Đề xuất tăng mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công từ 1/7/2023

Trần Oanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Bộ LĐTB&XH đề xuất tăng mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng, với hai phương án tăng 26,54% và 29,99%, thực hiện từ ngày 1/7/2023.

Bộ LĐTB&XH đã xây dựng dự thảo Nghị định Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2021/NĐ-CP ngày 24/7/2021 của Chính phủ quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng. Bộ LĐTB&XH cho biết, căn cứ Nghị quyết số 69/2022/QH15 ngày 11/11/2022 của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023, từ ngày 1/7/2023, tăng mức chuẩn trợ cấp người có công bảo đảm không thấp hơn mức chuẩn hộ nghèo khu vực thành thị.

Bộ LĐTB&XH đề xuất tăng mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng, thực hiện từ ngày 1/7/2023. Ảnh minh họa.
Bộ LĐTB&XH đề xuất tăng mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng, thực hiện từ ngày 1/7/2023. Ảnh minh họa.

Theo quy định tại Nghị định số 07/2021/NĐ-CP ngày 27/1/2021 của Chính phủ quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025 thì mức chuẩn hộ nghèo khu vực thành thị là 2.000.000 đồng/người/tháng. Trên cơ sở đó, Bộ LĐTB&XH đề xuất 2 phương án điều chỉnh mức chuẩn trợ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng như sau:

Phương án 1: Điều chỉnh tăng mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng từ 1.624.000 đồng lên thành 2.055.000 đồng (cao hơn mức chuẩn nghèo thành thị 55.000 đồng, tương ứng với tỷ lệ tăng là 26,54%).

Phương án 2: Điều chỉnh tăng mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng từ 1.624.000 đồng lên thành 2.111.000 đồng (cao hơn mức chuẩn nghèo thành thị 111.000 đồng, tương ứng với tỷ lệ tăng là 29,99%).

Mức chuẩn quy định này làm căn cứ để tính mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng. Các mức quy định theo mức chuẩn tại Nghị định này được điều chỉnh khi mức chuẩn được điều chỉnh và làm tròn theo quy tắc làm tròn số trong toán học đến hàng nghìn đồng.

Bộ LĐTB&XH cũng đề xuất bổ sung quy định mức chi tối đa đối với tiền quà tặng cho đối tượng là 20% mức chi điều dưỡng phục hồi sức khỏe tập trung.

Đồng thời, Bộ LĐTB&XH đề xuất sửa đổi mức quà tặng bằng tiền mặt và hiện vật đối với gia đình, cá nhân. Theo đó, mức quà tặng của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam:

- Mức quà tặng đối với tập thể: Tiền mặt là 5.000.000 đồng/tập thể, hiện vật trị giá 500.000 đồng/tập thể.

- Mức quà tặng đối với gia đình, cá nhân: Tiền mặt là 1.000.000 đồng/gia đình hoặc cá nhân; hiện vật trị giá 250.000 đồng/gia đình hoặc cá nhân.

Quà tặng của lãnh đạo Bộ, cơ quan trung ương:

- Mức quà tặng đối với tập thể: Tiền mặt là 3.000.000 đồng/tập thể; hiện vật trị giá 500.000 đồng/tập thể.

- Mức quà tặng đối với gia đình, cá nhân: Tiền mặt là 1.000.000 đồng/gia đình hoặc cá nhân; hiện vật trị giá 250.000 đồng/gia đình hoặc cá nhân.

Bộ LĐTB&XH cho biết, kinh phí thực hiện trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng. Với mức chuẩn hiện hành quy định tại Nghị định số 75/2021/NĐ-CP là 1.624.000 đồng thì kinh phí thực hiện trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng năm 2023 là 29.495 tỷ đồng.

Theo phương án 1, nếu nâng mức chuẩn lên 2.055.000 đồng thì kinh phí thực hiện trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng năm 2023 là 32.223 tỷ đồng, tăng thêm 2.728 tỷ đồng.

Theo phương án 2, nếu nâng mức chuẩn lên 2.111.000 đồng thì kinh phí thực hiện trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng năm 2023 là 32.663 tỷ đồng, tăng thêm 3.168 tỷ đồng và cao hơn 440 tỷ đồng so với phương án 1.