Đề xuất quy định quản lý tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu

Tiến Quang/GTHN
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ Công an đang lấy ý kiến góp ý của Nhân dân đối với dự thảo Nghị định quy định về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính.

Bộ Công an cho biết, qua hơn 7 năm triển khai thi hành Nghị định số 115/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính (VPHC) bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính (TTHC) đã đạt được những kết quả quan trọng trong công tác quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện VPHC, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, ngăn chặn có hiệu quả các hành vi VPHC, tạo điều kiện thuận lợi để các cơ quan chức năng xác minh tình tiết của vụ vi phạm, trên cơ sở đó làm căn cứ quyết định xử lý công minh, triệt để, nâng cao hiệu quả, hiệu lực của quyết định xử lý VPHC.
Hàng ngàn xe máy, ô tô nằm giữa trời tại bãi xe vi phạm 360 đường Giải Phóng. Ảnh: Ngọc Thắng
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, thực tiễn thi hành Nghị định số 115/2013/NĐ-CP đã phát sinh một số hạn chế, bất cập nhất định cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn và tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước về thi hành pháp luật xử lý VPHC.
Ngày 13/11/2020, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý VPHC, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2022, theo đó một số các quy định về tạm giữ, tịch thu tang vật, phương tiện VPHC đã có sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tế hiện nay, như: Bổ sung quy định về quản lý, bảo quản đối với giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ; bổ sung trách nhiệm quản lý, bảo quản của người lập biên bản tạm giữ...
Do đó, để bảo đảm cho việc tạm giữ tang vật, phương tiện VPHC, giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo đúng quy định của Luật Xử lý VPHC, bảo đảm phù hợp với yêu cầu thực tiễn, góp phần đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả và xử lý nghiêm mọi hành vi VPHC thì việc ban hành Nghị định quy định về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện VPHC bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính để thay thế Nghị định số 115/2013/NĐ-CP là cần thiết.
Dự thảo Nghị định nêu rõ nguyên tắc quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ.
Cụ thể, tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ phải được quản lý, bảo quản chặt chẽ, an toàn, sắp xếp hợp lý, dễ kiểm tra, tránh nhầm lẫn, không để gây ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh.
Các tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ được bảo đảm tính nguyên vẹn, không tính đến phần giảm giá trị thiệt hại do các nguyên nhân khách quan như thời tiết, độ ẩm, hao mòn theo thời gian.
Chỉ tiếp nhận, trả lại, chuyển tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ hoặc tiếp nhận, chuyển tang vật, phương tiện bị tịch thu cho cơ quan, tổ chức, cá nhân khi có quyết định của người có thẩm quyền.
Bên cạnh đó, dự thảo quy định rõ các hành vi bị nghiêm cấm là chiếm đoạt, bán, trao đổi, cầm cố, thế chấp, đánh tráo, thay thế tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ và các hành vi trục lợi khác; vi phạm niêm phong tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu; mang tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ ra khỏi nơi tạm giữ, bảo quản trái phép; làm mất, thiếu hụt, hủy hoại, cố ý làm hư hỏng tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ.
Về trách nhiệm trong quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ, dự thảo Nghị định nêu rõ, người lập biên bản tạm giữ, người ra quyết định tạm giữ, tịch thu có trách nhiệm quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ.
Trường hợp tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ bị mất, bán trái quy định, đánh tráo, hư hỏng, mất linh kiện, thay thế thì người ra quyết định tạm giữ, tịch thu chịu trách nhiệm bồi thường và bị xử lý theo quy định của pháp luật. Người trực tiếp quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và người ra quyết định tạm giữ, tịch thu về việc quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ.
Ngoài ra, dự thảo Nghị định cũng quy định cụ thể việc xử lý tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề hết thời hạn tạm giữ. Theo đó, việc xử lý tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề hết thời hạn tạm giữ được thực hiện theo quy định tại các Khoản 4, 4a và 4b Điều 126 Luật Xử lý VPHC năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) và các quy định sau:
1- Cơ quan của người ra quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề có trách nhiệm tiếp tục quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề khi đã quá thời hạn tạm giữ mà người vi phạm không đến nhận hoặc không xác định được người vi phạm và trong thời gian niêm yết công khai, thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng cho đến khi tang vật, phương tiện đó bị tịch thu, xử lý theo quy định; giấy phép, chứng chỉ hành nghề được chuyển cho cơ quan có thẩm quyền để thu hồi.
2- Sau khi tang vật, phương tiện VPHC bị tịch thu bằng quyết định tịch thu của người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về xử lý VPHC và được xác lập quyền sở hữu toàn dân thì được xử lý theo trình tự, thủ tục quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản quy định chi tiết thi hành.