vực nông thôn.
Bộ LĐTB&XH đề xuất sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm nhằm tạo điều kiện cho người lao động cao tuổi, có số năm tham gia BHXH thấp được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi BHXH.
Cùng với đó, là bổ sung quy định giao Chính phủ nghiên cứu thực hiện thí điểm chế độ trợ cấp trẻ em.
Phát sinh chi ngân sách nhà nước 49.521 tỷ đồng
Bộ LĐTB&XH đã có ánh giá tác động của các giải pháp đối với đối tượng chịu tác động trực tiếp của chính sách và những đối tượng khác có liên quan. Về tác động kinh tế đối với nhà nước: Phát sinh chi ngân sách nhà nước 49.521 tỷ đồng trong giai đoạn 2024 – 2030 (bình quân mỗi năm 7.074 tỷ đồng).
Trong đó, chính sách hỗ trợ tiền đóng BHXH cho người tham gia BHXH tự nguyện với mức hỗ trợ 30% so với mức đóng chuẩn nghèo khu vực nông thôn: Dự kiến giai đoạn 2024 – 2030, ngân sách Nhà nước phát sinh tăng 17.019 tỷ đồng (bình quân mỗi năm 2.431 tỷ đồng).
Chính sách trợ cấp thai sản đối với lao động nữ tham gia BHXH tự nguyện sinh con: Dự kiến giai đoạn 2024 – 2030, ngân sách Nhà nước phát sinh tăng thêm 750 tỷ đồng (bình quân mỗi nă m 107 tỷ đồng).
Về chính sách hạ độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội: Tùy thuộc vào khả năng cân đối của ngân sách Nhà nước, Nhà nước sẽ quyết định hạ dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí hằng tháng theo lộ trình từng bước xuống 75 tuổi, 70 tuổi... Để đạt được mục tiêu đến năm 2030 có khoảng 60% số người sau độ tuổi được hưởng lương hưu trừ một trong ba tầng BHXH thì số người hưởng trợ cấp hưu trí xã hội ở năm 2030 sẽ tăng thêm khoảng 1,5 triệu người so với năm 2020. Dự kiến giai đoạn 2024 – 2030, ngân sách Nhà nước phát sinh tăng 31.752 tỷ đồng (bình quân mỗi năm 4.536 tỷ đồng).
Đối với quỹ BHXH, đối tượng tham gia BHXH mở rộng sẽ làm tăng nguồn thu vào Quỹ BHXH trong ngắn hạn và trung hạn, đồng thời làm tăng nguồn chi từ Quỹ BHXH trong cả ngắn hạn và dài hạn.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần